Hội nghị do ông Nguyễn Hải Ninh, Ủy viên TW Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp; bà Nguyễn Phương Thuỷ, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội và bà Đặng Hoàng Oanh, Thứ trưởng Bộ Tư pháp đồng chủ trì.
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, thu hút đông đảo các chuyên gia, các đại biểu đến từ nhiều cơ quan, bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương; đại diện 63 Sở Tư pháp, Cục Thi hành án dân sự trên cả nước.
Hiến pháp năm 2013 là Hiến pháp của thời kỳ đổi mới toàn diện, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu của công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước và hội nhập quốc tế, trong đó, quy định cụ thể về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và việc phân định các đơn vị hành chính ở địa phương của nước ta với tên gọi của từng loại đơn vị hành chính ở 3 cấp là: cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã.
Sau hơn 11 năm triển khai thi hành, các quy định của Hiến pháp năm 2013 đã tạo cơ sở hiến định quan trọng cho việc kiện toàn tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện các quy định của Hiến pháp và pháp luật liên quan đến Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và chính quyền địa phương vẫn còn một số vấn đề cần tiếp tục hoàn thiện nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển đất nước.
Trước bối cảnh Đảng ta đã chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị bảo đảm yêu cầu tinh, gọn, mạnh, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, Nghị quyết số 60-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ngày 12/4/2025 đã thống nhất định hướng xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, sắp xếp các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ vào Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 trong thời điểm hiện nay là hết sức cần thiết, tạo cơ sở hiến định cho việc thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy, xây dựng, hoàn thiện, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển đất nước nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc.
Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 tập trung vào 2 nhóm nội dung quan trọng: Một là, các quy định liên quan đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội; hai là, các quy định tại Chương IX để thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp. Đồng thời, có quy định chuyển tiếp để bảo đảm chính quyền địa phương hoạt động thông suốt, không gián đoạn, phù hợp với lộ trình thực hiện sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã, không tổ chức cấp huyện.
Theo Văn bản số 3883/VPCP-PL ngày 6/5/2025 của Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long về việc triển khai tổ chức lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long yêu cầu Bộ Tư pháp tổng hợp các báo cáo tổng hợp kết quả lấy ý kiến của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, xây dựng Báo cáo của Chính phủ về kết quả lấy ý kiến của các bộ, ngành, địa phương về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, trình Chính phủ xem xét, thông qua.
Bộ Tư pháp cũng được giao nhiệm vụ tổng hợp các báo cáo tổng hợp kết quả lấy ý kiến của các cơ quan (các Ban Đảng ở Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) và báo cáo của Văn phòng Quốc hội (tổng hợp ý kiến góp ý trên Cổng thông tin điện tử của Quốc hội), Văn phòng Chính phủ (tổng hợp ý kiến góp ý trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ), Bộ Công an (tổng hợp ý kiến của Nhân dân trên ứng dụng VNeID); xây dựng dự thảo Báo cáo tổng hợp kết quả lấy ý kiến Nhân dân, các ngành, các cấp về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, trình Chính phủ xem xét, thông qua để gửi Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.
Thực hiện nhiệm vụ được giao tại Công văn số 3883/VPCP-PL, Bộ Tư pháp cũng đã có Công văn số 2441/BTP-PLHSHC do Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh ký để hướng dẫn tổng hợp, xây dựng báo cáo kết quả lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.
Theo đó, chậm nhất là ngày 30/5/2025: Các cơ quan, bộ, ngành, địa phương gửi Báo cáo tổng hợp kết quả lấy ý kiến của cơ quan, bộ, ngành, địa phương, Bộ Công an gửi Báo cáo tổng hợp kết quả lấy ý kiến Nhân dân trên ứng dụng VNeID, Văn phòng Quốc hội gửi Báo cáo tổng hợp kết quả lấy ý kiến Nhân dân trên Cổng thông tin điện tử Quốc hội, Văn phòng Chính phủ gửi Báo cáo tổng hợp kết quả lấy ý kiến Nhân dân trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ đến Chính phủ (qua Bộ Tư pháp) để tổng hợp chung.
Tại Hội nghị, các ý kiến đã góp ý đối với toàn bộ dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 đã được Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 công bố, tập trung vào các quy định liên quan đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị hành chính, chính quyền địa phương. Các ý kiến đóng góp sẽ được Ban tổ chức gửi đến cơ quan có thẩm quyền tổng hợp trình Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.
Q.L