Các nhà lãnh đạo trẻ ASEAN khát vọng xây dựng một cộng đồng kết nối và sáng tạo hơn

24/11/2024 - 17:15
(Bankviet.com) Bốn mươi tư nhà lãnh đạo trẻ Đông Nam Á đã cùng nhau gặp gỡ tại Chương trình Thanh niên Bằng hữu ASEAN (ASEAN Youth Fellowship - AYF) lần thứ sáu diễn ra từ ngày 3 đến 10/11/2024.

Bên cạnh 10 quốc gia thành viên ASEAN, chương trình năm nay lần đầu tiên chào đón sự tham dự của các đại diện đến từ Timor-Leste.

chuong-trinh-thanh-nien-bang-huu-asean-khoi-dong-cung-bua-tiec-chao-mung-tai-khach-san-parkroyal-on-beach-road-o-singapore.jpg

Đây là chương trình diễn ra hàng năm do Quỹ Quốc tế Singapore (SIF) và Hội đồng Thanh niên Quốc gia Singapore (NYC) đồng tổ chức. AYF được thực hiện nhằm kết nối và phát triển các nhà lãnh đạo trẻ với trọng tâm là hợp tác trong lĩnh vực Công, Tư và Con người.

Chương trình năm nay mời các nhà lãnh đạo trẻ đến thăm Singapore và các thành phố Viêng Chăn, Luang Prabang tại Lào. Tại đây, các bạn trẻ ưu tú đã thảo luận với các nhà tư tưởng hàng đầu từ nhiều lĩnh vực khác nhau về các chủ đề nổi bật trong khu vực như chuyển đổi số, tạo môi trường bình đẳng cho mọi người và phát triển bền vững, đồng thời chia sẻ các góc nhìn về các giải pháp nhằm đối phó với những thách thức chung.

Các nhà lãnh đạo trẻ cũng có cơ hội giao lưu với ông Chan Chun Sing, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Singapore tại Singapore và Ngài Thongly Sisoulith, Phó Tổng thư ký Liên đoàn Thanh niên Lào tại Viêng Chăn. Cả hai nhà lãnh đạo đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc củng cố kết nối, tinh thần kiên cường và hợp tác khu vực tại ASEAN.

Tại Singapore và Lào, các nhà lãnh đạo trẻ có cơ hội được tiếp xúc với những góc nhìn mới mẻ thông qua các chuyến thăm quan tại các tổ chức đi đầu về đổi mới và thích ứng cho tương lai. Tại Singapore, các nhà lãnh đạo trẻ đã đến thăm Trang trại Điện Mặt trời Nổi Tengeh của Sembcorp, hệ thống quang điện nổi trên mặt nước đầu tiên của Singapore. Các đại biểu cũng được quan sát phương pháp ứng dụng công nghệ của Cục Xuất nhập cảnh Singapore (ICA) trong quản lý Trạm Kiểm soát Woodlands. Đây là một trong những điểm biên giới bận rộn nhất thế giới với trung bình 400.000 lượt khách mỗi ngày.

cac-nha-lanh-dao-tre-tim-hieu-ve-cac-du-an-ve-cac-linh-vuc-dien-tu-internet-van-vat-nong-nghiep-thong-minh-va-nghe-thuat-tai-makerbox-lao.jpg
Các nhà lãnh đạo trẻ tìm hiểu về các dự án trong lĩnh vực điện tử, Internet vạn vật, nông nghiệp thông minh và nghệ thuật tại Makerbox Lao

Tại Viêng Chăn, các nhà lãnh đạo trẻ đã đến thăm Makerbox Lao - không gian làm việc cộng đồng cung cấp các thiết bị hiện đại với công nghệ chế tạo kỹ thuật số cho các dự án khoa học, công nghệ, kỹ thuật, nghệ thuật và toán học (STEAM). Các nhà sáng lập Makerbox Lao đã chia sẻ về đóng góp của không gian sáng tạo này trong việc thúc đẩy tinh thần đổi mới sáng tạo trong cộng đồng. Sáng kiến này nhằm hưởng ứng lời kêu gọi của Lào với vai trò Chủ tịch ASEAN 2024 về việc tăng cường hợp tác xuyên biên giới để xây dựng một ASEAN kết nối và sáng tạo hơn.

