Bộ Tài chính đề xuất ngưỡng nợ thuế hợp lý để tạm hoãn xuất cảnh

08/01/2025 - 19:11
(Bankviet.com) Liên quan đến việc đề xuất ngưỡng nợ thuế để hoãn xuất cảnh đang được lấy ý kiến, tại buổi họp báo quý 4/2024 của Bộ Tài chính chiều ngày 7/1, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Sơn cho biết, cơ sở đặt ra ngưỡng này được xây dựng dựa trên số liệu thống kê trên Hệ thống ứng dụng quản lý thuế.

Theo đó, hiện nay có khoảng 380.000 cá nhân kinh doanh và chủ hộ kinh doanh nợ thuế từ 10 triệu đồng trở lên, trong đó khoảng 81.000 người nợ thuế từ 50 triệu đồng. Đối với doanh nghiệp, khoảng 100.000 đơn vị nợ thuế trên 100 triệu đồng, trong đó 81.000 doanh nghiệp nợ từ 500 triệu đồng trở lên.

Đề xuất ngưỡng nợ thuế tạm hoãn xuất cảnh được xây dựng dựa trên thực tế và kinh nghiệm quốc tế. Tại Malaysia, ngưỡng nợ thuế để tạm hoãn xuất cảnh là 2.000 USD, còn tại Hoa Kỳ là 40.000 USD. Do đó, ngưỡng đối với cá nhân tại Việt Nam khoảng 2.100 USD (tương đương 50 triệu đồng) là phù hợp.

Đối với ngưỡng áp dụng cho doanh nghiệp, tham khảo tại Đài Loan, quy định cụ thể ngưỡng nợ áp dụng cho doanh nghiệp là 2 triệu Đài tệ (tương đương 1,57 tỷ đồng), các nước khác không quy định ngưỡng cụ thể. Do vậy, đối với doanh nghiệp, Bộ Tài chính đề xuất áp dụng ngưỡng nợ là 500 triệu đồng (gấp 10 lần số tiền thuế nợ quá hạn áp dụng cho cá nhân).

Đề xuất các ngưỡng nợ thuế hợp lý bị tạm hoãn xuất cảnh
Bộ Tài chính đề xuất ngưỡng nợ thuế bị tạm hoãn xuất cảnh

Theo lãnh đạo Tổng cục Thuế, việc quy định tạm hoãn xuất cảnh do nợ thuế là giải pháp đã được quy định và thực hiện từ lâu theo Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14. Qua thực tiễn triển khai, quy định này đã mang lại hiệu quả tốt đối với thu hồi nợ của cơ quan Thuế nhưng quy định hiện hành chưa quy định cụ thể về ngưỡng số tiền.

Bên cạnh đề xuất ngưỡng nợ thuế, Tổng cục Thuế cũng tăng cường quản lý đối với các cá nhân kinh doanh, đặc biệt là nhóm người nổi tiếng, YouTuber, TikToker và streamer. Phó Tổng cục trưởng Mai Sơn khẳng định, mọi cá nhân và tổ chức phát sinh thu nhập từ hoạt động kinh doanh, bao gồm trực tuyến, đều có nghĩa vụ kê khai và nộp thuế đầy đủ.

Trong năm qua, Tổng cục Thuế đã rà soát 76.428 cá nhân kinh doanh thương mại điện tử, trong đó xử lý vi phạm đối với 30.029 cá nhân, thu hồi và xử phạt tổng cộng 1.223 tỷ đồng. Đối với các cá nhân có doanh số lớn từ bán hàng qua thương mại điện tử, cơ quan thuế áp dụng các tiêu chí phân loại rủi ro, thanh tra và kiểm tra để đảm bảo sự công bằng và minh bạch.

Liên quan đến việc đồng nhất mã số thuế với số định danh cá nhân, ông Mai Sơn cho biết, triển khai Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử theo Đề án 06, Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) đã phối hợp với Bộ Công an triển khai nhiều giải pháp về chia sẻ dữ liệu, truy vấn dữ liệu, tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế rà soát, chuẩn hóa thông tin mã số thuế cá nhân.

Tính đến cuối tháng 12/2024, khoảng 95% mã số thuế cá nhân đã được đồng bộ và khớp đúng với cơ sở dữ liệu quốc gia. Theo lãnh đạo Tổng cục Thuế, hiện còn 5% là nhiều đối tượng khó tìm kiếm, dữ liệu chưa được đồng bộ nên còn tiếp tục rà soát. Các trường hợp có nhiều mã số thuế hầu hết do trong quá khứ phát sinh giao dịch dân sự từ các giấy tờ nhân thân khác nhau (chứng minh thư nhân dân, hộ chiếu, căn cước công dân)… Ông Mai Sơn cho biết, cơ bản đến nay, các trường hợp này cũng đã được đồng bộ vào 1 mã số do người nộp thuế lựa chọn và sau này sử dụng thống nhất.

Thu thuế thu nhập cá nhân năm 2024 tăng mạnh, đạt 189.000 tỷ đồng

Số thu thuế thu nhập cá nhân năm 2024 đạt 189.000 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2023 và vượt 18,7% so với dự ...

SeABank đặt mục tiêu nhuận trước thuế 6.500 tỷ đồng năm 2025, tín dụng tăng 15%

Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) kỳ vọng đạt lợi nhuận trước thuế 6.458 tỷ đồng trong năm 2025, với tăng trưởng tín dụng ...

Một doanh nghiệp tư vấn thuế bị phạt và truy thu hàng tỷ đồng vì... làm sai luật thuế

Công ty TNHH Tư vấn Thuế Deloitte Việt Nam, một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tư vấn thuế vừa bị Cục Thuế TP ...

Sơn Tùng

Sơn Tùng

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán