Cổ phiếu ngành tiêu dùng - bán lẻ tích cực cùng triển vọng thị trường nâng hạng

19/05/2025 - 17:08
(Bankviet.com) Trong báo cáo cập nhật mới nhất, chứng khoán Bảo Việt (BVSC) đã đưa ra nhận định lạc quan về triển vọng kinh doanh của Tập đoàn Masan trong năm 2025. Sử dụng phương pháp tổng hợp từng phần (SoTP), BVSC định giá cổ phiếu MSN của Tập đoàn Masan là 89.200 đồng/cổ phiếu.
Báo cáo - Phân tích

Cổ phiếu ngành tiêu dùng - bán lẻ tích cực cùng triển vọng thị trường nâng hạng

PV 19/05/2025 11:47

Trong báo cáo cập nhật mới nhất, chứng khoán Bảo Việt (BVSC) đã đưa ra nhận định lạc quan về triển vọng kinh doanh của Tập đoàn Masan trong năm 2025. Sử dụng phương pháp tổng hợp từng phần (SoTP), BVSC định giá cổ phiếu MSN của Tập đoàn Masan là 89.200 đồng/cổ phiếu.

Mảng tiêu dùng - bán lẻ sẽ là trụ cột tăng trưởng cùng với các sáng kiến chiến lược và khả năng Việt Nam được nâng hạng thị trường đều là những yếu tố giúp cổ phiếu MSN có dư địa tăng giá đáng kể trong giai đoạn 2025 - 2026.

Các sản phẩm của Masan Consumer
Các sản phẩm của Masan Consumer

Trụ cột tăng trưởng: Mảng tiêu dùng - bán lẻ

Các nhà phân tích của BVSC dự báo doanh thu thuần năm 2025 của Masan (MSN) đạt 86.955 tỷ đồng, tăng 4,5% so với cùng kỳ, và lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số (NPAT-MI) đạt 2.802 tỷ đồng, tăng 40,2%. Mức tăng này dựa trên các động lực chính sau:

Masan Consumer được kỳ vọng sẽ là “ngôi sao sáng” trong toàn ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG), nhờ vào sức mạnh thương hiệu và danh mục sản phẩm đổi mới. Theo đó, trong năm 2025, MCH dự kiến tiếp tục đẩy mạnh chiến lược cao cấp hóa trong ngành hàng thực phẩm tiện lợi với việc ra mắt danh mục mới của Omachi mang tên "Quán Xá Châu Á" (Ẩm thực đường phố châu Á). Song song đó, các thương hiệu mạnh thuộc ngành hàng gia vị như CHIN-SU, Nam Ngư tiếp tục dẫn đầu thị trường với chiến lược xây dựng thương hiệu gắn liền với phong cách sống và văn hóa ẩm thực Việt Nam. BVSC dự báo doanh thu và lợi nhuận hoạt động (EBIT) của Masan Consumer tăng lần lượt 10,1% và 9,2%.

WinCommerce (WCM) sẽ là một trong những trụ tăng trưởng mới của MSN với việc tăng tốc độ mở rộng quy mô. Theo thông tin từ doanh nghiệp, tháng 4/2025, WCM đã mở mới 68 cửa hàng, trong đó có 46 cửa hàng WinMart+ Nông thôn, nâng tổng số cửa hàng toàn hệ thống lên 4.035 và chuỗi Nông thôn đạt 1.500 cửa hàng. Với tốc độ trung bình mở mới gần 50 cửa hàng WinMart+ Nông thôn mỗi tháng, mục tiêu cán mốc 1.900 cửa hàng vào cuối năm không chỉ khả thi mà còn đang nằm trong tầm tay doanh nghiệp. Với chiến lược mở rộng mạnh mẽ, BCVS dự báo doanh thu của WCM tăng 15,2% và EBIT tăng tới 105,8%.

Người tiêu dùng mua sắm nước giặt sả Chante
Người tiêu dùng mua sắm nước giặt sả Chante

Đối với mảng thịt Masan MEATLife, giá heo hiện duy trì ở mức thuận lợi, cùng với chiến lược đẩy mạnh mảng thịt chế biến có biên lợi nhuận cao và tối ưu hóa chi phí nhờ sản lượng thịt tươi tăng, đang tạo nền tảng vững chắc cho sự phục hồi mạnh mẽ của doanh nghiệp. Theo thông tin từ doanh nghiệp, một trong những bước đột phá chiến lược của Masan MEATLife trong năm 2025 là triển khai thành công công nghệ tăng năng suất phối giống heo nái, giúp mở rộng quy mô đàn heo thịt thêm khoảng 24.000 con mỗi năm. Với giá trị thành phẩm trung bình đạt ~7,5 triệu đồng/con, khoản gia tăng này tương đương 180 tỷ đồng doanh thu bổ sung trong năm 2025. BVSC dự báo doanh thu của MML sẽ tăng 15,7%, EBIT tăng 124,4%, và lợi nhuận sau thuế ghi nhận sự bứt phá trở lại.

Phúc Long Heritage (PLH) tái cấu trúc bằng cách đóng kiosk kém hiệu quả và nâng cấp sản phẩm, giúp BVSC dự báo doanh thu tăng 7,4% và EBIT tăng 30,2%.

Cổ phiếu tiêu dùng thiết yếu tại thị trường mới nổi hồi phục mạnh mẽ
Cổ phiếu tiêu dùng thiết yếu tại thị trường mới nổi hồi phục mạnh mẽ

Thị trường chứng khoán chờ nâng hạng

Năm 2025 là thời điểm phấn đấu để thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng từ thị trường cận biên lên mới nổi theo Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 đã được Thủ tướng phê duyệt.

Theo báo cáo của Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), khoảng 9 tỷ USD có thể đổ vào thị trường Việt Nam sau khi được nâng hạng, bao gồm 800 triệu USD từ các quỹ ETF theo FTSE Russell, 2 tỷ USD từ các quỹ thụ động khác và 4-6 tỷ USD từ các quỹ chủ động. Dòng vốn này dự kiến tập trung chủ yếu vào các cổ phiếu vốn hóa lớn, thanh khoản cao và có room ngoại đủ rộng.

Theo các tiêu chí trên, SHS đã chỉ ra nhóm cổ phiếu tiềm năng có thể lọt vào rổ chỉ số FTSE và hưởng lợi lớn từ dòng vốn ngoại, tập trung nhiều chủ yếu vào nhóm cổ phiếu bluechips. Đáng chú ý, cổ phiếu ngành tiêu dùng bán lẻ được nhận định có nhiều tiềm năng, đơn cử cổ phiếu MSN của Tập đoàn Masan cũng được dự báo sẽ hưởng lợi trực tiếp từ những điều kiện tích cực từ vĩ mô trong và ngoài nước giúp thúc đẩy kết quả kinh doanh.

Theo đó, các nhà phân tích của BVSC cũng cho rằng với quy mô và vốn hóa lớn, MSN khả năng cao là cổ phiếu được dòng vốn ngoại ưu tiên. Sử dụng phương pháp tổng hợp từng phần (SoTP), BVSC định giá cổ phiếu MSN của Tập đoàn Masan là 89.200 đồng/cổ phiếu. Với mức tăng trưởng lợi nhuận dự kiến 40% (So với vùng giá 62.000 đồng/cổ phiếu), định giá thấp hơn trung bình lịch sử, và các động lực thúc đẩy dài hạn, MSN là lựa chọn chiến lược cho nhà đầu tư trung và dài hạn.

PV

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán