BOT Cầu Thái Hà bị HNX siết giao dịch vì thiếu minh bạch

19/05/2025 - 16:01
(Bankviet.com) Cổ phiếu BOT Cầu Thái Hà bị HNX đưa vào diện hạn chế giao dịch từ 20/5 do kiểm toán từ chối đưa ý kiến báo cáo tài chính 2024.
Nhịp đập thị trường

BOT Cầu Thái Hà bị HNX siết giao dịch vì thiếu minh bạch

Anh Vũ 19/05/2025 15:37

Cổ phiếu BOT Cầu Thái Hà bị HNX đưa vào diện hạn chế giao dịch từ 20/5 do kiểm toán từ chối đưa ý kiến báo cáo tài chính 2024.

Ngày 16/5, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã ra quyết định đưa cổ phiếu BOT của Công ty CP BOT Cầu Thái Hà vào diện hạn chế giao dịch, bắt đầu áp dụng từ ngày 20/5.

Theo đó, cổ phiếu BOT sẽ chỉ được giao dịch vào phiên thứ Sáu hàng tuần, do đơn vị kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến đối với báo cáo tài chính kiểm toán năm 2024 của doanh nghiệp.

bot.jpg
Hơn 59,2 triệu cổ phiếu BOT sẽ bị hạn chế giao dịch từ ngày 20/5/2025. Nhà đầu tư chỉ được phép giao dịch vào ngày thứ Sáu hàng tuần

Trên thị trường, cổ phiếu BOT từng ghi dấu ấn khi đạt đỉnh lịch sử 60.400 đồng/cp vào tháng 1/2021, cao gấp sáu lần so với giá chào sàn 10.000 đồng vào năm 2019. Ngay cả trong giai đoạn thị trường chao đảo vì khủng hoảng trái phiếu năm 2022, BOT vẫn giữ được vùng giá trên 50.000 đồng/cp.

Tuy nhiên, kể từ tháng 11/2022, cổ phiếu này liên tục lao dốc và chạm đáy 2.200 đồng/cp vào tháng 5/2023. Dù hồi phục gần 190% từ đáy đến giữa tháng 1/2025, BOT lại nhanh chóng quay đầu điều chỉnh từ vùng giá 7.x. Trước ngày chính thức bị hạn chế giao dịch, mã này giảm sàn còn 4.000 đồng/cp với thanh khoản vượt 3,3 triệu đơn vị – một tín hiệu tiêu cực phản ánh tâm lý lo ngại từ nhà đầu tư.

bot_2025-05-19_14-42-25.png
Diễn biến giá cổ phiếu BOT

Bản báo cáo kiểm toán năm 2024 bị từ chối đưa ra ý kiến bởi Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn A&C với tổng cộng 6 nội dung quan trọng và một vài điểm nhấn mạnh. Cụ thể, A&C không thể xác định giá trị trước thuế của công trình BOT Cầu Thái Hà do thiếu tài liệu quyết toán chi phí lãi vay phát sinh ngoài thời gian xây dựng – khoản chi lên tới 179 tỷ đồng. BOT giải thích việc thu phí chậm trễ gần hai năm do các dự án kết nối chậm hoàn thành, khiến chi phí lãi vay tăng đột biến và hiện đang đề xuất đưa vào quyết toán.

Ngoài ra, kiểm toán viên không thể đưa ra ý kiến về khoản doanh thu gần 358 tỷ đồng từ hoạt động bán thiết bị cho CNC Capital Việt Nam và CTCP PIV, do chưa cung cấp đầy đủ thông tin cấu thành giá bán. BOT cho rằng đây là ngành nghề mới được mở rộng từ năm 2024 và đã xây dựng cơ sở giá theo chi phí thực tế. Trong khi đó, khoản hợp tác dài hạn trị giá hơn 325 tỷ đồng với Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Việt Phát trong lĩnh vực y tế cũng bị từ chối xác nhận do thiếu hồ sơ chứng minh tính khả thi và hiệu quả sử dụng vốn.

