Khi vị thế dẫn đầu trong làng bất động sản - tài chính được xác lập, gần đây, Him Lam Group cho thấy động thái "nhảy" sang sân chơi hoàn toàn mới, đó là lĩnh vực hàng không. |
"Đế chế" tỷ USD là biệt hiệu cộng đồng doanh nhân dành cho Him Lam Group của nhà sáng lập Dương Công Minh, là lời tán thưởng cho khối tài sản khổng lồ mà tập đoàn địa ốc sở hữu, và cũng thể hiện sự thán phục trước sức ảnh hưởng của họ trên thương trường.
Danh mục dự án bất động sản của Him Lam Group bao phủ khắp các tỉnh, thành lớn trên cả nước, ước tính khoảng 100 dự án nhà ở, khu đô thị, khu du lịch đang do tập đoàn làm chủ đầu tư, có thể nắm trực tiếp hoặc thông qua các đơn vị thành viên khác.
Trong đó, hai thị trường bất động sản giàu tiềm năng đều khiến các tập đoàn địa ốc thèm khát là TP.HCM và Hà Nội cũng liên tục được Him Lam Group khuấy động, tiến công chiếm lĩnh thị phần. Nổi bật hơn cả là các "đại dự án" như Him Lam Tân Hưng, Him Lam Riverside, Him Lam Chợ Lớn, sân gôn Tân Sơn Nhất... ở TP.HCM.
Còn ở Hà Nội, thông qua đầu tư thực hiện các dự án BT (đổi đất lấy hạ tầng), đơn cử như dự án BT nút giao thông trung tâm quận Long Biên (tên cũ là nút giao thông Cầu Chui, tổng mức đầu tư gần 2.900 tỷ đồng), Him Lam Group đã giành về mình quỹ đất rộng lớn lên tới hàng trăm ha, chẳng hạn quỹ đất 20ha ở Dương Xá (huyện Gia Lâm); 320ha đất tại các phường Long Biên và Cự Khối (quận Long Biên) và 135ha đất bãi sông Hồng.
Vài năm trước, Him Lam Group cũng đứng trước cơ hội gia tăng quỹ đất tại Thủ đô thêm cả nghìn ha, khi được chính quyền thành phố giao làm các dự án BT "khủng" như dự án Vành đai 3,5 và dự án Cầu Trần Hưng Đạo qua sông Hồng. Tuy nhiên, cả hai thương vụ BT trên đều bị bỏ lỡ sau quyết định "khai tử" mà UBND thành phố Hà Nội đưa ra vào năm 2021.
Không chỉ địa ốc, mảng tài chính ngân hàng của Him Lam Group và ông Dương Công Minh cũng gặt hái được những thành công nhất định, đáng nhớ nhất là sự kiện tham gia thành lập Ngân hàng TMCP Liên Việt (tiền thân của LienVietPostBank - LPBank ngày nay) và Ngân hàng TMCP Thương Tín (Sacombank).
Hiện, ông Dương Công Minh đã từ nhiệm khỏi vị trí Chủ tịch Him Lam Group để tập trung thời gian vào tái cơ cấu Sacombank. Tuy nhiên, dư luận cho rằng động tác rút lui chỉ mang tính hình thức nhằm đáp ứng Khoản 4, Điều 34 Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi năm 2017.
"Game" hàng không
Khi vị thế dẫn đầu trong làng bất động sản - tài chính được xác lập, gần đây, Him Lam Group cho thấy động thái "nhảy" sang sân chơi hoàn toàn mới, đó là lĩnh vực hàng không, mảng kinh doanh giàu triển vọng nhưng đi kèm rào cản gia nhập quá lớn từ vốn liếng cho đến các quy định, pháp lý nên chỉ số hiếm doanh nhân "chơi" được.
