Định vị thương hiệu nông sản Việt Để nông sản Việt không phải “thay tên đổi họ” khi xuất khẩu vào EU Gỡ khó thông tin thị trường và xây dựng thương hiệu nông sản |
Không thể nói đến tiêu thụ, thị trường khi hàng hóa không đạt chuẩn
Tiếp tục Chương trình Phiên họp thứ 36, ngày 21/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV đến hết năm 2023.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan trả lời chất vấn |
Chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đại biểu Phạm Hùng Thắng - đoàn Hà Nam nêu, với vai trò quản lý nhà nước trong lĩnh vực Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, xin Bộ trưởng cho biết Bộ sẽ có giải pháp gì để tham mưu cho Chính phủ sớm có chính sách hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông sản, mở rộng các thị trường mới cho nông sản Việt Nam?
Bên cạnh đó, Bộ sẽ có những giải pháp gì để tham mưu cho Chính phủ sớm hoàn thiện chính sách, pháp luật về phát triển nhãn hiệu, thương hiệu, sở hữu độc quyền, nhãn hiệu sản phẩm nông sản chủ lực của Việt Nam?
Trả lời về giải pháp chính sách hỗ trợ tiêu thụ nông sản, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, chủ trương mở cửa thị trường đã được nhất quán để tạo điều kiện cho dòng chảy của nông sản từ đồng ruộng ra tới người tiêu dùng, kể cả thị trường trong nước và thị trường nước ngoài.
"Trong thời gian vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng với Bộ Công Thương liên tục có những Nghị định thư giữa các nước để chúng ta tiêu thụ nông sản ngoài tiêu thụ trong nước" - Bộ trưởng thông tin.
Bên cạnh đó, vấn đề chuẩn hóa được tất cả các tiêu chuẩn chất lượng của nông sản là một vấn đề lớn. Chúng ta không thể nào nói đến tiêu thụ, nói đến thị trường khi hàng hóa chúng ta không đạt chuẩn, kể cả thị trường trong nước và thị trường nước ngoài.
Do đó, chúng tôi quan tâm tới vấn đề cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi, đây là một vấn đề rất lớn đối với một nền nông nghiệp còn manh mún, nhỏ lẻ, tự phát, cần xây dựng lại vùng nguyên liệu tập trung và liên kết lại trở thành những hợp tác xã đủ mạnh.
"Vừa qua tôi về Bình Lục, Hà Nam nhân sự cố thiên tai ngập úng của vùng lúa chiêm trũng của Bình Lục tôi càng nhìn rõ hơn về tính manh mún nền nông nghiệp chúng ta" - Bộ trưởng nói.
Do đó, trước khi chúng ta nói về chính sách hỗ trợ tiêu thụ thì những chính sách để làm sao chúng ta liên kết được những mảnh ruộng nhỏ trở thành những mảnh ruộng lớn, những khu rừng nhỏ trở thành những khu rừng lớn.
Đây là vấn đề, đề nghị các địa phương quan tâm, bởi vì Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn không thể bao trùm được hết tất cả các vai trò liên kết các chuỗi giá trị, liên kết cơ cấu lại vùng trồng, cơ cấu lại ngành sản xuất của từng địa phương theo từng loại sản phẩm có thế mạnh.
Ngoài ra, chúng ta thúc đẩy sản phẩm OCOP. Đến nay, chúng ta có hơn 13.000 sản phẩm OCOP, đây cũng là một kênh để chúng ta tiêu thụ những sản phẩm chế biến, tăng giá trị cho nông sản ở địa phương theo từng cấp độ.
Nếu chúng ta thực hiện tốt điều đó sẽ giải tỏa được áp lực thị trường, tạo thêm được sinh kế, lao động việc làm cho bà con nông dân ngoài thu nhập từ đơn vị sản xuất.
Thương hiệu sẽ tạo ra giá trị gia tăng rất lớn
Về giải pháp phát triển nhãn hiệu, thương hiệu, người đứng đầu ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chia sẻ, chúng tôi đang nghiên cứu rất sâu vấn đề này. Bởi vì chúng tôi cũng biết rằng thương hiệu sẽ tạo ra được giá trị gia tăng rất lớn. Tuy nhiên, một là chúng tôi chưa có một nghị quyết nào của Quốc hội giao cho Chính phủ để ban hành nghị quyết về thương hiệu.
Đại biểu Phạm Hùng Thắng - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam |
Thứ hai, chúng ta thường hay nhầm lẫn giữa nhãn hiệu và thương hiệu. Thực ra nhãn hiệu chúng ta xây dựng dễ, chúng ta bảo hộ cũng dễ nhưng thương hiệu là niềm tin của người tiêu dùng chứ không chỉ là câu chuyện một nhãn hiệu đơn thuần. Đó là niềm tin về chất lượng, quy chuẩn, tiêu chuẩn, về độ đồng đều, sự nhất quán trong nhiều năm đối với một sản phẩm nào đó chứ cũng không phải chỉ là một sản phẩm trong một thời kỳ.
"Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang cùng với Bộ Công Thương phối hợp với nhau trong việc xây dựng những thương hiệu nông sản" - Bộ trưởng nhấn mạnh và cho rằng, muốn như vậy chúng ta phải có những vùng nguyên liệu tập trung, khắc phục tính manh mún, nhỏ lẻ, tự phát dẫn đến chất lượng sản phẩm của chúng ta không đồng đều, có mùa này tốt, mùa sau lại không tốt, một chuyến hàng tốt, chuyến hàng sau không tốt thì chắc chắn chúng ta không làm được thương hiệu. Quy chuẩn hóa, tiêu chuẩn hóa tất cả những những nông sản chủ lực để từ mức độ đó trở lên được xem là đạt chuẩn thương hiệu quốc gia.
Thứ ba, cùng với các hiệp hội ngành hàng xây dựng những cơ sở, những thiết chế để bảo vệ hình ảnh nông sản của Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng Bộ Công Thương đang đề xuất với Chính phủ xây dựng Hội đồng lúa gạo quốc gia. Đây là một bước thay đổi về mặt thể chế, chúng ta không can thiệp sâu vào thị trường nhưng chúng ta phải điều chỉnh thị trường khi có bất kỳ một sự xung đột, biến cố nào đó, nhất là khi ngành lúa gạo là hình ảnh của đất nước, là hình ảnh ngoại giao chứ không phải chỉ là xuất khẩu.
Sau Hội đồng lúa gạo quốc gia, chúng tôi cũng tiếp tục nghiên cứu tới những nông sản chủ lực như sầu riêng, cà phê hay hồ tiêu... Những việc đó phải có sự điều hành để chuỗi ngành hàng đồng đều trong nhiều năm, có một tiêu chuẩn, quy chuẩn nhất định, từ đó, kim ngạch xuất khẩu nông sản chúng ta không ngừng gia tăng...
.