Luật về vốn nhà nước tại doanh nghiệp: Cần có cơ chế bảo vệ tài sản Nhà nước Từ Nghị quyết 68 đến luật quản lý vốn: Nhận thức rõ hơn về vai trò doanh nghiệp nhà nước |
Phân cấp mạnh nhưng không buông lỏng giám sát
Tại phiên thảo luận 13/5, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng tiếp thu, giải trình nhiều nội dung quan trọng về dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, sau khi các đại biểu góp ý. Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng, đây là một trong những dự án luật nhận được hơn 80 lượt ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội qua cả ba hình thức: Thảo luận tổ, hội trường và văn bản.
![]() |
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Ảnh: VPQH |
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, tinh thần xuyên suốt trong việc chỉnh lý dự thảo là tiếp thu tối đa, thể chế hóa quan điểm chỉ đạo của Đảng và tháo gỡ các bất cập trong Luật số 69 hiện hành. Điểm thay đổi đầu tiên và căn bản nhất là luật lần này không còn đặt trọng tâm vào việc quản lý doanh nghiệp có vốn nhà nước như trước, mà chuyển sang quản lý phần vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp. Điều này đồng nghĩa với việc Nhà nước hành xử như một cổ đông, thực hiện quyền và nghĩa vụ theo tỷ lệ vốn góp, không can thiệp hành chính vào hoạt động sản xuất kinh doanh.
“Chúng ta phải xác định rằng, đã góp vốn thì cần tôn trọng doanh nghiệp, vì sau khi vốn được đưa vào, nó hình thành tài sản của doanh nghiệp và doanh nghiệp hoạt động theo pháp nhân độc lập. Đây là thay đổi rất căn bản”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho rằng, việc phân biệt rõ vai trò giữa chủ sở hữu vốn và pháp nhân doanh nghiệp là điều kiện bắt buộc để đảm bảo nguyên tắc thị trường, minh bạch và hiệu quả trong sử dụng vốn nhà nước. Luật cũng kế thừa những quy định đã được áp dụng ổn định trong thực tiễn, đồng thời sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung mới nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý trong giai đoạn mới.
Về phân cấp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng khẳng định, dự thảo trao quyền rất mạnh cho Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty và người đại diện phần vốn nhà nước. Những quyền này bao gồm việc quyết định chiến lược 5 năm, kế hoạch kinh doanh hằng năm, chính sách tiền lương, thù lao, tiền thưởng, cho vay, góp vốn vào công ty con, quyết định đầu tư và cả chuyển nhượng tài sản.
Tuy nhiên, đi liền với đó là trách nhiệm giải trình cá nhân rất rõ ràng. Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, luật lần này yêu cầu Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, người đại diện vốn nhà nước phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng và cơ quan chủ sở hữu nếu để xảy ra sai phạm, thất thoát vốn hoặc bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ.
“Kết quả đánh giá sẽ là cơ sở để quyết định việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng hay chấm dứt hợp đồng với người đại diện vốn. Những ai thực hiện không đúng nhiệm vụ hoặc có dấu hiệu bất thường, gây thiệt hại cho doanh nghiệp sẽ không được tiếp tục giữ chức vụ”, Bộ trưởng khẳng định.
Về hậu kiểm, dự thảo luật quy định việc Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tổ chức kiểm tra, giám sát, thanh tra toàn bộ hoạt động đầu tư vốn nhà nước, từ quá trình ra quyết định đến hiệu quả sử dụng vốn. Bộ trưởng cũng cho biết, luật không quy định chi tiết các hình thức thanh tra, mà sẽ được cụ thể hóa tại các nghị định để phù hợp với thực tiễn và tăng tính linh hoạt.
“Chúng tôi muốn chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Nhưng hậu kiểm phải có công cụ, có chế tài, có cơ chế giám sát hiệu quả. Không thể để doanh nghiệp muốn làm gì thì làm”, Bộ trưởng nêu rõ.
Mỗi đồng vốn phải có địa chỉ, có sinh lời
Một điểm được Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh là vai trò đầu tư tài chính của Nhà nước tại các doanh nghiệp mà Nhà nước chỉ nắm dưới 50% vốn. Theo ông, việc đầu tư vào các doanh nghiệp như vậy cần được xác định rõ mục tiêu: tìm kiếm lợi nhuận chứ không phải can thiệp điều hành.
“Mỗi đồng vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp cần được tính toán kỹ lưỡng, có mục tiêu sinh lời rõ ràng. Nếu doanh nghiệp hiệu quả, chúng ta tiếp tục đầu tư. Nếu không, phải có phương án thoái vốn hợp lý”, Bộ trưởng phát biểu.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng dẫn ví dụ về Tập đoàn Temasek (Singapore) và Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước SCIC (Việt Nam) là những mô hình đầu tư vốn nhà nước thành công, khi không nhất thiết phải nắm đa số vốn nhưng vẫn có tiếng nói chiến lược, đồng thời đảm bảo hiệu quả cao cho ngân sách nhà nước.
![]() |
Quốc hội nghe trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Ảnh: VPQH |
Một số nội dung cụ thể khác được Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng tiếp thu gồm: Cơ chế chuyển nhượng dự án có vốn đầu tư nhà nước, xử lý chi phí đầu tư thất bại, quy định thù lao cho người đại diện vốn nhà nước không làm việc trực tiếp tại doanh nghiệp và chế tài với doanh nghiệp chậm công khai thông tin.
“Chúng tôi đã quy định rõ tại Điều 24 dự thảo và sẽ tiếp tục hoàn thiện trong các nghị định hướng dẫn thi hành. Mục tiêu là khi luật ban hành có thể đi vào thực tiễn ngay, hỗ trợ cho cả doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân trong một khung thể chế đồng bộ”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cũng nhấn mạnh, không thể đánh giá hiệu quả doanh nghiệp nhà nước chỉ dựa vào lãi, mà cần so sánh với các chỉ tiêu khác như lãi suất ngân hàng, mức trung bình ngành hoặc mức tăng trưởng tương ứng trong lĩnh vực tương tự. “Phải có những thước đo cụ thể, khách quan để đánh giá đúng năng lực quản lý và sử dụng vốn nhà nước”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng nói.
Cơ chế giám sát theo Điều 45 và 46 của Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp được thiết kế đa tầng: Từ giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Tài chính đến các Bộ chuyên ngành, địa phương và giám sát nội bộ doanh nghiệp. Dữ liệu quản lý vốn sẽ được tích hợp vào Hệ thống thông tin quản lý thống nhất theo Điều 8, do Bộ Tài chính chủ trì vận hành. |