Sáng 5/6, tiếp tục Kỳ họp 7, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã trả lời các câu hỏi được các đại biểu đưa ra ở cuối ngày hôm qua.
Với câu hỏi của đại biểu Trần Thị Nhị Hà - Đoàn Hà Nội về những chính sách của Bộ Công Thương để tận dụng các Hiệp định thương mại tự do (FTA) với các đối tác ở những thị trường tiềm năng, đặc biệt là các thị trường mới như là Bangladesh, Pakistan, Ấn Độ, qua đó để doanh nghiệp Việt Nam có thể mở rộng thị trường xuất khẩu.
Đồng thời, đại biểu cũng đề nghị Bộ trưởng làm rõ, doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng được cơ hội gì từ các thị trường quốc tế, trong khi các quốc gia này đều có những lợi thế so sánh tương đồng như Việt Nam.
Đại biểu Trần Thị Nhị Hà - Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội |
Trả lời câu hỏi của đại biểu Trần Thị Nhị Hà, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết: Hiện nay Việt Nam có 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã và đang được triển khai thực thi. Trong quá trình mở cửa hội nhập thị trường chúng ta đều cần có thời gian và lộ trình để thực hiện.
Đơn cử như thị trường Bangladesh, Ấn Độ và Pakistan là những thị trường mà ngành Công Thương đang khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam khai thác. Nếu so với các quốc gia này, chúng ta có sự tương đồng về lao động, về thị trường và trình độ công nghệ. Nhưng xét về hình thức, các thị trường này không có tính bổ trợ cao cho nền kinh tế của Việt Nam giống như Hoa Kỳ, EU hay một số đối tác khác.
Tuy nhiên, ở góc độ quản lý ngành, cũng như thực tế công tác quản lý thị trường và hội nhập quốc tế, Bộ Công Thương có đưa ra khuyến cáo dựa trên các cơ sở sau:
Thứ nhất, các thị trường này có tiềm năng với quy mô dân số rất lớn (khoảng 2 tỷ người tiêu dùng), trong đó có khoảng 500 đến 600 triệu người thuộc nhóm thu nhập trung bình cao. Đây là nhóm khách hàng tiềm năng đối với hàng hóa của Việt Nam.
Thứ hai, nhiều năm nay, các quốc gia này đều thuộc nhóm nước áp dụng các hình thức hạn chế hàng nước ngoài thâm nhập. Vì thế, nếu Việt Nam thâm nhập được vào thị trường này, đây rõ ràng là cơ hội để chúng ta tìm kiếm được một thị trường tương đối lớn để tiêu thụ hàng hóa của Việt Nam.
Thứ ba, tiêu chuẩn hàng hóa thâm nhập vào thị trường này không quá khắt khe. Điều này rất phù hợp với các hàng hóa sản xuất từ Việt Nam. Thực tế, trong năm 2023, chúng ta đã xuất khẩu vào thị trường này trên 10 tỷ USD. Đây là con số không nhỏ và hoàn toàn có khả năng tăng thêm.
Thứ tư, các quốc gia này thuộc tiểu lục địa Ấn Độ, với phần lớn diện tích là núi đồi, có nhu cầu lớn về lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng, hàng nông sản và hoa quả nhiệt đới. Đây đều là những cái nhóm hàng thế mạnh của Việt Nam.
Mặt khác, các quốc gia này có khoảng cách địa lý không quá xa, do đó chi phí logistics sẽ hợp lý. Đây là điều có thể giúp hàng hóa Việt Nam cạnh tranh với các hàng hóa từ các quốc gia khác, thậm chí là cạnh tranh cả với hàng nội địa.
Thứ năm, các quốc gia này đều có quan hệ chính trị, ngoại giao rất tốt với chúng ta, kể cả trong quá khứ và hiện tại. Điều này giúp tạo khuôn khổ quan hệ trong kinh tế, thương mại và đầu tư rất tốt.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn của các đại biểu tại phiên họp Quốc hội sáng nay |
Về các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu trong thời gian tới để khai thác được các hiệp định thương mại tự do, Bộ Công Thương đề xuất các giải pháp sau:
Một là, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua khẳng định chất lượng hàng hóa và giá cả phù hợp.
