Các ngân hàng niêm yết có thể đạt tăng trưởng lợi nhuận 10% trong quý IV nhờ thu nhập từ phí và tín dụng

28/11/2021 - 16:46
(Bankviet.com) Báo cáo phân tích ngành Ngân hàng của Công ty chứng khoán Maybank KimEng nhận định chất lượng tài sản được quản lý thận trọng và khả năng sinh lời của ngành Ngân hàng được duy trì trong bối cảnh đại dịch.

Theo đó, 9 tháng đầu năm 2021, lợi nhuận trước thuế của 17 ngân hàng niêm yết tăng 42,6% so với cùng kỳ, đạt 132 nghìn tỷ đồng. Trong quý III, tăng trưởng lợi nhuận trước thuế giảm tốc so với cùng kỳ năm trước ở hầu hết các ngân hàng trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng chậm lại trước tình hình giãn cách xã hội nghiêm ngặt và các ngân hàng chủ động tăng trích lập dự phòng để tích lũy dự phòng rủi ro cho vay đối với các khoản nợ xấu tiềm ẩn. Nhóm ngân hàng vốn hóa vừa và nhỏ như SHB, MSB, SeABank dẫn đầu đà tăng. Các ngân hàng Techcombank, MB, TPBOCB có lợi nhuận tăng trưởng tốt. Nhóm các ngân hàng có kết quả thấp hơn kỳ vọng bao gồm các ngân hàng VPB, ACB, VIB, Sacombank và Eximbank.

Nhìn chung, việc giảm tốc tăng trưởng của khối ngân hàng trong quý III cũng đã được đề cập trước đó khi lợi nhuận trong 6 tháng đầu năm đã tăng rất mạnh (55,3% so với cùng kỳ năm trước). Ngân hàng sẽ hướng tới mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận nhất định để đạt được mức ROE mục tiêu. Do đó, sau khi ghi nhận mức ROE rất cao (khoảng 20-28%), các ngân hàng sẽ chủ động quản lý tăng trưởng lợi nhuận để duy trì mức ROE mục tiêu.

Trong bối cảnh quý III/2021, tình hình COVID-19 phức tạp buộc các ngân hàng phải trích lập dự phòng cao hơn để tăng cường tỷ lệ bao phủ nợ xấu nhằm tăng khả năng chống chịu trước các tổn thất tín dụng bất ngờ và quản lý tăng trưởng ổn định trong những năm tới.

Dù có sự tăng trưởng chậm lại nhưng theo nhóm chuyên gia của Maybang KimEng cho rằng các yếu tố thúc đẩy thu nhập vẫn mạnh mẽ. Trong 9 tháng đầu năm 2021, 17 ngân hàng niêm yết công bố mức tăng trưởng thu nhập lãi thuần (NII) 27% có với cùng kỳ nhờ tăng trưởng cho vay ổn định và NIM mở rộng 20 điểm cơ bản lên 4,2% (so với 2020). Sắp tới, để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, NHNN có thể thúc đẩy tăng trưởng tín dụng từ quý IV/2021. Do đó, NHNN có thể sẽ nới hạn mức tín dụng (tương tự như năm 2020 khi NHNN cũng tăng hạn mức tín dụng hai lần). Dự báo tín dụng toàn ngành sẽ tăng trưởng 12,5% vào năm 2021 và 14% vào năm 2022. Các ngân hàng có hệ số an toàn vốn (CAR) và nền tảng khách hàng tốt như Techcombank, MB, VPB ... sẽ có thể được nhận hạn mức tín dụng cao hơn.

Hầu hết các ngân hàng đang trên đà hoàn thành các mục tiêu 2021. Lũy kế 9 tháng đầu năm, các ngân hàng đã hoàn thành bình quân 77% kế hoạch lợi nhuận cả năm 2021. Riêng Techcombank, MB, ACB, MSB, SHB, LPB và SeABank đã hoàn thành 85-105% mục tiêu đề ra. Một số ngân hàng niêm yết vẫn còn dư địa để hoàn thành và vượt mục tiêu đề ra. Các ngân hàng có khả năng tăng trưởng tốt hơn kỳ vọng bao gồm Techcombank, BIDVHDB.

Nhóm chuyên gia phân tích của Maybank KimEng cho rằng 17 ngân hàng niêm yết có thể đạt mức tăng trưởng lợi nhuận 10% trong quý IV/2021, tương đương 44 nghìn tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (bằng mức trung bình của ba quý đầu năm) nhờ tăng trưởng tín dụng và thu nhập từ phí mạnh hơn. Do đó, ngành Ngân hàng sẽ kết thúc năm 2021 với mức tăng trưởng lợi nhuận 33% so với cùng kỳ.

Bùi Trang

Theo Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