‘Thủ phủ sản xuất’ của miền Nam một thời chuẩn bị thay da đổi thịt, khép lại sứ mệnh lịch sử
15 ngày tới, loạt doanh nghiệp buộc phải rời khu công nghiệp kỳ cựu của miền Nam, nhường chỗ cho một giai đoạn chuyển đổi chưa từng có.
Một kỷ nguyên khép lại
Ngày 11/7/2025, Công ty CP Thép VICASA-VNSTEEL (VCA) đã chính thức nhận được Công văn số 484/SNZ-DAKD từ Tổng công ty Sonadezi về việc thanh lý hợp đồng thuê đất tại Khu công nghiệp (KCN) Biên Hòa 1. Đây không phải là trường hợp cá biệt, mà là khởi đầu cho một cuộc “di cư” quy mô lớn, toàn bộ doanh nghiệp còn hoạt động trong KCN lâu đời nhất miền Nam sẽ buộc phải rời đi trước ngày 1/8 tới.

Theo nội dung công văn, việc thanh lý hợp đồng thuê đất nhằm thực hiện chỉ đạo tại Quyết định số 2105/QĐ-UBND ngày 22/6/2025 của UBND tỉnh Đồng Nai. Theo đó, tỉnh yêu cầu các doanh nghiệp hoàn tất giải phóng mặt bằng khu vực ưu tiên (154/329 ha) trong vòng chưa đầy một tháng. Tổng công ty Sonadezi cũng thông báo sẽ dừng toàn bộ cung cấp dịch vụ hạ tầng kỹ thuật tại KCN Biên Hòa 1 kể từ ngày 1/8/2025.
Cuộc chia tay này không đơn thuần là một đợt chuyển trụ sở, mà là dấu mốc cho việc khép lại một kỷ nguyên sản xuất công nghiệp gắn với “địa chỉ vàng” suốt hơn 60 năm qua.
Biên Hòa 1: Từ biểu tượng công nghiệp đến điểm nóng ô nhiễm
Khu công nghiệp Biên Hòa 1 được thành lập năm 1963, với tên gọi ban đầu là Khu kỹ nghệ Biên Hòa. Đây là một trong những khu công nghiệp đầu tiên tại Việt Nam, từng được ví như "thủ phủ sản xuất" của miền Nam, quy tụ hàng loạt nhà máy lớn thuộc nhiều lĩnh vực: thép, giấy, cơ khí, dệt may...
Sau năm 1975, khu kỹ nghệ đổi tên thành KCN Biên Hòa 1 và tiếp tục đóng vai trò trung tâm công nghiệp của vùng Đông Nam Bộ. Tuy nhiên, sau nhiều thập kỷ vận hành, hạ tầng của khu công nghiệp đã trở nên cũ kỹ, xuống cấp. Đặc biệt, hệ thống xử lý nước thải không còn đáp ứng tiêu chuẩn, gây ra tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng, đặc biệt là việc xả thải ra sông Đồng Nai – nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho hàng triệu người dân.
Từ đầu những năm 2000, chủ trương di dời các doanh nghiệp và chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1 đã được đặt ra. Tuy nhiên, do vướng mắc về pháp lý, đền bù, và đồng thuận doanh nghiệp, đề án nhiều lần chậm trễ. Mãi đến năm 2021, Thủ tướng Chính phủ mới chấp thuận đưa KCN Biên Hòa 1 ra khỏi quy hoạch phát triển khu công nghiệp quốc gia – bước đi mang tính pháp lý quan trọng, mở đường cho kế hoạch "tái sinh" khu vực này.
Chuyển mình thành đô thị - thương mại - dịch vụ
Theo Quyết định số 2105/QĐ-UBND vừa được tỉnh Đồng Nai ban hành, phần đất ưu tiên bồi thường, giải phóng mặt bằng (154 ha) sẽ được quy hoạch thành khu đô thị - thương mại - dịch vụ và khu đô thị hành chính – chính trị mới của tỉnh. Đây được xem là bước đột phá về quy hoạch đô thị, kỳ vọng tạo ra một trung tâm kinh tế – hành chính hiện đại dọc theo trục Quốc lộ 1A.
Tỉnh giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất hoàn tất toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng trước ngày 1/8. Ngày 11/7 vừa qua, Trung tâm này đã bắt đầu tháo dỡ các công trình xây dựng còn sót lại tại các khu đất đã thu hồi, tạo ra hình ảnh rất rõ ràng về một "cuộc rút lui toàn diện".
Đến nay, đã có khoảng 46 hécta đất “sạch” được bàn giao. Mục tiêu đặt ra là đến cuối tháng 7, tỉnh sẽ hoàn tất xử lý hơn 150 hécta đầu tiên. Các doanh nghiệp còn lại – như VICASA – sẽ phải nhanh chóng hoàn tất thủ tục thanh lý hợp đồng thuê đất và di dời tài sản để tránh gián đoạn sản xuất và các rủi ro pháp lý.
Cơ hội và thách thức sau cuộc di dời
Đối với các doanh nghiệp, việc rời khỏi một địa điểm gắn bó nhiều năm là thử thách không nhỏ. Vấn đề không chỉ là chi phí chuyển đổi mặt bằng hay di dời máy móc, mà còn là tìm vị trí thay thế phù hợp trong bối cảnh quỹ đất công nghiệp tại Đồng Nai, Bình Dương và TP.HCM ngày càng khan hiếm.
Tuy vậy, đây cũng có thể là cơ hội để các doanh nghiệp tái cấu trúc hoạt động sản xuất theo hướng xanh – sạch hơn, hoặc chuyển đổi mô hình sang dịch vụ, công nghệ cao, phù hợp với xu thế.
Với Đồng Nai, việc “kết thúc sứ mệnh” của KCN Biên Hòa 1 để chuyển đổi công năng sẽ tạo ra dư địa quy hoạch quan trọng, hình thành một khu đô thị hiện đại, giảm áp lực môi trường, đồng thời nâng tầm vị thế vùng lõi trung tâm của tỉnh trong quy hoạch vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.