Phát triển KCN ở Việt Nam và nhu cầu thu hút đầu tư vào các KCN đến năm 2030 Mục đích của Liên chi hội Tài chính Khu công nghiệp Việt Nam 10 địa phương dự báo sẽ phát triển mạnh bất động sản công nghiệp |
Thu hút 231 tỷ USD và 2,54 triệu tỷ đồng
Tại Toạ đàm “Thực trạng các khu công nghiệp hiện nay và các giải pháp tài chính” do Liên Chi hội Tài chính khu công nghiệp Việt Nam (FAIP) phối hợp cùng Hiệp hội tư vấn tài chính Việt Nam (VFCA) tổ chức tại Hà Nội vào sáng 16/1, Chủ tịch Hiệp hội tư vấn tài chính Việt Nam, ông Lê Minh Nghĩa cho biết: Hiện cả nước có 414 khu công nghiệp (KCN) được thành lập tại 61/63 tỉnh, thành phố, với tổng diện tích gần 127 nghìn ha; hơn 1000 cụm công nghiệp với tổng diện hơn 31 nghìn ha. Các khu công nghiệp đã trở thành những khu vực trọng điểm thu hút các dự án đầu tư trong và ngoài nước, là điểm đến của nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới.
Hiện cả nước có 414 khu công nghiệp được thành lập tại 61/63 tỉnh, thành phố |
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các khu công nghiệp trong cả nước đã thu hút được hơn 11.200 dự án FDI với tổng vốn đăng ký đạt 231 tỷ USD, và 10.400 dự án đầu tư của doanh nghiệp trong nước với tổng vốn đăng ký đạt 2,54 triệu tỷ đồng. Các doanh nghiệp trong khu công nghiệp có đóng góp rất lớn (khoảng 50%) tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, và đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách.
Sự phát triển của các khu công nghiệp đồng thời cũng thúc đẩy chuyển giao công nghệ hiện đại, góp phần phát triển nguồn nhân lực, giải quyết số lượng việc làm lớn và nâng cao thu nhập cho người lao động. Để thúc đẩy các khu công nghiệp phát triển, nhiều giải pháp đã được đưa ra, trong đó có các giải pháp về tài chính.
Theo kết quả nghiên cứu của Viện Chiến lược và chính sách tài chính – Bộ Tài chính, hệ thống chính sách sách tài chính áp dụng cho các khu công nghiệp Việt Nam hiện nay nhìn chung đã bao gồm 5 nhóm chính sách: Chính sách thuế phí; chính sách đầu tư; chính sách tín dụng; chính sách đất đai; và các chính sách khác.
Còn theo TS Ngô Công Thành – Phó Chủ tịch Hội đồng thành viên Viện Nghiên cứu Đầu tư Quốc tế (ISC): Hiện đã có các doanh nghiệp của 65 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào các khu công nghiệp tại Việt Nam, trong đó 10 đối tác đầu tư lớn nhất đã chiếm 91% tổng vốn FDI vào các khu công nghiệp là: Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc), Hồng Kông (Trung Quốc), Trung Quốc, Hà Lan, BritishVirgin Island, Samoa, Malaysia. Các khu công nghiệp đã tạo công ăn việc làm cho khoảng 4 triệu lao động.
Đánh giá về đóng góp của khu công nghiệp thời gian qua, ông Ngô Công Thành cho rằng: Các khu công nghiệp, khu kinh tế thời gian qua đã đóng góp tích cực vào thành tựu tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, thể hiện qua các mặt chủ yếu là: Thu hút được một lượng vốn đầu tư lớn, bổ sung nguồn lực cho đầu tư phát triển; đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển đổi không gian phát triển, thúc đẩy liên kết vùng, liên kết ngành, tạo nền tảng quan trọng cho tăng trưởng bền vững; góp phần đẩy mạnh tăng trưởng sản xuất công nghiệp, nâng cao giá trị xuất khẩu và sức cạnh tranh của nền kinh tế, đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước.
Các khu công nghiệp cũng góp phần giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động và tăng năng suất lao động; đóng góp vào công tác bảo vệ môi trường và định hướng tăng trưởng xanh, thúc đẩy mối quan hệ ngoại giao, kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam với các nước, đặc biệt là với các đối tác quan trọng.
Các khu công nghiệp đang tạo công ăn việc làm cho khoảng 4 triệu lao động |
Hiện thực hoá mục tiêu thu hút 390-460 tỷ USD vào năm 2030
Theo Phó Chủ tịch Hội đồng thành viên Viện Nghiên cứu Đầu tư Quốc tế, trong một báo cáo gần đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đặt ra mục tiêu thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, khu kinh tế đến năm 2030. Theo đó, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt khoảng 390- 460 tỷ USD, trong đó vốn trong nước khoảng 2,7 triệu – 3,2 triệu tỷ đồng (tương đương 110-130 tỷ USD), vốn FDI khoảng 280-330 tỷ USD.
Tổng vốn đầu tư thực hiện đạt khoảng 300-370 tỷ USD, trong đó vốn trong nước đạt 1,5 triệu -2,0 triệu tỷ đồng (tương đương 60-80 tỷ USD), vốn FDI đạt 240-290 tỷ USD. Các khu công nghiệp giải quyết việc làm cho khoảng 5-6 triệu lao động vào năm 2025, 7-8 triệu lao động vào năm 2030. Tỷ lệ các khu công nghiệp đã đi vào hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt 92% vào năm 2025 và 97-100% vào năm 2030.
Để huy động được nguồn vốn lớn đầu tư vào các khu công nghiệp trong những năm tới, các chuyên gia kinh tế cho rằng, Việt Nam cần phải có những thay đổi căn bản trong việc khai thông các dòng vốn, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tiếp cận thuận lợi các yếu tố sản xuất và đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư.
Cùng với đó, cần khắc phục được những hạn chế của các khu công nghiệp, khu kinh tế hiện nay như: Quy hoạch định hướng phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế còn thiếu tầm nhìn tổng thể, dài hạn, còn dàn trải theo địa giới hành chính, thiếu liên kết ngành và liên kết vùng. Chất lượng hiệu quả thu hút đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu phát triển theo chiều sâu; liên kết hợp tác trong khu công nghiệp, khu kinh tế, giữa các khu với nhau và giữa khu công nghiệp, khu kinh tế với khu vực bên ngoài còn hạn chế.
Đặc biệt, để khắc phục những tồn tại, hỗ trợ các khu công nghiệp phát triển bền vững, thu hút đầu tư hiệu quả và đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Liên chi hội Tài chính khu công nghiệp Việt Nam vừa chính thức được thành lập. Ông Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Chủ tịch Liên chi hội Tài chính khu công nghiệp Việt Nam (FAIP) cho hay, đây sẽ là cầu nối các doanh nghiệp khu công nghiệp với các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà đầu tư quốc tế, các tổ chức kinh tế, tài chính nước ngoài để huy động nhiều nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực tài chính cho phát triển các khu công nghiệp Việt Nam.
Nguyễn Hòa