Theo Đánh giá ổn định tài chính tháng 11/2024 được công bố hôm nay, ngày 20/11, Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) nhận thấy các lỗ hổng trong ổn định tài chính ngày càng gia tăng trong một môi trường đầy biến động. Rủi ro đối với tăng trưởng kinh tế khu vực đồng Euro đã chuyển sang phía tiêu cực khi lạm phát tiến gần đến mức 2%, trong khi thị trường tài chính đã trải qua một số biến động tăng đột biến nhưng chỉ tồn tại trong thời gian ngắn trong những tháng gần đây.
Phó Chủ tịch ECB, ông Luis de Guindos cho biết: “Triển vọng về sự ổn định tài chính bị che mờ bởi sự bất ổn về tài chính vĩ mô và địa chính trị ngày càng tăng cùng với sự không chắc chắn về chính sách thương mại gia tăng”.
Mặc dù cho đến nay, thị trường tài chính đã cho thấy khả năng chống chịu nhưng không có chỗ cho sự tự mãn. Những lỗ hổng tiềm ẩn khiến thị trường vốn cổ phần và tín dụng doanh nghiệp dễ bị biến động hơn nữa. Định giá cao và tập trung rủi ro, đặc biệt là trong thị trường chứng khoán, làm tăng khả năng điều chỉnh mạnh. Nếu động lực bất lợi trở thành hiện thực, các tổ chức phi ngân hàng có thể khuếch đại căng thẳng thị trường do thanh khoản khá mong manh, nhất là trong một số trường hợp đi cùng với đòn bẩy cao và rủi ro tập trung.
Bất chấp tỷ lệ nợ công trên GDP đã giảm sau đợt đại dịch COVID-19 gia tăng, các nền tảng tài chính cơ bản vẫn còn yếu ở một số quốc gia thuộc khu vực đồng Euro. Chi phí dịch vụ nợ chính phủ dự kiến sẽ tiếp tục tăng do nợ đến hạn được gia hạn với lãi suất cao hơn lãi suất trên nợ tồn đọng. Mức nợ tăng cao và thâm hụt ngân sách cao, cùng với tiềm năng tăng trưởng dài hạn yếu và sự không chắc chắn về chính sách, làm tăng nguy cơ trượt dốc tài chính, sẽ làm dấy lên mối lo ngại của thị trường về tính bền vững của nợ công.
Chi phí đi vay cao và triển vọng tăng trưởng yếu tiếp tục đè nặng lên bảng cân đối kế toán của các doanh nghiệp, trong đó các công ty trong khu vực đồng Euro báo cáo lợi nhuận sụt giảm do phải trả lãi suất cao. Triển vọng của thị trường bất động sản là trái chiều, với giá bất động sản nhà ở ổn định, trong khi thị trường bất động sản thương mại vẫn căng thẳng vì những thách thức đến từ thực tế làm việc từ xa và thương mại điện tử. Ngược lại, các hộ gia đình đang được hưởng lợi từ thị trường lao động mạnh mẽ và đã củng cố khả năng phục hồi của mình bằng cách tăng tiết kiệm và giảm nợ.
Cho đến nay, rủi ro tín dụng nhìn chung tăng dần, các công ty vừa và nhỏ cũng như các hộ gia đình có thu nhập thấp có thể phải đối mặt với căng thẳng nếu tăng trưởng chậm lại nhiều hơn dự kiến, điều này có thể ảnh hưởng xấu đến chất lượng tài sản của các trung gian tài chính khu vực đồng Euro. Thiệt hại từ việc đầu tư vào bất động sản thương mại có nguy cơ tăng cao hơn nữa và có thể gây thiệt hại đáng kể đối với từng ngân hàng và các quỹ đầu tư. Tuy nhiên, về tổng thể, khả năng của các ngân hàng trong việc ứng phó với sự suy giảm chất lượng tài sản tiếp tục được hỗ trợ bởi mức lợi nhuận cao cũng như các bộ đệm thanh khoản và vốn mạnh.
Để duy trì và tăng cường khả năng phục hồi của hệ thống tài chính trong môi trường tài chính vĩ mô không chắc chắn như hiện nay, ECB cho rằng các cơ quan quản lý an toàn vĩ mô nên duy trì các yêu cầu về vốn dự trữ hiện có cùng với các biện pháp gắn với người vay để đảm bảo các tiêu chuẩn cho vay hợp lý. Ngoài ra, sự tham gia thị trường ngày càng tăng và tính kết nối của các trung gian tài chính phi ngân hàng đòi hỏi phải có một loạt các biện pháp chính sách toàn diện để tăng khả năng chống chịu của ngành. Khả năng chống chịu trong toàn bộ khu vực các trung gian tài chính phi ngân hàng cũng sẽ giúp thúc đẩy các thị trường vốn hội nhập tốt hơn. Điều này sẽ tăng cường sự ổn định tài chính và bổ sung cho các mục tiêu của liên minh thị trường vốn nhằm hỗ trợ năng suất và tăng trưởng kinh tế của châu Âu.
H.Y