Thị trường là nơi trao đổi, mua bán các loại hàng hóa. Tuy nhiên khi sản xuất của cải vật chất có lãi, sẽ tạo ra dòng tiền để đầu cơ hoặc tái đầu tư, giúp thị trường hàng hóa sôi động. Khi sản xuất, kinh doanh không có lãi, thị trường nói chung và thị trường tài chính nói riêng sẽ ảm đạm theo, bởi không ai đi vay hoặc huy động vốn để đầu tư, sản xuất hàng hóa với mục tiêu thua lỗ.
Hình minh họa |
Hoạt động sản xuất của cải vật chất tác động lên thị trường hàng hóa, vậy với thị trường vàng và bất động sản (BĐS), có sự chi phối nào rõ nét giúp nhà đầu tư dễ nhận biết và đưa ra quyết định đầu tư, hoặc dịch chuyển dòng vốn sang lĩnh vực khác một cách kịp thời, nhằm gia tăng lợi nhuận và bảo toàn vốn hay không? Biến động của thị trường vàng và BĐS phụ thuộc chủ yếu vào các yếu tố nào? Bài viết dưới đây là góc nhìn riêng của tác giả, có thể chưa đủ phổ quát đối với 2 thị trường nói trên, nhưng mong rằng sẽ giúp được ít nhiều trong quá trình tìm kiếm lợi nhuận của các nhà đầu tư.
Thị trường bất động sản
Thị trường BĐS tăng trưởng một cách đúng nghĩa, đó là khi người tiêu dùng có nhiều tiền, song song với nhu cầu sử dụng BĐS tăng cao. Hay nói cách khác là kinh tế ổn định, người dân có việc làm và có nhiều cơ hội tích lũy tiền để đầu tư, mua sắm. Bởi BĐS là tài sản cố định, với suất đầu tư cao, vì vậy đòi hỏi người tiêu dùng phải tích lũy một lượng tài chính đủ lớn. Ở một số trường hợp, nhu cầu đó chỉ được thỏa mãn một lần trong đời, đối với những người thật sự cần đến giá trị sử dụng của nó.
Sự sôi động của thị trường BĐS có được khi nhu cầu ăn, ở và làm việc của người dân tăng cao, tuy nhiên BĐS cũng không nằm ngoài quy luật cung cầu. Vì vậy mặc dù đã có cả cung và cầu, nhưng tỷ lệ cầu được thỏa mãn bao nhiêu còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có sức nặng “hầu bao” của người tiêu dùng đã sẵn sàng hay chưa.
Vậy khi BĐS là hàng hóa, nó sẽ chịu tác động từ những yếu tố nào làm thị trường biến động, bởi loại hàng hóa đặc biệt này không hoàn toàn hình thành từ quá trình sản xuất, không chịu tác động chính từ các yếu tố đầu vào để hình thành nên sản phẩm, vì vậy nó cũng không hình thành giá thành và điểm hòa vốn như những sản phẩm thông thường.
Trong vai trò là hàng hóa, BĐS cũng có quy luật riêng của nó. Đó là, giá bán lên xuống phụ thuộc chủ yếu vào nhu cầu mua, bán và lãi suất ngân hàng tại thời điểm đó, chứ không hoàn toàn chịu tác động của quy luật cung cầu. Mỗi chu kỳ biến động của giá khi lên đến đỉnh hoặc xuống đến đáy, giá bán sẽ đi ngang một thời gian nhất định. Thời gian đi ngang dài hay ngắn phụ thuộc vào các yếu tố như chính sách pháp luật về đất đai, chính sách điều hành lãi suất của Ngân hàng Nhà nước, sự ổn định của nền kinh tế...
