Bộ Y tế chỉ điểm thực phẩm bảo vệ sức khỏe

19/04/2025 - 19:44
(Bankviet.com) Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) nhấn mạnh, thực phẩm bảo vệ sức khỏe không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh.
Bộ Y tế thông tin về đường dây sản xuất thuốc giả Bộ Y tế sẽ xử lý bác sĩ vi phạm quảng cáo Cục Quản lý Dược 'mách nước' để không mua phải thuốc giả

Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế vừa đăng tải hướng dẫn lưu ý trước khi mua và sử dụng thực phẩm bảo vệ sức khỏe, trong đó có hướng dẫn tra cứu thông tin sản phẩm trên các website của Bộ Y tế.

Thực phẩm bảo vệ sức khoẻ phải được Cục An toàn thực phẩm cấp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm mới được lưu thông trên thị trường.

Tất cả thông tin về các các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe được cấp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm và được cấp Giấy xác nhận nội dung quảng cáo được công khai trên trang https://vfa.gov.vn/, https://dichvucong.moh.gov.vn/ và https://congkhaiyte.moh.gov.vn/.

Do đó, Cục An toàn thực phẩm cảnh báo người dân có thể tra cứu trước khi quyết định chọn mua sản phẩm.

Cục ATTP khuyến cáo khi mua và dùng thực phẩm chức năng.
Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo khi mua và dùng thực phẩm chức năng.

Cục An toàn thực phẩm lưu ý người dân cần kiểm tra kỹ thông tin sản phẩm, trên nhãn sản phẩm hoặc nhãn phụ (đối với sản phẩm nhập khẩu) đảm bảo có đầy đủ các thông tin:

- Tên sản phẩm.

- Ngày sản xuất, hạn sử dụng.

- Thành phần, thành phần định lượng.

- Định lượng.

- Hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản: Công dụng, đối tượng sử dụng, cách dùng.

- Khuyến cáo về nguy cơ (nếu có).

- Ghi cụm từ: "Thực phẩm bảo vệ sức khỏe".

- Ghi cụm từ: "Thực phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh".

- Số tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm, số xác nhận nội dung quảng cáo (nếu có).

- Tên, địa chỉ của thương nhân chịu trách nhiệm và cơ sở sản xuất sản phẩm.

Cục An toàn thực phẩm cũng hướng dẫn người tiêu dùng khi xem quảng cáo trên mạng xã hội cần lưu ý phân biệt các dấu hiệu vi phạm trong quảng cáo.

Ví dụ, uống thực phẩm bảo vệ sức khỏe sau đó sẽ khỏi bệnh; hoặc có hình ảnh bác sĩ, nhân viên y tế giới thiệu về sản phẩm, không có dòng chữ "Thực phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh" là những nội dung quảng cáo vi phạm.

Cục An toàn thực phẩm cho biết, theo quy định của Bộ Y tế, thực phẩm chức năng hay thực phẩm bảo vệ sức khỏe chỉ có tác dụng hỗ trợ, bổ sung dinh dưỡng chứ không có khả năng chữa bệnh. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp lợi dụng tâm lý muốn khỏi bệnh nhanh của người tiêu dùng để quảng cáo sai sự thật, thậm chí dùng cả người nổi tiếng để tăng độ tin cậy.

Những lời quảng cáo như "giúp khỏi bệnh hoàn toàn", "tác dụng nhanh chóng chỉ sau vài ngày", "bài thuốc gia truyền 100% tự nhiên"… đều là những dấu hiệu của quảng cáo thổi phồng.

Theo tìm hiểu, trên website công khai y tế, số liệu thống kê đến nay đã tiếp nhận 36.447 sản phẩm bảo vệ sức khỏe đăng ký bản công bố, trong đó hơn 2.700 sản phẩm đăng ký xác nhận nội dung quảng cáo và gần 300 xử lý vi phạm.

Trên website này cũng có các thông tin về "công khai xử lý vi phạm", người dân có thể tra cứu thông tin để biết được sản phẩm có vi phạm không. Với mục "công khai giá thực phẩm chức năng" hiện nay chưa có sản phẩm nào đăng ký công khai giá.

Thảo Nguyên

Theo: Báo Công Thương