Bộ Công Thương sẽ sớm trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển ngành thép

19/06/2024 - 18:20
(Bankviet.com) Bộ Công Thương đang xây dựng và dự kiến sẽ sớm trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển ngành thép Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Yếu tố nào hỗ trợ phục hồi tiêu thụ thép nửa cuối năm? Nhiều giải pháp gỡ khó cho ngành thép

Việt Nam nhập khẩu sắt, thép nhiều nhất từ thị trường Trung Quốc

Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 5, Việt Nam đã nhập khẩu trên 1,54 triệu tấn sắt thép, tương đương gần 1,3 triệu USD, giá trung bình 730 USD/tấn, tăng 20,6% về lượng và tăng 34,1% về kim ngạch so với tháng 4/2024. Tính chung 5 tháng đầu năm, đã có 6,9 triệu tấn sắt thép nhập khẩu về Việt Nam, trị giá hơn 5 tỷ USD, giá trung bình đạt 724 USD/tấn, tăng mạnh 50,1% về lượng và tăng 27,6% kim ngạch nhưng giảm 15,1% về giá so với 5 tháng đầu năm 2023.

Bộ Công Thương sẽ sớm trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển ngành thép
Theo Bộ Công Thương, tính đến hết tháng 5/2024, trong tổng số 252 vụ việc nước ngoài điều tra phòng vệ thương mại với Việt Nam có khoảng 30% vụ việc liên quan các sản phẩm thép

Sắt thép các loại nhập khẩu vào Việt Nam nhiều nhất trong 5 tháng qua có xuất xứ từ Trung Quốc, với 4,77 triệu tấn, tương đương hơn 3 tỷ USD, tăng 91% về lượng và tăng 62% kim ngạch so với 5 tháng đầu năm 2023; chiếm 69% trong tổng lượng và chiếm 61% trong tổng kim ngạch nhập khẩu sắt thép của cả nước.

Giá nhập khẩu bình quân 5 tháng đầu năm 2024 đạt 641 USD/tấn, giảm 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng tháng 5, Trung Quốc đã xuất sang nước ta hơn 1,1 triệu tấn, tương đương 702 triệu USD, tăng 154% về lượng và tăng 105% về kim ngạch so với tháng 5/2023. Đây cũng là tháng có mức sản lượng cao nhất từ đầu năm 2023.

Mặc dù sản xuất thép thô của Việt Nam hiện đứng vị trí thứ 13 thế giới và đứng đầu khu vực ASEAN. Tuy nhiên, ngành thép còn có những điểm nghẽn mang tính dài hạn. Năng lực sản xuất còn hạn chế, Việt Nam tiếp tục là quốc gia nhập siêu về thép. Sản xuất thép thô mới cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất trong nước, còn thiếu hụt sản phẩm thép chất lượng cao, thép kỹ thuật.

Việt Nam vẫn tiếp tục nhập khẩu thép cán (chiếm trên 50% tổng kim ngạch nhập khẩu), trong đó chủ yếu là thép cán nóng. Ngoài ra, Việt Nam vẫn tiếp tục phải nhập khẩu thép hình, một số sản phẩm tôn mạ kim loại và sơn phủ màu (chiếm khoảng 20-25% nhu cầu tiêu dùng trong nước).

Trong khi đó, do thị trường xây dựng trong nước khó khăn, Trung Quốc - “cường quốc” sản xuất thép có chính sách đẩy mạnh xuất khẩu bằng cách hỗ trợ giá, thuế. Làn sóng thép Trung Quốc tràn vào Việt Nam khiến các doanh nghiệp lo lắng, nhất là khi thị trường trong nước đang manh nha những dấu hiệu phục hồi sau thời gian dài trầm lắng do ảnh hưởng bởi sự suy thoái của bất động sản.

Ông Nghiêm Xuân Đa - Chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam (VSA) nhận định, với đà phục hồi hiện nay, dự báo sản xuất thép thành phẩm năm 2024 có thể đạt 30 triệu tấn, tăng 7% so với năm 2023. Tuy nhiên, việc Trung Quốc tiếp tục gia tăng xuất khẩu thép, các nhà sản xuất thép Việt Nam đối diện với nguy cơ mất thị trường nội địa.

“Sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ sản xuất trên toàn thế giới khi các nước đều tăng cường các "hàng rào" kỹ thuật, phòng vệ thương mại ngăn cản thép nhập khẩu để bảo vệ sản xuất trong nước cũng là lực cản không nhỏ đối với việc xuất khẩu thép cuả Việt Nam hiện nay. Thêm vào đó, tình trạng "cung vượt cầu" của nhiều sản phẩm thép trong nước cùng sự gia tăng thép nhập khẩu sẽ làm cho sự cạnh tranh về giá cả mặt hàng thép thành phẩm nội địa trở nên khốc liệt hơn", ông Nghiêm Xuân Đa nói.

Trước những khó khăn hiện nay, Hiệp hội Thép Việt Nam đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn quản lý kỹ thuật, quản lý chất lượng, hàng rào kỹ thuật nhằm ngăn ngừa các sản phẩm thép không đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn và môi trường tràn vào thị trường Việt Nam. Bộ Công Thương kịp thời áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại (biện pháp tự vệ, chống bán phá giá, chống trợ cấp, lẩn tránh thương mại) nhằm ngăn ngừa hành vi cạnh tranh không lành mạnh, bảo vệ sản xuất trong nước.

