Thủ tướng: Khai thác tối đa 3 lợi thế nổi bật để Cà Mau đột phá phát triển toàn diện Khẩn trương nâng cấp mở rộng sân bay Cà Mau |
Nguồn hàng tăng, giá ổn định
Thời điểm này, các doanh nghiệp sản xuất, phân phối… trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã sẵn sàng nguồn hàng để cung ứng ra thị trường. Giá cả các mặt hàng được niêm yết và cam kết bán theo đúng quy định, trong đó nhóm nông sản thực phẩm gồm gạo các loại có giá bình quân từ 20.000 - 32.000 đồng/kg; thịt heo từ 85.000 - 138.000 đồng/kg; thịt trâu, bò có giá 255.000 đồng/kg; thực phẩm, bánh, mứt, kẹo các loại có giá bình quân 80.000 đồng/kg.
Tại Co.opmart Cà Mau, theo ông Trương Nguyễn An Huy, Phó Giám đốc siêu thị này, trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, siêu thị dự trữ lượng hàng có trị giá đạt khoảng 100 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2023. Trong đó, chủ yếu tập trung vào các mặt hàng lương thực, thực phẩm, rau củ quả, trái cây, bia, nước giải khát các loại và các dòng sản phẩm đảm bảo sức khỏe,...
Đặc biệt, cùng với hệ thống siêu thị Co.opmart trên cả nước, Co.opmart Cà Mau đang triển khai nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá, tập trung vào các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu và các mặt hàng được người dân mua sắm nhiều trong dịp Tết như giỏ quà, bánh mứt, thực phẩm...
Hàng hóa được các doanh nghiệp tại Cà Mau chuẩn bị đầy đủ, sẵn sàng bước vào cao điểm mua sắm Tết |
Theo dự báo của ngành Công Thương tỉnh này, sức mua thị trường Tết sẽ tăng từ 5-10% so với ngày thường. Để đáp ứng nhu cầu tăng cao của người dân, từ cuối năm 2023, Sở Công Thương Cà Mau đã chủ động triển khai công tác chuẩn bị hàng hóa nhằm bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường, không để xảy ra thiếu hàng, tăng giá bất hợp lý.
Theo đó, trong mùa Tết năm nay có 20 doanh nghiệp tham gia dự trữ hàng hóa với tổng giá trị hơn 1.000 tỷ đồng. Nguồn hàng chuẩn bị gồm nông sản thực phẩm (gạo nếp, gạo tẻ, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thủy sản, trái cây, rau củ và hàng nông sản khác) với giá trị hơn 112 tỷ đồng; hàng công nghệ thực phẩm (đường, bột ngọt, hạt nêm, muối ăn, dầu ăn, trà, mì gói các loại, bia chai, bia lon, nước ngọt, bánh, mứt, kẹo, thực phẩm đóng hộp, các mặt hàng công nghệ thực phẩm khác) với trị giá trên 354 tỷ đồng; sản phẩm OCOP, công nghiệp nông thôn tiêu biểu, đặc sản của tỉnh (tôm khô, cá khô, bánh phồng tôm) có tổng trị giá hơn 28,6 tỷ đồng; nhiên liệu (xăng, dầu các loại, gas) trên 446,5 tỷ đồng…
Bên cạnh đó, để phục vụ tốt hơn nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết, tỉnh Cà Mau còn dự kiến chuẩn bị thêm một số mặt hàng nông sản thiết yếu như: Thịt heo hơi; thịt trâu, bò; thịt gà, vịt; rau, củ, quả; trứng,… với tổng giá trị hơn 310 tỷ đồng.
“Nguồn hàng hóa đảm bảo chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, an toàn vệ sinh thực phẩm, có nhãn mác và giá bán ổn định. Riêng các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch cung ứng xăng dầu, LPG chai cho các cửa hàng trực thuộc, các đại lý đảm bảo không để xảy ra tình trạng thiếu hàng trong dịp Tết Nguyên đán”- đại diện Sở Công Thương tỉnh Cà Mau cho biết.
Tăng kiểm tra, giám sát thị trường
Cùng với việc chuẩn bị nguồn hàng, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã có Chỉ thị đề nghị các sở, ngành liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát các chương trình khuyến mãi, bảo đảm tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng,…
Thực hiện theo chỉ đạo này, Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh Cà Mau (Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Cà Mau) vừa mở cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024. Theo đó, thời gian mở cao điểm từ ngày 8/1 đến ngày 29/2/2024.
Theo đó, nhiệm vụ chủ yếu của cao điểm là xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 theo lĩnh vực, địa bàn quản lý và phụ trách. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường đối với các mặt hàng thiết yếu, hàng hóa có nhu cầu cao phục vụ sản xuất và tiêu dùng trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán. Trong đó, tập trung kiểm soát chặt chẽ các chợ đầu mối, trung tâm thương mại, đại lý, cửa hàng tạp hóa, sàn giao dịch thương mại điện tử, các trang mạng xã hội (Facebook, Zalo, TikTok...) mua, bán trực tuyến... kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng hoạt động kinh doanh để mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ,...
Thành lập các đoàn công tác liên ngành nắm tình hình, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các lực lượng, đơn vị, địa phương tố chức đấu tranh hiệu quả với các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thuộc lĩnh vực, địa bàn quản lý và phụ trách.
Mai Ca