Hai khoản trả trước cho các đối tác mua cát xây dựng trị giá gần 90 tỷ đồng cũng không được xác nhận do chưa có hàng, thiếu năng lực chứng minh năng lực nhà cung cấp và chưa có kế hoạch sử dụng rõ ràng. Bên cạnh đó, kiểm toán viên cũng không xác minh được số dư tiền mặt tại thời điểm cuối năm 2023 và 2024 do được bổ nhiệm sau kỳ kiểm kê tài sản. Cùng với đó là khoản công nợ phải trả trên 10 tỷ đồng chưa được đối chiếu xong.

Ngoài các vấn đề trên, kiểm toán A&C còn nhấn mạnh rủi ro liên quan đến khả năng hoạt động liên tục do nợ ngắn hạn đã vượt quá tài sản ngắn hạn tại thời điểm cuối năm 2024. Đồng thời, việc trích lập dự phòng hơn 7,1 tỷ đồng cho chi phí sửa chữa Dự án BOT cầu Thái Hà chưa được Cục Đường bộ Việt Nam phê duyệt.

Phía BOT cho biết, dù gặp nhiều khó khăn trong hoạt động thu phí, Công ty đang chuyển hướng chiến lược kinh doanh, ghi nhận dấu hiệu tích cực về tài chính và tin tưởng vào khả năng duy trì hoạt động. Các vấn đề về kiểm kê, đối chiếu và dự phòng cũng đang được khẩn trương hoàn thiện.

Được thành lập năm 2014, BOT Cầu Thái Hà được giao đầu tư xây dựng cầu Thái Hà nối Hà Nam và Thái Bình, với tổng mức đầu tư hơn 1.459 tỷ đồng. Dù chính thức thu phí từ tháng 2/2019 với kỳ vọng hoàn vốn trong gần 17 năm, doanh nghiệp đã sớm rơi vào thế khó khi cầu Hưng Hà – công trình ODA cách đó chỉ 3–4 km và miễn phí được đưa vào sử dụng, khiến lưu lượng xe qua BOT Thái Hà giảm mạnh. Từ khi lên sàn, BOT liên tục báo lỗ trong các năm 2019–2023. Tuy nhiên, năm 2024 công ty gây bất ngờ khi công bố lợi nhuận ròng hơn 248 tỷ đồng, bước ngoặt tài chính sau nhiều quý ngụp lặn.

Trong quý IV/2024, doanh thu thuần BOT đạt 372,8 tỷ đồng, gấp 31 lần cùng kỳ năm trước, nhờ một khoản thu bất thường chưa từng có. Lợi nhuận ròng lên tới 302,3 tỷ đồng, qua đó thu hẹp lỗ lũy kế xuống còn 188 tỷ đồng. Dẫu vậy, trong suốt 25 quý gần nhất, doanh nghiệp này mới chỉ có lãi vỏn vẹn hai quý, khiến nhà đầu tư không khỏi hoài nghi về tính bền vững của kết quả tích cực gần đây.

Tính đến cuối năm 2024, tổng tài sản BOT đạt 1.823 tỷ đồng, nhưng nợ phải trả lên tới 1.419 tỷ đồng – cao gấp 3,5 lần vốn chủ sở hữu. Trong đó, gần 1.000 tỷ là nợ vay, dẫn đến chi phí lãi vay hơn 102 tỷ đồng trong năm, trong khi lượng tiền mặt chỉ vỏn vẹn 480 triệu đồng, một con số cho thấy mức độ rủi ro thanh khoản rất lớn.

Trong bối cảnh hiện tại, việc bị đưa vào diện hạn chế giao dịch không chỉ là hồi chuông cảnh báo cho cổ đông BOT Cầu Thái Hà mà còn phản ánh rủi ro sâu rộng của doanh nghiệp khi chưa thể kiểm soát được các vấn đề tài chính cốt lõi. Dù công ty nỗ lực cải thiện kết quả kinh doanh, nhưng khả năng phục hồi bền vững vẫn là dấu hỏi lớn, đặc biệt trong bối cảnh thiếu minh bạch và các khoản mục tài chính phức tạp chưa được làm rõ. Nhà đầu tư cần hết sức thận trọng và theo dõi sát sao diễn biến tiếp theo của doanh nghiệp này.

Anh Vũ

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán