Tại Diễn đàn thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ được Bộ Công thương tổ chức trong khuôn khổ Diễn đàn Xuất khẩu Việt Nam 2023 chiều 13/9, ông Maxime Dourdan, Giám đốc Phát triển Chuỗi cung ứng của Boeing khu vực Đông Nam Á, Nhật Bản và Hàn Quốc cho biết, từ tháng 7/2021, Boeing đã có văn phòng đại diện tại Hà Nội và có nhiều chuyến tham quan, tìm hiểu thị trường Việt Nam của các lãnh đạo doanh nghiệp nhằm mở rộng chuỗi cung ứng tại nước ta.
Ông Maxime thông tin, thế giới sẽ có nhu cầu bổ sung thêm khoảng 40.000 máy bay trong vòng 20 năm tiếp theo. Hiện nay đang có khoảng hơn 24.500 máy bay đang hoạt động, chỉ có 6.000 máy sẽ tiếp tục duy trì hoạt động, 21.000 máy bay sẽ phải thay thế do nhiều yêu cầu ngày càng cao của an ninh năng lượng, an toàn môi trường, dự kiến tới năm 2042, thế giới sẽ phải phải cung cấp hơn 48.000 máy bay mới với công nghệ mới hơn.
Diễn đàn thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ được Bộ Công thương tổ chức trong khuôn khổ Diễn đàn Xuất khẩu Việt Nam 2023. |
“Hiện chúng tôi đang sản xuất 65 - 70 chiếc máy bay một tháng. Tuy nhiên, sản xuất chỉ chiếm 30% vòng đời của một chiếc máy bay, 70% vòng đời còn lại nằm ở việc liên tục bảo trì, nâng cấp”, ông Maxime chia sẻ.
Tuy nhiên, Boeing nhận ra rằng, sau đại dịch Covid-19, nhiều nhà cung cấp của doanh nghiệp này đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng dẫn tới suy giảm năng lực tài chính, khả năng vận hành… Boeing vẫn duy trì quan hệ với các nhà cung cấp cũ, song hiện cũng đang tìm kiếm nhiều nhà cung cấp ở các thị trường mới.
Hiện Boeing đang có hơn 200 nhà cung cấp tại châu Á, hơn 9.500 nhà cung cấp tại Mỹ.
“Điều này không có nghĩa là chúng tôi chỉ “chơi” với các doanh nghiệp Mỹ, mà nghĩa là chúng tôi đang mở rộng mạng lưới nhà cung cấp của mình tại châu Á”, ông Maxime nhấn mạnh.
Về tiêu chí của mình, Boeing cho biết doanh nghiệp này đang tìm kiếm nhà cung cấp hiểu rõ sản phẩm và dịch vụcủa họđể có thể mang lại lợi ích trực tiếp cho Boeing và đáp ứng các giải pháp mà Boeing cung cấp cho khách hàng.
Các nhà cung cấp cũng cùng chia sẻ cam kết với Boeing để đạt được thỏa thuận tốt nhất về mặt chi phí, chất lượng và vận chuyển; Duy trì tình hình tài chính ổn định và liên tục, tập trung vào cải thiện khả năng đáp ứng và hiệu quảthông qua các hoạt động trao đổi.
Sẵn sàng chia sẻ kiến thức về cách mà Boeing và nhà cung cấp có thể vận hành doanh nghiệp một cách tốt nhất để đem lại giá trị cho cả Boeing, nhà cung cấp và khách hàng
Boeing cũng yêu cầu đối tác thực hiện các hoạt động của doanh nghiệp theo quy tắc ứng xử dành cho nhà cung cấp của Boeing và chia sẻ cam kết của Boeing về thực hành kinh doanh có đạo đức.
Nhận định về tiềm năng tham gia chuỗi cung ứng của Boeing đối với doanh nghiệp Việt Nam, bà Trương Thị Chí Bình, Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ (VASI) cho rằng, nếu so về các sản phẩm gia công hoàn toàn bằng máy móc, Việt Nam sẽ khó cạnh tranh với các quốc gia khác như Trung Quốc, Nhật Bản…
Tuy nhiên, ở các sản phẩm có sự gia công kết hợp máy móc và bàn tay của công nhân, kỹ sư, Việt Nam lại có lợi thế hơn về giá thành và chất lượng. Đây sẽ là ngách để doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng của Boeing.
Đồng tình, ông Maxime Dourdan cho rằng, để chuỗi cung ứng của Boeing tại Việt Nam ngày càng hoàn thiện và phát triển thì cần có nhiều lộ trình, chiến lược phải làm.
Giám đốc Phát triển Chuỗi cung ứng của Boeing khu vực Đông Nam Á, Nhật Bản và Hàn Quốc khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam bắt đầu từ những thế mạnh của mình trước, bắt đầu tham gia từ các nhà cung cấp cấp 3, 4 trước cho các nhà cung cấp tuyến 1, 2 của Boeing rồi dần phát triển lên.
“Chúng tôi sẽ có những hỗ trợ để doanh nghiệp tiếp cận, đáp ứng các tiêu chuẩn của Boeing, đồng thời khuyến khích các nhà cung cấp tuyến 1 đầu tư vào Việt Nam để các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận, phát triển dễ dàng hơn”, ông Maxime cho biết.