Đây là khoảng thời gian khá nhạy cảm để nhà đầu tư đưa ra quyết định tiếp tục đầu tư hay dịch chuyển dòng vốn sang lĩnh vực khác, nhằm giảm thiểu rủi ro. Để ra được quyết định chính xác, nhà đầu tư phải xem xét hàng loạt các yếu tố có tác động tới nền kinh tế, làm biến động thị trường BĐS như tỷ lệ lãi suất ngân hàng so với GDP bình quân của năm trước đó, sự tăng giảm của chỉ số giá tiêu dùng (CPI), tỷ lệ lạm phát cao hay thấp, nguyên nhân khiến lãi suất ngân hàng thay đổi quá nhiều… xa hơn nữa là tác động từ bên ngoài tới kinh tế nước ta như giá dầu, nguy cơ xung đột, các dòng vốn hướng về Việt Nam…
Thị trường vàng
Cũng giống như BĐS bởi cùng là tài sản vật chất có giá trị đầu tư cao, nhưng tính thanh khoản nhanh, linh hoạt, ổn định và an toàn, đã khiến cho vàng trở thành kênh đầu tư vượt trội so với BĐS, mỗi khi nền kinh tế có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại.
Sự khác biệt còn thấy rõ khi lãi suất Ngân hàng Nhà nước thay đổi. Đó là khi lãi suất giảm, hay sự ổn định của nền kinh tế đã được khẳng định, là cơ hội cho thị trường BĐS náo nhiệt trở lại. Sự ổn định của đồng tiền tăng cao, làm giảm mục tiêu tích lũy vàng để an toàn vốn của người tiêu dùng. Khi đó thị trường vàng sẽ chững lại, nhường chỗ cho các thị trường khác tăng trưởng như BĐS, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp...
Ngược lại, khi lãi suất Ngân hàng Nhà nước có chiều hướng đi lên, tỷ lệ thuận với lạm phát gia tăng, kéo theo sự chậm lại của nền kinh tế, đồng nghĩa với xu hướng tích lũy tài sản có tính an toàn được người tiêu dùng quan tâm nhiều hơn. Đây là yếu tố tác động làm cho thị trường vàng sôi động trở lại và là cơ hội cho nhà đầu tư chuyển dịch dòng vốn từ các thị trường khác sang đầu tư vàng.
Ngoài ra, vàng còn là tài sản tích trữ của nhiều quốc gia. Vì vậy thị trường vàng trong nước còn chịu tác động khá rõ rệt của thị trường vàng thế giới, mỗi khi có những biến động tiêu cực, làm tăng nhu cầu tích trữ vàng của hàng loạt các quốc gia chịu tác động từ biến động tiêu cực đó như xung đột, kinh tế thế giới suy thoái, những nền kinh tế đầu tàu bị khủng hoảng…
Tác động của kinh tế thế giới vào thị trường Việt Nam
Những bất ổn trên thế giới có tác động tiêu cực tới dầu lửa, thường là dấu hiệu lạm phát của hàng loạt các nền kinh tế và tác động trực tiếp tới đồng đô la Mỹ. Bởi để ra được thị trường, hàng hóa phải thông qua các khâu như lưu thông nguyên vật liệu, sản xuất, lưu thông hàng hóa, trước khi đến tay người tiêu dùng. Và ở các khâu đó, chi phí nhiên liệu chiếm tỷ trọng khá lớn, hình thành nên giá thành của sản phẩm, hàng hóa. Nói cách khác là khó khăn trong sản xuất của cải, làm cho của cải khan hiếm; khi cầu giữ nguyên mà cung giảm thì giá sẽ tăng.
Trường hợp đồng đô la mất giá, hay lạm phát của Mỹ tăng trong thời gian dài, tác động tới xuất nhập khẩu, đẩy tỷ giá đô la Mỹ so với đồng Việt Nam tăng theo. Khi đó, biện pháp điều chỉnh của Nhà nước để ổn định tỷ giá trong ngắn hạn là giảm dự trữ ngoại hối bằng cách bơm ngoại tệ ra thị trường, hoặc xa hơn nữa là nâng lãi suất điều hành. Điều đó sẽ làm cho chính sách tiền tệ của Nhà nước bị phá vỡ, thị trường BĐS có nguy cơ chững lại, thị trường vàng sẽ lại lên ngôi. Vì vậy với xu thế hiện nay, dự báo sự ảm đạm của thị trường BĐS vẫn còn kéo dài.
Vũ Chiến