Đồng thời, đẩy nhanh đồng bộ các kênh kích cầu đối với sản phẩm thép như thị trường bất động sản, thị trường xây dựng, chương trình xây dựng 1 triệu nhà ở xã hội, đẩy mạnh đầu tư công…

Hiệp hội thép Việt Nam đề nghị Bộ Công Thương tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu thép ứng phó kịp thời hiệu quả các vụ việc phòng vệ thương mại đối sản xuất thép ở nước ngoài. Bộ Công Thương cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng, trình Chiến lược phát triển công nghiệp thép Việt Nam đến 2030, tầm nhìn 2050, gắn với các chính sách đặc thù cho ngành thép tăng trưởng xanh và bền vững.

Trong thời gian, chưa có Chiến lược phát triển ngành thép, cần có biện pháp quản lý đầu tư các dự án thép có quy mô lớn nhằm kiểm soát cân đối cung cầu, tránh lãng phí tài nguyên, vốn đất đai, bảo vệ môi trường giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi sản xuất tiêu thụ xanh;…

Sẽ sớm trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển ngành thép

Để ngăn chặn tình trạng thép ồ ạt chảy vào Việt Nam gây ảnh hưởng đến thép nội, ngày 14/6/2024, Bộ Công Thương cũng đã ban hành Quyết định số 1535/QĐ-BCT về việc điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép mạ có xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc.

Cũng trong ngày 14/6/2024, Bộ Công Thương cũng ra thông báo về việc đã tiếp nhận hồ sơ đầy đủ, hợp lệ yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm thép cán nóng (HRC) từ Ấn Độ và Trung Quốc.

Trước đó, trong ngày 19/3/2024, Cục Phòng vệ thương mại (Cơ quan điều tra) tiếp nhận hồ sơ của các công ty là đại diện cho ngành sản xuất trong nước (Bên yêu cầu) - bao gồm Tập đoàn Hòa Phát (HPG) và Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh, yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm thép cán nóng từ Ấn Độ và Trung Quốc.

Để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho ngành thép, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, Bộ Công Thương đang xây dựng và dự kiến sẽ sớm trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển ngành thép Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Bộ cũng đang hoàn tất dự thảo để báo cáo Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật phát triển công nghiệp trọng điểm. Theo đó, mục tiêu dài hạn là phát triển ngành công nghiệp thép trở thành ngành công nghiệp nền tảng quốc gia, đáp ứng được nhu cầu trong nước và tăng nhanh xuất khẩu.

Về hỗ trợ vay vốn, Bộ Công Thương đã đề xuất Bộ Tài chính rà soát, cập nhật và có chính sách điều tiết thuế nhập khẩu phù hợp đối với một số mặt hàng thép có biến động lớn về giá; đề xuất Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo, khuyến khích các ngân hàng thương mại triển khai các gói tín dụng ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, sản xuất, kinh doanh thép.

Đối với vấn đề thép nhập khẩu ồ ạt vào thị trường, Bộ Công Thương đã thường xuyên rà soát, đánh giá tác động của hoạt động nhập khẩu thép, tiếp nhận phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp kịp thời bảo vệ doanh nghiệp tại thị trường nội địa thông qua các biện pháp phòng vệ thương mại (chống bán phá giá, chống lẩn tránh thuế, chống trợ cấp, tự vệ thương mại) và biện pháp kĩ thuật. Bên cạnh đó, Bộ cũng thực hiện hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu thép ứng phó kịp thời, hiệu quả với các vụ việc phòng vệ thương mại sản phẩm thép ở nước ngoài.

Đồng thời, cơ quan này cũng khẳng định đã, đang và sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thép phát triển thị trường, đặc biệt là mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu; đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại; xây dựng, bảo vệ thương hiệu cho ngành thép của Việt Nam; Hỗ trợ doanh nghiệp bảo vệ lợi ích tại thị trường trong nước và ngoài nước…

Theo Bộ Công Thương, tính đến hết tháng 5/2024, trong tổng số 252 vụ việc nước ngoài điều tra phòng vệ thương mại với Việt Nam có khoảng 30% vụ việc liên quan các sản phẩm thép. Các sản phẩm thép bị điều tra khá đa dạng, gồm thép mạ, thép không gỉ cán nguội, thép phủ màu, ống thép, mắc áo bằng thép, đinh thép,… Những vụ kiện này hầu hết xảy ra ở các thị trường xuất khẩu thép chủ lực của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU, Úc…, trong đó Hoa Kỳ là nước điều tra nhiều nhất với Việt Nam.

Gần đây nhất, sau một thời gian dài không không sử dụng biện pháp phòng vệ thương mại trực diện với Việt Nam, vào tháng 8/2023, EU đã tiến hành điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với thép không gỉ cán nguội Việt Nam với cáo buộc lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại đang áp dụng đối với Indonesia.

Nguyễn Hạnh

Theo: Báo Công Thương