Các nhà hoạch định chính sách khắp thế giới đều khẳng định theo đuổi chính sách độc lập với FED và dựa trên các điều kiện kinh tế trong nước, song những điều kiện đó đang bị cản trở bởi khả năng lãi suất của Mỹ sẽ duy trì ở mức cao lâu hơn do dữ liệu lạm phát nóng hơn dự kiến.
Trong tháng 3/2024, CPI của Mỹ tăng 0,4% so tháng trước đó, đứng ở mức 3,5%. Cả hai mức này đều cao hơn so với dự báo của các chuyên gia lần lượt là 0,3% và 3,4%. Loại trừ thực phẩm và năng lượng, CPI lõi cũng tăng 0,4% so với tháng trước và tăng 3,8% so với cùng kỳ. Lạm phát được cho là sẽ dai dẳng hơn nhiều so với dự đoán trong vài tháng tới khi nền kinh tế và thị trường lao động mạnh mẽ.
Diễn biến lạm phát góp phần khiến đồng USD tăng phi mã thời gian gần đây, gây áp lực lên các đồng tiền khác và làm tăng triển vọng can thiệp tiền tệ ở châu Á. Đồng thời, điều này cũng buộc các ngân hàng trung ương khu vực Mỹ La-tinh phải điều chỉnh kế hoạch cắt giảm lãi suất của họ, thậm chí khiến các quan chức ở các nền kinh tế phát triển băn khoăn liệu có xuất hiện những rào cản mới đối với kế hoạch nới lỏng chính sách của họ hay không.
Fernando Haddad, Bộ trưởng Tài chính Brazil cho biết trong cuộc họp báo ở Washington hôm 18/4 bên lề Hội nghị mùa xuân của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB): “Khi nỗi sợ hãi tháng 3 (dữ liệu lạm phát của Mỹ) xuất hiện, đã có sự đảo ngược mạnh mẽ về kỳ vọng và điều này đã thay đổi đáng kể cách thức các biến số kinh tế vận hành trên toàn thế giới… Mọi vấn đề khác cũng phụ thuộc phần nào vào điều này".
Mức tăng 4,75% của đồng USD so với rổ tiền tệ từ đầu năm đến nay đang khiến nhiều khu vực trên thế giới "đau đầu", nhưng mức tăng 9,6% so với đồng Yên của Nhật Bản và 6,5% so với đồng Won của Hàn Quốc đã đặc biệt gây rắc rối cho hai đối tác thương mại quan trọng này của Mỹ. Những biến động trên khiến các quan chức Nhật Bản và Hàn Quốc trong tuần này phải hội ý khẩn cấp với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen với hy vọng ngăn chặn tình trạng trượt dốc của đồng nội tệ và bác bỏ khả năng can thiệp nếu cần.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) Kazuo Ueda cho biết, cơ quan này có thể sẽ tăng lãi suất một lần nữa nếu đồng Yên tiếp tục sụt giảm đáng kể, đẩy lạm phát lên cao. Ông Kazuo Ueda cũng nhấn mạnh thêm những tác động của diễn biến trên thị trường tiền tệ có thể gây ra đối với thời điểm thay đổi chính sách tiếp theo.
Thierry Wizman, chiến lược gia tỷ giá và ngoại hối toàn cầu tại Macquarie đánh giá, các nhà hoạch định chính sách bên ngoài nước Mỹ đang cố gắng giải quyết sự yếu kém gần đây về tiền tệ (ở cả thị trường phát triển và thị trường mới nổi) theo một trong hai cách: đề xuất khả năng can thiệp thị trường ngoại hối hoặc đẩy các phát ngôn của ngân hàng trung ương theo hướng “diều hâu” hơn và lưu ý thêm: “Nhật Bản đang thử cả hai”.
Khoảng hai tuần trước, các ngân hàng trung ương, các bộ tài chính và thị trường vốn toàn cầu đã nhất trí rằng, FED - ngân hàng trung ương hoạch định chính sách quan trọng nhất thế giới - sẽ dẫn đường cho tất cả họ đi theo lộ trình nới lỏng chính sách bắt đầu từ tháng 6. Đó là một "cú xoay trục" của FED được cả thế giới háo hức mong chờ, đặc biệt là ở các nền kinh tế nhỏ, nợ nần chồng chất với khả năng hạn chế trong việc kiểm soát chi phí vay hoặc ngăn chặn những biến động đột ngột về tiền tệ.
Tuy nhiên, kể từ đó đến nay, một loạt dữ liệu kinh tế của Mỹ không hỗ trợ cho kỳ vọng đó liên tiếp xuất hiện. Các quan chức FED, những người mới bốn tuần trước, đã đưa ra tín hiệu về ba lần cắt giảm lãi suất, mỗi lần 25 điểm cơ bản trong năm nay, bắt đầu thay đổi quan điểm.
John Williams, Chủ tịch FED chi nhánh New York cho biết tại một sự kiện bên lề Hội nghị mùa xuân nói: “Chắc chắn, tôi không cảm thấy việc cắt giảm lãi suất là cấp thiết. Cuối cùng, lãi suất sẽ cần hạ xuống mức thấp hơn vào một thời điểm nào đó, nhưng thời điểm đó do nền kinh tế thúc đẩy”.
John Williams, người đang giữ vị trí Phó Chủ tịch Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) – cơ quan ấn định lãi suất chính sách, chỉ là quan chức mới nhất trong nhiều quan chức khác của FED thay đổi thái độ về chính sách lãi suất sau khi dữ liệu cho thấy nền kinh tế Mỹ vững vàng, còn lạm phát quay đầu tăng trong quý đầu tiên.
Trong khi đó, các quan chức IMF kêu gọi các ngân hàng trung ương châu Á kiên trì với kế hoạch của riêng mình và tránh bị ảnh hưởng quá nhiều bởi các động thái của FED.
Krishna Srinivasan, Vụ trưởng Vụ châu Á và Thái Bình Dương của IMF, trong cuộc họp báo về triển vọng khu vực mới đây cho biết: “Nếu các ngân hàng trung ương bám theo FED quá chặt chẽ, họ có thể làm suy yếu sự ổn định giá cả ở chính tại nước sở tại”.
Ngân hàng Trung ương châu Âu “có vẻ” quyết tâm thực hiện khuyến nghị này và vẫn tiếp tục thực hiện kế hoạch cắt giảm lãi suất đầu tiên vào tháng 6, bất chấp sự trì hoãn của FED.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Bồ Đào Nha Mario Centeno nói với Reuters: “Chúng ta cần điều hành chính sách tiền tệ theo dữ liệu của khu vực đồng Euro. Nếu dữ liệu cho thấy cần cắt giảm lãi suất trước Mỹ thì hãy làm như vậy”.
Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Pakistan Muhammad Aurangzeb tỏ ra lạc quan: “FED cần đưa ra quyết định dựa trên những gì họ thấy qua quỹ đạo lạm phát ở Mỹ, còn nhìn chung trên toàn thế giới, hầu hết các ngân hàng trung ương đang tìm cách bắt đầu cắt giảm lãi suất… Có thể có một số áp lực ngắn hạn nhưng liệu đó là có phải mối lo ngại lớn trong trung hạn không? Tôi cho rằng là không”.
Quỳnh Lê