Thị trường trái phiếu toàn cầu hồi phục nhanh chóng từ đầu năm 2023, sau khi chứng kiến đợt bán tháo lịch sử vào năm ngoái. Sự phục hồi này đến từ việc thị trường đặt cược rằng, tốc độ tăng lãi suất các ngân hàng trung ương sẽ chậm lại và thậm chí còn có khả năng Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ cắt giảm lãi suất. Song, kỳ vọng này hiện đã vấp phải nhiều sự nghi ngờ từ chính các nhà đầu tư.
Monica Erickson, người đứng đầu bộ phận tín dụng đầu tư tại DoubleLine Capital, nhận định: “Tôi cho rằng, thị trường đơn giản là đang dần nhận thức được môi trường vĩ mô thực tế trái ngược với những gì họ kỳ vọng. Một lần nữa, tình hình lại trở nên cực kỳ khó khăn đối với FED khi họ phải đưa lạm phát xuống dưới mức 2% mà không đẩy nền kinh tế vào suy thoái”.
Maureen O'Connor, người đứng đầu bộ phận trái phiếu cấp đầu tư cao cấp tại Wells Fargo, cho biết, thị trường tín dụng đã lạc quan rằng sẽ không có suy thoái, nhưng đó không phải là điều mà hầu hết các nhà kinh tế đang dự báo.
Dự báo chính sách lãi suất của FED, ECB và BoE |
Chỉ số Bloomberg theo dõi trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp toàn cầu ghi nhận tăng 3,3% từ đầu năm đến này, mức tăng mạnh nhất trong tháng 1 kể từ khi thành lập vào năm 1999. Theo dữ liệu của EPFR, dòng vốn vào trái phiếu doanh nghiệp của Mỹ và Tây Âu trong tháng 1 đạt tổng trị giá 19,3 tỷ USD tính tới ngày 26/1, là tháng 1 tốt nhất từng được ghi nhận.
FED, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đều sẽ tổ chức các cuộc họp chính sách trong tuần này. Giới quan sát dự báo, FED sẽ giảm tốc độ tăng lãi suất xuống còn 0,25 điểm phần trăm, nâng lãi suất lên mức cao nhất kể từ tháng 9/2007, thời điểm bắt đầu cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. BoE và ECB được cho là sẽ nâng lãi suất thêm nửa điểm phần trăm lên mức cao nhất kể từ mùa thu năm 2008 khi Lehman Brothers đệ đơn phá sản.
Trong khi đó, ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy áp lực giá cơ bản đang ngày một dai dẳng trên phạm vi toàn cầu. Khoảng cách giữa kỳ vọng của nhà đầu tư và dữ liệu kinh tế đang ngày càng lớn.
Các dữ liệu cho thấy giới đầu tư hiện kỳ vọng lạm phát cuối cùng sẽ giảm xuống gần với mục tiêu 2% của FED và ECB. Nhưng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 vẫn ở mức 6,5% ở Mỹ và 9,2% ở khu vực đồng euro. Lạm phát cơ bản, loại bỏ chi phí năng lượng và lương thực, vẫn ở mức cao.
Các cuộc khảo sát cũng cho thấy, người tiêu dùng và doanh nghiệp ở hầu hết các nền kinh tế tiên tiến đều cho rằng lạm phát sẽ vẫn cao hơn mục tiêu của ngân hàng trung ương trong trung hạn bất chấp những dấu hiệu suy giảm gần đây.
Theo Nathan Sheets, chuyên gia kinh tế trưởng tại Citigroup, kỳ vọng lạm phát có thể là một lời tiên tri tự ứng nghiệm, vì kỳ vọng cao hơn sẽ kích hoạt các điều kiện để lạm phát tăng. Mối quan tâm của các ngân hàng trung ương là “đảm bảo rằng lạm phát kỳ vọng không tăng vọt từ mức hiện tại”.
Kỳ vọng của các thị trường về lạm phát trung bình cho 5 năm tới |
Jennifer McKeown, chuyên gia kinh tế trưởng tại Capital Economics, cho biết, trên hầu hết các phương pháp đo lường, kỳ vọng lạm phát vẫn cao hơn nhiều so với mức trước đại dịch và trên mức mục tiêu 2% của các ngân hàng trung ương lớn.
Trong bối cảnh đó, nếu các ngân hàng trung ương quyết định giữ lãi suất cao trong một thời gian dài hoặc tăng lãi suất nhiều hơn mức kỳ vọng của các nhà đầu tư để kiềm chế lạm phát thì đà phục hồi của thị trường trái phiếu có thể bị phá vỡ.
“Thị trường trái phiếu cấp đầu tư đang đặt cược khá cao vào sự hoàn hảo. Tôi lo lắng rằng, các sự kiện thiên nga đen hoặc các sự kiện xúc tác khác có thể tác động sâu rộng hơn từ điểm này”, chiến lược gia Maureen O'Connor cho biết.
Tuy nhiên, những mối lo ngại trên đã không ngăn được làn sóng tiền đổ vào thị trường trái phiếu.
Rick Rieder, giám đốc đầu tư thu nhập cố định tại BlackRock cho biết: “Đang có một dòng tiền lớn chạy theo lợi suất. Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế đang chậm lại, thị trường cổ phiếu không mấy hấp dẫn, một mức lợi suất hấp dẫn là điều khiến nhiều người bị thu hút”.
Quỳnh Dương -