Tham vọng khởi sự từ năm 2022, Him Lam Group bất ngờ xuất hiện tại Bamboo Airways với vai trò chủ nợ khi cho hãng bay vay đến 8.000 tỷ đồng để trang trải, đảm bảo vận hành trong giai đoạn cam go sau cú "ngã ngựa" của ông Trịnh Văn Quyết. Cũng từ tháng 8/2022, ông Dương Công Minh chính thức "ra mặt", bắt đầu giữ vai trò cố vấn cấp cao của Bamboo Airways đến nay.
Ràng buộc giữa Bamboo Airways và Him Lam Group, hay ông Dương Công Minh càng thêm chắc chắn khi hãng bay công bố số tiền mượn từ một cá nhân lên tới 7.700 tỷ đồng. Đó là ông Lê Thái Sâm, Thành viên HĐQT Bamboo Airways và cũng là thể nhân có tương tác tích cực đến hệ sinh thái của ông Dương Công Minh.
Trong diễn biến liên quan, Him Lam Land - thành viên chủ chốt của Him Lam Group đã chi hàng trăm tỷ đồng đổi lại chiếc ghế cổ đông lớn tại Công ty CP Phục vụ Mặt đất Sài Gòn (SASG), một doanh nghiệp đang niêm yết trên thị trường chứng khoán với mã chứng khoán SGN.
SASG là doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ hàng không tại cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng và Cam Ranh, bao gồm dịch vụ thủ tục hàng không, hành lý, kỹ thuật sân đỗ máy bay và các dịch vụ phi hàng không như huấn luyện, đào tạo chuyên ngành, bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị chuyên ngành, công nghệ thông tin chuyên ngành…
Đây là mảnh ghép khá quan trọng nếu các hãng bay muốn có thêm ưu thế trong cuộc cạnh tranh đường dài. Chỉ có điều, Him Lam Group không dễ để "thâu tóm" trọn vẹn SASG khi lượng cổ phần xấp xỉ mức chi phối đang nằm trong tay Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), cùng với đối trọng là Vietjet của tỷ phú Phạm Thị Phương Thảo cũng đang sở hữu 9,11% vốn điều lệ và đóng ở đây từ 10 năm trước.
Bóc tách khối tài sản tỷ USD của Him Lam Group
Trong hệ sinh thái tập đoàn, nơi giữ nhiều của cải nhất chính là Công ty CP Him Lam (Him Lam Corp). Tại ngày 31/12/2022, tổng tài sản của Him Lam Corp (công ty mẹ) tiến sát ngưỡng 116.800 tỷ đồng, tăng thêm hơn 20.000 tỷ đồng so với đầu năm, tương đương gần 5 tỷ USD.
Trong đó, hơn 33.600 tỷ đồng được phân bổ vào chi phí xây dựng dở dang, là giá trị đầu tư tại các dự án đang thực hiện, chiếm 29% tổng tài sản. Tuy nhiên, Him Lam Corp lại cho các đối tác, doanh nghiệp khác mượn đến 75.000 tỷ đồng (khoản mục phải thu ngắn hạn khác), tức khoảng 65% tổng tài sản.
Lượng tiền cho mượn trên còn cao hơn hàng chục lần tổng giá trị đầu tư vào công ty con, công ty liên kết của Him Lam Corp (hơn 1.270 tỷ đồng).
Ở chiều ngược lại, Him Lam Corp tích cực đi vay bổ sung nguồn lực hoạt động. Trong năm 2022, doanh nghiệp vay ngắn hạn thêm hơn 2.100 tỷ đồng, vay dài hạn thêm 14.000 tỷ đồng, qua đó đẩy dư nợ vay lên 56.400 tỷ đồng.
Cùng với khoản phải trả dài hạn khác hơn 42.460 tỷ đồng, tổng nợ của Him Lam Corp đã vượt mốc 110.000 tỷ đồng trong năm vừa qua. Như vậy, nguồn vốn của Him Lam Corp đang nghiêng hẳn sang phía các chủ nợ, khi vốn chủ sở hữu hay vốn tự có của họ chỉ đạt 6.780 tỷ đồng, nôm na là 1 đồng vốn "cõng" tới 16 đồng nợ.
Là "con nợ" khủng nhưng Him Lam Corp kinh doanh chẳng có gì đột phá. Mặc dù doanh thu thuần và doanh thu tài chính khá lớn, thường xuyên ở mức vài nghìn tỷ đồng, song lợi nhuận sau thuế không thấm tháp vào đâu, chỉ ổn định trên dưới vài chục tỷ đồng.
Cá biệt năm 2022, dẫu cho doanh thu thuần và doanh thu tài chính giảm mạnh, doanh nghiệp của đại gia gốc Bắc Ninh vẫn có lãi tăng gấp nhiều lần lên 217 tỷ đồng.
Cũng trong năm này, Công ty CP Kinh doanh địa ốc Him Lam (Him Lam Land) chứng kiến lợi nhuận tăng "dựng đứng" từ 171 tỷ đồng lên 2.379 tỷ đồng. Khi đó, doanh thu trên cả hai phương diện cốt lõi lẫn tài chính đều tăng bằng lần, là năm phát triển "cực thịnh" của doanh nghiệp.
Tổng tài sản của Him Lam Land cuối năm 2022 đạt 16.937 tỷ đồng, giảm 30% so với cùng kỳ 2021. Trong đó, phần giá trị tài sản "bốc hơi" tập trung ở các khoản phải thu dài hạn.
Năm 2019, Him Lam Land từng phát hành lô trái phiếu có mã HLL_BOND2019 với thời hạn 3 năm, được đảm bảo bởi 110,5 triệu cổ phần của doanh nghiệp, tương đương 65% vốn điều lệ thuộc sở hữu của ông Dương Công Đoàn.
Số cổ phần được định giá 1.371,6 tỷ đồng, theo chứng thư thẩm định giá số 290503/2019/CTTĐG-NVC do Công ty TNHH Thẩm định giá Nam Việt ban hành, tương đương quy đổi 12.413 đồng/cổ phần.
Được biết, Him Lam Corp có nhiều giao dịch đảm bảo với LPBank, chẳng hạn doanh nghiệp đem "gán" các quyền lợi ích tại một dự án cao ốc thuộc Khu nhà ở Him Lam (quận 7, TP.HCM) cho phía ngân hàng vào năm 2017; tương tự, sang 2019 tiếp tục là dự án nhà ở xã hội Him Lam Phúc Lợi (quận Long Biên, Hà Nội) cho khoản vay trị giá hàng trăm nghìn tỷ đồng. Hay như dự án Khu du lịch Hòn Dấu (quận Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng)... Ở trường hợp Him Lam Land, đơn vị từng ít nhất hai lần cầm cố gần 20 triệu cổ phiếu STB của Sacombank cho bên LPBank và SeABank vào giai đoạn 2017 - 2020 để đảm bảo nghĩa vụ vay vốn trăm tỷ đồng. |
Thương vụ bán "chui" cổ phiếu SGN hé mở toan tính của Him Lam trong lĩnh vực hàng không? Số cổ phiếu SGN mà Him Lam Land mua vào đúng bằng số cổ phiếu Công ty CP Đầu tư Khai thác cảng (Impcorp) đang ... |
Đáp án cho biến số Him Lam tại DIC Corp (DIG): Bí ẩn đến từ cái tên Cái tên Him Lam được nhiều lần nhắc đến tại DIC Corp (DIG) liệu có cùng một pháp nhân? |
Him Lam bất ngờ báo lãi 2.380 tỷ đồng, gấp 14 lần cùng kỳ nhờ chốt lời “siêu cổ” DIG? Cuối năm 2021, đầu 2022, hiệu ứng FOMO thúc đẩy thị giá DIG tăng gấp 4, 5 lần, có thời điểm vượt ngưỡng ba chữ ... |
Vân Oanh