Các nhà lãnh đạo trẻ cũng có cơ hội trải nghiệm văn hóa địa phương qua chuyến thăm Luang Prabang, một Di sản Thế giới UNESCO của Lào. Họ đã tự tay chế tác những sản phẩm thủ công tại Ock Pop Tok, tổ chức về bảo tồn các sản phẩm dệt và thủ công truyền thống của Lào.

cac-nha-lanh-dao-tre-tu-tay-sang-tao-cac-mon-do-thu-cong-nhuom-buoc-tai-ock-pop-tok.jpg
Tự tay chế tác những sản phẩm thủ công tại Ock Pop Tok, tổ chức về bảo tồn các sản phẩm dệt và thủ công truyền thống của Lào

Ông Israruddin, một nhà lãnh đạo trẻ đến từ Indonesia, cho biết: “Việc tăng cường kết nối trong khối ASEAN có thể củng cố tinh thần kiên cường bằng cách thúc đẩy chia sẻ tri thức, nguồn lực và các bài học thực tiễn hiệu quả nhất xuyên biên giới. Ví dụ, các hệ thống ứng phó thảm họa và các sáng kiến y tế hợp tác có thể nâng cao sức chống chịu, giúp các quốc gia hỗ trợ lẫn nhau trong những thời điểm khủng hoảng. Bằng cách tăng cường kết nối, ASEAN có thể tạo điều kiện cho các cộng đồng địa phương hưởng lợi từ một mạng lưới rộng lớn, giảm thiểu những điểm yếu và nâng cao năng lực để đối mặt với các thách thức trong tương lai với sức mạnh tập thể.”

Nhằm khuyến khích các nhà lãnh đạo trẻ duy trì hợp tác sau chương trình và tạo sức ảnh hưởng lớn hơn trong khu vực, Quỹ Tác động AYF đã ra mắt với mục tiêu hỗ trợ các sáng kiến cộng đồng nhằm thúc đẩy phát triển năng lực thế hệ trẻ, xây dựng cộng đồng và các mục tiêu liên quan khác. Quỹ hỗ trợ 5.000 đô la Singapore cho mỗi sáng kiến của từng nhà lãnh đạo, hoặc có thể lên đến 20.000 đô la Singapore cho mỗi dự án hợp tác giữa các nhà lãnh đạo.

Một trong số các dự án hợp tác phải kể đến là Cổng Thông tin Thúc đẩy Năng lực Phụ nữ ASEAN. Các nhà lãnh đạo trẻ đến từ Singapore, Myanmar, Việt Nam và Philippines đã tạo ra nền tảng này để phụ nữ trong khu vực ASEAN trao đổi ý tưởng, kinh nghiệm và học hỏi lẫn nhau về những vấn đề đặc trưng tại khu vực.

Ông David Chua, Giám đốc Điều hành Hội đồng Thanh niên Quốc gia Singapore, chia sẻ: “AYF là một chương trình lãnh đạo thanh niên quan trọng nhằm kết nối các nhà lãnh đạo trẻ tiềm năng từ nhiều lĩnh vực trong khu vực. Thanh niên là lực lượng đóng vai trò nòng cốt trong tiến trình củng cố quan hệ hợp tác tại ASEAN và AYF sẽ là bệ phóng cho các sáng kiến tạo tác động trong khu vực, đồng thời mở ra cơ hội để thanh niên tiếp cận tri thức và mạng lưới giá trị, từ đó vượt qua các thách thức phức tạp mà ASEAN đang đối mặt.”

Bà Corinna Chan, Giám đốc Điều hành Quỹ Quốc tế Singapore, chia sẻ: “Trước các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, an ninh lương thực và y tế cộng đồng, thanh niên có thể thúc đẩy các giải pháp sáng tạo thông qua góc nhìn mới mẻ và cách tiếp cận táo bạo.

“Tôi vui mừng khi AYF tiếp tục là một nền tảng kết nối, hợp tác và đồng hành cùng các nhà lãnh đạo trẻ ASEAN trong tiến trình xây dựng một ASEAN sáng tạo và kết nối hơn”, bà Corinna Chan bày tỏ.

H.C

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