Nguồn: Bộ Tài chính. |
Công tác cải cách hành chính (CCHC), trong đó có công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) luôn được Bộ Tài chính đặc biệt quan tâm. Việc giữ được các chỉ tiêu cải cách hàng năm là việc không dễ dàng, đòi hỏi toàn ngành Tài chính phải đặt mục tiêu cụ thể và nỗ lực phấn đấu qua từng ngày, từng tháng, nhằm triển khai có hiệu quả các nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.
9 năm liền trong tốp đầu Năm 2023, Chính phủ đã công bố Chỉ số CCHC năm 2022 (PAR Index) của các bộ, ngành, địa phương và Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2022. Bộ Tài chính xếp vị trí thứ 3 với kết quả Chỉ số CCHC đạt 89,76%. Đây là năm thứ 9 liên tiếp (từ năm 2014 - 2022), Bộ Tài chính nằm trong nhóm 3 bộ, cơ quan ngang bộ dẫn đầu về PAR Index. |
Bộ Tài chính đã kiểm soát chặt chẽ các TTHC thuộc phạm vi thẩm quyền quản lý, nhằm mục tiêu cải cách một cách toàn diện gắn với việc phát triển Chính phủ điện tử và quá trình chuyển đổi số để tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Tính đến ngày 29/2/2024, Bộ Tài chính đã triển khai thực hiện 85/146 nhiệm vụ, trong đó đã hoàn thành 13 nhiệm vụ, triển khai 58 nhiệm vụ thường xuyên có hiệu quả và đảm bảo tiến độ, đang tiếp tục thực hiện 14 nhiệm vụ theo kế hoạch.
Trong 2 tháng đầu năm 2024, Bộ Tài chính đã ban hành 4 quyết định công bố sửa đổi, bổ sung, thay thế 21 TTHC; bãi bỏ 40 TTHC và ban hành mới 10 TTHC trong lĩnh vực thuế, bảo hiểm. Hiện nay, tổng số dịch vụ công trực tuyến thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính là 756, trong đó: 378 dịch vụ công trực tuyến toàn trình, 116 dịch vụ công trực tuyến một phần và 262 dịch vụ cung cấp thông tin cho tổ chức, cá nhân. Bộ Tài chính đã hoàn thành kết nối, tích hợp 284 dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Bộ phận Một cửa của Bộ Tài chính tiếp tục vận hành ổn định, hiệu quả, tính từ ngày 1/1/2024 đến ngày 29/2/2024, đã tiếp nhận 218 hồ sơ.
Không chỉ chú trọng các TTHC mới được ban hành, Bộ Tài chính cũng thường xuyên rà soát, đánh giá TTHC nhằm đề xuất, bãi bỏ những TTHC không còn phù hợp hoặc sửa đổi theo hướng cụ thể, rõ ràng, đơn giản, tăng tính khả thi cho cá nhân, tổ chức thực hiện.
Ngay từ đầu năm, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành quyết định về kế hoạch CCHC năm 2024 của Bộ Tài chính. Theo đó, Bộ Tài chính xác định Kế hoạch CCHC năm 2024 tiếp tục bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ theo Chương trình tổng thể CCHC Nhà nước giai đoạn 2021 - 2030; các chỉ thị, kế hoạch CCHC của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính.
Theo đó, đặt mục tiêu triển khai đồng bộ và toàn diện từ công tác thể chế, cải cách TTHC đến xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, Bộ Tài chính số trên tất cả các lĩnh vực góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các cơ quan hành chính nhà nước ngành Tài chính. Cải cách sẽ góp phần khơi thông nguồn lực, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm, sinh kế cho người dân, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phục hồi, phát triển đất nước trong bối cảnh hiện nay.
Kế hoạch CCHC năm 2024 của Bộ Tài chính đã bám sát 7 nội dung của công tác CCHC, bao gồm: Cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, cải cách công vụ, cải cách tài chính công, xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số và công tác chỉ đạo, điều hành. Theo đó, tại Kế hoạch đã đề ra 65 nhóm nhiệm vụ với 146 sản phẩm/hoạt động đầu ra cụ thể, xác định rõ căn cứ, trách nhiệm của từng đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp cũng như tiến độ rõ ràng…
Cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận Bộ Tài chính là đơn vị có tốc độ cải cách hành chính nhanh, khối lượng dịch vụ được cải cách lớn, góp phần giảm chi phí, thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh.
Theo ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội, cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận Bộ Tài chính là đơn vị có tốc độ CCHC nhanh, khối lượng dịch vụ được cải cách lớn. Điều này đã góp phần giảm chi phí, TTHC cho các doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh. Bộ Tài chính và đặc biệt là cơ quan thuế đã chủ động nắm bắt, theo dõi chặt chẽ tình hình “sức khỏe” của doanh nghiệp, người nộp thuế, từ đó có chính sách hỗ trợ kịp thời.
Ngoài ra, cơ quan thuế đã tập trung hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người nộp thuế, đặc biệt đưa ra các giải pháp linh hoạt, thông minh, cũng như tham mưu đến cơ quan có thẩm quyền để ban hành các chính sách thuế đúng và trúng, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Coi cải cách hành chính là khâu đột phá Theo kế hoạch đặt ra trong năm 2024, Bộ Tài chính yêu cầu các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ phải xác định công tác CCHC là nhiệm vụ thường xuyên của đơn vị và là trách nhiệm của thủ trưởng các đơn vị. Theo đó, phải đề ra các giải pháp cụ thể, thiết thực triển khai nhiệm vụ CCHC theo chức năng, nhiệm vụ của đơn vị. Tăng cường tính chủ động, sáng tạo, quyết liệt áp dụng những giải pháp mới để CCHC trở thành khâu đột phá trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động quản lý của Bộ Tài chính. Những năm qua, Bộ Tài chính luôn nằm trong nhóm 3 bộ, cơ quan ngang bộ dẫn đầu về Chỉ số CCHC, do đó, việc xây dựng kế hoạch nhằm tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của Bộ Tài chính trong việc chủ trì, tham mưu giúp Chính phủ, Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ thực hiện cải cách tài chính công. Từ đó, hướng đến việc xây dựng nền tài chính quốc gia lành mạnh. Với tinh thần, nỗ lực luôn đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, Bộ Tài chính định kỳ hàng năm đã tổ chức hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đây chính là hình thức tháo gỡ khó khăn trực tiếp từ phản hồi của doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, đẩy mạnh cải cách TTHC. 5 năm qua, mặc dù chịu ảnh hưởng bởi những khó khăn của dịch Covid-19 và những bất lợi của nền kinh tế thế giới, Bộ Tài chính luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, vừa hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí, vừa cải cách TTHC tạo thuận lợi cho công tác quản lý và cho người nộp thuế. Trong một cuộc gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp gần đây, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Phạm Tấn Công đã thay mặt cộng đồng doanh nghiệp và doanh nhân cả nước đánh giá cao quyết tâm, nỗ lực cải cách của Bộ Tài chính, ngành Thuế và ngành Hải quan trong việc đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp duy trì và khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh. Với tinh thần, nỗ lực luôn đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, cơ quan thuế, hải quan đã lấy mức độ hài lòng của doanh nghiệp làm thước đo đánh giá năng lực, hiệu lực hiệu quả của cơ quan mình. Những động viên, đánh giá, khích lệ của cộng đồng doanh nghiệp cũng đã tạo động lực cho ngành Tài chính trong năm 2024 và những năm tiếp theo. |