Hai là, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực tiếp cận thị trường thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại đa dạng.
Ba là, đẩy mạnh tiến độ đàm phán, ký kết các hiệp định liên kết thương mại và khai mở thị trường.
Bốn là, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thương hiệu, cập nhật thông tin để có những phản ứng phù hợp.
Năm là, hướng dẫn doanh nghiệp đáp ứng nhu cầu tiếp cận thị trường về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, tiêu chuẩn kỹ thuật, cảnh báo và bảo vệ doanh nghiệp Việt Nam trong các vụ phòng vệ thương mại.
Cũng liên quan đến vấn đề xuất khẩu hàng hóa, chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm - Đoàn Tiền Giang cũng có câu hỏi về các giải pháp của Bộ Công Thương để phát huy vai trò của hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài để thúc đẩy xuất khẩu, đặc biệt là xuất khẩu các mặt hàng nông sản, trái cây của Việt Nam.
Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang |
Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên bày tỏ, hiện nay, Việt Nam có 58 Thương vụ và chi nhánh Thương vụ tại 57 nước, phụ trách 166 thị trường trên thế giới, cùng 2 văn phòng xúc tiến thương mại ở Trung Quốc.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, nhất là từ khi có dịch Covid-19, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh sản xuất trong nước, đẩy mạnh xuất nhập khẩu, lấy đó làm động lực chính cho phục hồi tăng trưởng kinh tế, Bộ Công Thương đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có giải pháp thúc đẩy và nâng cao vai trò của Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài.
Đầu tiên, để phát huy lực lượng này, Bộ Công Thương đã tập trung yêu cầu các Thương vụ phải nắm vững yêu cầu của các thị trường nhập khẩu, từ đó có những tham vấn chính sách để có phản ứng phù hợp, giúp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam.
Thứ hai, tích cực quảng bá thương hiệu sản phẩm Việt Nam xuất khẩu và kết nối thương mại, kết nối đầu tư. Đồng thời, là bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài khi có các vụ kiện phòng vệ thương mại.
Thứ ba, giao chỉ tiêu về tăng trưởng kim ngạch hai chiều hàng năm cho các Thương vụ, lấy đó là tiêu chí đánh giá cho những cái tổ chức này.
Thứ tư, yêu cầu các Thương vụ này phải tham gia tích cực các cuộc giao ban định kỳ hàng tháng cùng với lại các hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp trong nước để kịp thời tư vấn về ngành hàng cũng như là tư vấn những kỹ thuật trong việc khai thác, khai mở thị trường.
Đồng thời, Bộ Công Thương đã quan tâm lựa chọn những cán bộ đủ năng lực để thực thi nhiệm vụ này.
Còn đối với lĩnh vực nông sản, Bộ yêu cầu Thương vụ phải nắm rõ nhu cầu, tiêu chuẩn và điều chỉnh chính sách, các biện pháp bảo hộ của thị trường nhập khẩu để khuyến cáo cho doanh nghiệp trong nước. Đồng thời hướng dẫn các doanh nghiệp nghiên cứu, khai thác tối đa cơ hội từ các kênh mang lại, tập trung quảng bá xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.
Bộ trưởng chia sẻ, khi Quốc hội đang họp hôm nay, tại TP. Hồ Chí Minh cũng đang diễn ra một hội chợ giúp tìm kiếm nguồn cung cho hàng hóa cả nước. Đã có đại biểu từ 60 quốc gia, vùng lãnh thổ đến đây để tham dự hội chợ này, cũng như khoảng 300 doanh nghiệp lớn trong việc cung ứng hàng hóa của Việt Nam đủ loại ra nước ngoài đang có mặt tại hội chợ.
"Bộ Công Thương chỉ đạo các Thương vụ hỗ trợ doanh nghiệp trong nước trong những cuộc tranh chấp thương mại và khi mà kinh doanh nông sản gặp khó. Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đổi mới hoạt động Thương vụ, nâng cao vai trò, trách nhiệm của tham tán và xây dựng hệ thống Thương vụ chuyên nghiệp chính quy, hiệu quả, đáp ứng tốt hơn với các nhu cầu"- Bộ trưởng thông tin thêm.
Thanh Minh