Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với lĩnh vực tài chính, về thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương cho rằng, mức tăng giảm trừ gia cảnh cho cá nhân người nộp thuế được áp dụng từ ngày 1/7/2020 tới nay không còn phù hợp với các chỉ số lạm phát tăng và tình hình kinh tế đang gặp nhiều khó khăn.
Trước thực tế đó, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân chất vấn Bộ Tài chính đã có phương án xét mức tăng, giảm trừ gia cảnh bản thân và người phụ thuộc khi xác định thuế thu nhập cá nhân thời gian tới chưa, nếu có thì mức bao nhiêu là phù hợp?
Trả lời đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân, Bộ trưởng Bộ Tài chính chia sẻ những phản ánh của người dân và báo chí nêu về mức giảm trừ gia cảnh không còn phù hợp do giá cả gia tăng. Tuy nhiên, việc tính thuế thu nhập cá nhân và giảm trừ gia cảnh, Bộ Tài chính phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
“Muốn thay đổi phải sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân. Dự kiến 2025 sẽ sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân. Khi đó, Bộ Tài chính sẽ nêu quan điểm, lấy ý kiến Nhân dân và các cơ quan để có cơ sở lên phương án để trình Quốc hội”, Bộ trưởng Bộ Tài chính nói.
Tranh luận về câu trả lời của Bộ trưởng Bộ Tài chính, đại biểu Trần Hoàng Ngân - Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh đề nghị quan tâm hơn nữa đối với việc nâng mức giảm trừ gia cảnh trong vấn đề tính thuế thu nhập cá nhân, từ đó mới có thể tăng tiêu dùng, hỗ trợ cho kinh tế tăng trưởng trong thời gian tới. Đại biểu cũng cho rằng, cần phải có giải pháp đột phá hơn, nhất là trong vấn đề giảm thuế, giảm phí để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.
Với đề nghị này, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng, khó khăn của nền kinh tế là phải tập trung để gỡ những nút thắt pháp lý, về môi trường đầu tư, pháp lý, tín dụng, chất lượng sản phẩm, chứ không có nghĩa là bắt buộc cần giảm thuế, giảm phí.
“Giảm thuế, phí sẽ giảm sức mạnh tài chính công trong khi đất nước đang còn bội chi ngân sách thì không hiệu quả, ảnh hưởng đến cả nền kinh tế. Do đó, nên áp dụng đồng bộ. Khi doanh nghiệp làm ăn được thì họ không nợ thuế, không nợ ngân hàng, không nợ trái phiếu, không nợ bảo hiểm, họ có có tích luỹ thì đất nước sẽ hùng mạnh”, Bộ trưởng Bộ Tài chính lý giải.
Năm 2017, Bộ Tài chính từng soạn thảo và trình Chính phủ dự án Luật sửa đổi, bổ sung 5 Luật thuế, trong đó thừa nhận Luật Thuế thu nhập cá nhân có một số vấn đề không còn phù hợp với thực tiễn. Thời điểm đó, Bộ Tài chính đề xuất giảm 2 bậc của biểu thuế lũy tiến từng phần, đồng thời nới khoảng cách ở các bậc thuế. Như bậc thuế đầu tiên trong Biểu thuế lũy tiến từng phần đối với thu nhập tính thuế từ tiền lương, tiền công được quy định có thuế suất là 5% với thu nhập 10 triệu đồng, thay vì 5 triệu đồng.
Đến ngày 2/6/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 954/2020/UBTVQH14 về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của Thuế thu nhập cá nhân. Theo đó, điều chỉnh nâng mức giảm trừ cho người nộp thuế từ 9 triệu đồng/tháng lên 11 triệu đồng/tháng, cho mỗi người phụ thuộc từ 3,6 triệu đồng/tháng lên 4,4 triệu đồng/tháng và áp dụng ngay từ kỳ tính thuế năm 2020.
Như vậy, từ khi ra đời và có hiệu lực, Luật Thuế thu nhập cá nhân đã điều chỉnh 2 lần mức giảm trừ gia cảnh để phù hợp với tình hình thực tế.
Cụ thể, từ ngày 1/1/2009 (thời điểm có hiệu lực), mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 4 triệu đồng/tháng (48 triệu đồng/năm); mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 1,6 triệu đồng/tháng.
Đến ngày 1/7/2013, mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 9 triệu đồng/tháng (108 triệu đồng/năm); mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 3,6 triệu đồng/tháng.
Từ kỳ tính thuế năm 2020, mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/năm); mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng.
Hiện Thuế thu nhập cá nhân dựa trên tiền công, tiền lương của người làm công ăn lương với 7 bậc đánh thuế, thấp nhất 5% và cao nhất 35%. Sau khi giảm trừ gia cảnh, mức thuế các bậc gồm: Thu nhập từ 5 triệu đồng/tháng trở xuống mức thuế 5%; từ 5-10 triệu đồng/tháng mức thuế 10%; trên 10-18 triệu đồng mức 15%; từ 18-32 triệu đồng nộp thuế 20%; từ 32-52 triệu đồng nộp thuế 25%; từ 52-80 triệu đồng nộp thuế 30% và trên 80 triệu đồng nộp thuế 35%.
Minh Nhật