Các bài học về ổn định tài chính - nhìn từ đại dịch COVID-19

26/04/2022 - 23:06
(Bankviet.com) (thitruongtaichinhtiente.vn) - Phản ứng của chính sách đối với đại dịch là chưa từng có. Các nhà chức trách đã hành động nhanh chóng để duy trì nguồn cung tín dụng cho nền kinh tế thực, hỗ trợ trung gian tài chính và duy trì sự ổn định tài chính toàn cầu bằng cách sử dụng đòn bẩy tài khóa, tiền tệ và chính sách an toàn. Những hành động kết hợp này có hiệu quả trong việc giảm bớt các căng thẳng tài chính và đảm bảo cung cấp tài chính liên tục cho nền kinh tế thực.

Vắc xin đang được triển khai trên toàn cầu, mặc dù với tốc độ khác nhau giữa các quốc gia và khu vực. Trong khi các dấu hiệu phục hồi toàn cầu đang ngày càng gia tăng, một số rủi ro đối với sự ổn định tài chính vẫn còn ở mức cao. Kinh tế không chắc chắn và những bất ngờ tiêu cực có thể kiểm tra tính thanh khoản của thị trường tài chính. Hơn nữa, trong khi việc vay nợ được coi là một cứu cánh quan trọng trong thời kỳ đại dịch, ở một số khu vực pháp lý, rủi ro về khả năng thanh toán vẫn là một vấn đề trong bối cảnh các công ty ngày càng đi vào ngõ cụt. Và nhìn chung, chúng ta phải đối mặt với thách thức trong việc quản lý các tác động lan tỏa tiềm ẩn từ tốc độ phục hồi không đồng đều giữa các khu vực. Trong bối cảnh vẫn cần cảnh giác với các lỗ hổng mới xuất hiện, thì việc rút ra các bài học từ đại dịch để ổn định tài chính là điều cần thiết. Ông Dietrich Domanski – Tổng Thư ký Hội đồng ổn định tài chính quốc tế (FSB) mới đây đã có chia sẻ về một số bài học về ổn định tài chính mà FBS rút ra nhìn từ đại dịch COVID-19. 

Hệ thống tài chính toàn cầu đã có khả năng chống chịu tốt hơn

Đại dịch COVID-19 là thử nghiệm lớn đầu tiên của hệ thống tài chính toàn cầu kể từ khi các cải cách quy định của G20 được thực hiện sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Hệ thống tài chính toàn cầu đã vượt qua cú sốc cho đến nay, nhờ vào hai yếu tố: (i) quyết tâm và phản ứng mạnh mẽ về chính sách quốc tế và (ii) khả năng phục hồi của hệ thống tài chính cao hơn. Phản ứng của chính sách đối với đại dịch là chưa từng có. Các nhà chức trách đã hành động nhanh chóng để duy trì nguồn cung tín dụng cho nền kinh tế thực, hỗ trợ trung gian tài chính và duy trì sự ổn định tài chính toàn cầu bằng cách sử dụng đòn bẩy tài khóa, tiền tệ và chính sách an toàn. Những hành động kết hợp này có hiệu quả trong việc giảm bớt các căng thẳng tài chính và đảm bảo cung cấp tài chính liên tục cho nền kinh tế thực. Điều quan trọng là phản ứng chính sách này được hỗ trợ bởi các tiêu chuẩn quy định nghiêm ngặt do G20 đưa ra và được điều phối thông qua FSB. Nhờ những cải cách này, hệ thống tài chính đã bước vào đại dịch trong một trạng thái linh hoạt hơn so với trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Các ngân hàng lớn nắm giữ nhiều vốn hơn, có tính thanh khoản cao hơn và ít đòn bẩy hơn. Điều này cho phép họ có bộ đệm, thay vì khuếch đại cú sốc kinh tế vĩ mô. Cơ sở hạ tầng thị trường tài chính, đặc biệt là các đối tác trung tâm đã hoạt động như dự kiến. Tóm lại, một bài học bao quát nhìn từ đại dịch liên quan đến tầm quan trọng cốt yếu của một hệ thống tài chính toàn cầu có khả năng chống đỡ tốt.

4 bài học để gia tăng ổn định tài chính

Để thúc đẩy khả năng chống đỡ tốt về tài chính, trước tiên, điều quan trọng là phải hoàn thành việc thực hiện chương trình cải cách của G20. Thực tế đã cho thấy những nơi của hệ thống tài chính toàn cầu thực hiện các cải cách sau khủng hoảng sớm nhất là những nền kinh tế có sức chống chịu tốt nhất. Lợi ích ổn định tài chính của việc thực hiện đầy đủ, kịp thời và nhất quán các cải cách, bao gồm cả đối với Basel III, các khuôn khổ giải pháp chính thức hoặc phái sinh vẫn được giữ vững như khi được thống nhất ban đầu. Điều quan trọng nữa là đảm bảo rằng các cải cách đang triển khai như dự kiến. Bằng chứng mà FSB thu thập được cho đến nay đã gợi ý một số yếu tố cụ thể của khuôn khổ quy định cần được kiểm tra thêm, bao gồm vai trò và khả năng sử dụng của các bộ đệm vốn và thanh khoản, hiệu suất của các yếu tố chống chu kỳ trong quy định thận trọng và các nguồn tiềm năng còn lại của tính chu kỳ quá mức mà tác động của chúng có thể bị giảm bớt hoặc bị trì hoãn do sự hỗ trợ chính thức của ngành.

Hai là, cần tăng cường khả năng chống chịu của khu vực trung gian tài chính phi ngân hàng. Vào tháng 3/2020, các thị trường vốn chính đã trải qua căng thẳng nghiêm trọng. Điều này cho thấy tính dễ tổn thương trong các hoạt động và cơ chế cụ thể trong ngành xuất phát từ sự bất tương xứng về thanh khoản, đòn bẩy và tính liên kết với nhau, có thể gây ra mất cân bằng thanh khoản và lan truyền căng thẳng. Vì vậy, FSB đã phát triển một chương trình toàn diện nhằm nâng cao khả năng phục hồi của khu vực các tổ chức tài chính phi ngân hàng, trong đó đã đưa ra các đề xuất chính sách để tăng cường khả năng phục hồi của thị trường tiền tệ. Các đề xuất này hiện đang được đưa ra để tham khảo ý kiến, sau đó sẽ được chuyển tới G20 để phê duyệt.

Ba là, đại dịch cũng càng cho thấy nhu cầu thúc đẩy sức chống chịu trong bối cảnh thay đổi công nghệ nhanh chóng trong nền kinh tế và hệ thống tài chính toàn cầu. Các tổ chức tài chính và cơ sở hạ tầng thị trường tài chính đã chuyển sang môi trường làm việc khác mà không gặp phải sự cố lớn nào. Không có sự cố mạng lớn nào được báo cáo trong hệ thống tài chính, nhưng số lượng các cuộc tấn công mạng đã tăng lên. Nhìn chung, việc sắp xếp công việc tại nhà đã thúc đẩy áp dụng các công nghệ mới và tăng tốc số hóa trong các dịch vụ tài chính. Trong khi các dịch vụ phải thuê ngoài (outsourcing)  từ các nhà cung cấp bên thứ ba như dịch vụ đám mây dường như đã giúp nâng cao khả năng phục hồi hoạt động tại các tổ chức tài chính. Tuy nhiên, sự phụ thuộc ngày càng nhiều vào các dịch vụ như vậy có thể làm nảy sinh những thách thức và lỗ hổng mới. Quản lý hiệu quả những rủi ro như vậy trong toàn bộ chuỗi cung ứng là điều cần thiết để giảm thiểu rủi ro hoạt động và an ninh mạng. Đây là một phần quan trọng trong chương trình nghị sự rộng hơn của FSB nhằm giải quyết các rủi ro về ổn định tài chính từ đổi mới kỹ thuật số bằng cách khai thác các lợi ích của nó, bao gồm các sáng kiến ​​về tài sản tiền điện tử và những người mới tham gia cung cấp dịch vụ tài chính.

Bốn là, cần giải quyết các rủi ro tài chính của biến đổi khí hậu. Công việc trong lĩnh vực này đã đạt được động lực đáng kể dưới nhiều hình thức. Để đạt được mục tiêu, dưới góc độ của FSB, Hội đồng đã phát triển một lộ trình giải quyết các rủi ro tài chính liên quan đến khí hậu, theo đó xác định lĩnh vực có rủi ro tài chính liên quan đến khí hậu và công việc nào là cần thiết trong bốn lĩnh vực liên quan chặt chẽ sau: thứ nhất, rủi ro ở cấp độ công ty; thứ hai, nhu cầu dữ liệu để đánh giá rủi ro tài chính liên quan đến khí hậu; thứ ba, đánh giá mức độ dễ bị tổn thương về tài chính đối với biến đổi khí hậu; thứ tư, việc xây dựng và áp dụng các công cụ quản lý và giám sát. Trọng tâm của FSB là giải quyết các rủi ro tài chính liên quan đến thay đổi hơn là thúc đẩy tài chính xanh hoặc bền vững. Nhưng hai lĩnh vực này bổ sung cho nhau. Khả năng phục hồi tài chính là điều kiện tiên quyết để cung cấp ổn định nguồn tài chính bền vững. Và tương tự, tài chính bền vững dựa trên quản lý rủi ro hợp lý góp phần vào khả năng phục hồi tài chính.

Bên cạnh đó, cũng phải nhắc đến vai trò của hợp tác quốc tế, yếu tố rất quan trọng khi chúng ta tìm cách thoát khỏi đại dịch COVID, hỗ trợ hệ thống tài chính linh hoạt và đảm bảo sự phục hồi toàn cầu, bền vững mạnh mẽ.

(Nguồn: The Asian Banker)

Bài đăng trên Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ số 18 năm 2021

Theo: