Động lực giúp VN-Index hình thành uptrend
Tại tọa đàm "Thị trường chứng khoán: Xây nền - Tích luỹ - Bứt tốc" do Báo Đầu tư tổ chức mới đây, bà Phạm Huyền Trang - Giám đốc phân tích cổ phiếu thuộc Trung tâm phân tích và tư vấn đầu tư Chứng khoán SSI nhận định, mức tăng trưởng khả quan của VN-Index từ cuối năm 2023 đến nay đến từ việc niềm tin của nhà đầu tư đã được củng cố.
Bà Phạm Huyền Trang - Giám đốc phân tích SSI |
Theo quan điểm của bà Phạm Huyền Trang, trong năm ngoái, niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường chứng khoán bị ảnh hưởng do Fed tăng lãi suất, cùng với đó là việc thị trường trái phiếu và bất động sản gặp khó khăn... Trước bối cảnh đó, Chính phủ đã ra những chính sách rất kịp thời, đặc biệt là Ngân hàng Nhà nước (NHNN) liên tục hạ lãi suất điều hành giúp giảm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp. Nghiên cứu của Chứng khoán SSI cho thấy, đến cuối quý 3 năm ngoái, lợi nhuận hầu hết các nhóm ngành đã tạo đáy.
Bà Trang cho rằng, 2024 sẽ là năm phục hồi đầu tiên của doanh nghiệp, với tổng lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết dự kiến tăng khoảng 15-16% so với năm 2023. “Mức tăng này có thể chưa hấp dẫn với nhà đầu tư nhưng chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng đây mới chỉ là năm đầu tiên. Sự phục hồi sẽ kéo dài sang 2025,” vị chuyên gia nói.
Đồng quan điểm với bà Trang, ông Hồ Sỹ Hòa - Giám đốc nghiên cứu và tư vấn đầu tư, Công ty chứng khoán DNSE cũng dự phóng tổng lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết trong năm 2024 sẽ tăng trưởng khoảng 15-16%. Với mức định giá thị trường theo P/E khoảng hơn 14 lần, vị chuyên gia đưa ra kịch bản cơ sở rằng VN-Index sẽ dao động trong khoảng 1.200 - 1.300 điểm. Còn trong điều kiện được nâng hạng, VN-Index có thể vượt mốc 1.300 điểm.
Về các điều kiện hỗ trợ thị trường chứng khoán, ông Hoà nhận định chính sách tiền tệ sẽ khó đảo chiều trong năm nay, vì theo tính toán của DNSE, dù tăng lương, tăng giá điện và một số mặt hàng y tế nhưng lạm phát vẫn dưới mục tiêu của Chính phủ là 4,5%, giúp NHNN có triển vọng duy trì mức lãi suất thấp. Lãi suất huy động giảm, lãi suất điều hành đi ngang sẽ giúp hỗ trợ chi phí vốn của doanh nghiệp.
Ông Trần Hoàng Sơn - Giám đốc Chiến lược thị trường VPBankS |
Theo ông Trần Hoàng Sơn - Giám đốc Chiến lược thị trường của Công ty Chứng khoán VPBankS, VN-Index đang trong uptrend mới, đến từ hai động lực. Một là định hướng chính sách với động lực tăng trưởng 2 năm tới là câu chuyện nâng hạng thị trường. Hai là đà phục hồi của doanh nghiệp. Ông Sơn dự báo mốc điểm quan trọng mà chỉ số VN-Index có thể đạt được trong năm 2024 là 1.326-1.350 điểm.
Trong dài hạn, ông Sơn dự báo thị trường hoàn toàn có thể quay lại giai đoạn tăng mạnh như 2006-2007, 2016-2017, thậm chí có thể vượt mức đỉnh của năm 2022.
Nhóm ngành hứa hẹn dẫn sóng
Bà Phạm Huyền Trang đánh giá, sự phục hồi lợi nhuận doanh nghiệp sẽ phân hoá theo các nhóm ngành. Những nhóm ngành có mức nền thấp năm ngoái như bán lẻ, thép, chứng khoán, xuất khẩu... sẽ tăng trưởng mạnh. Ngược lại, có những nhóm ngành có độ trễ vì phải phụ thuộc vào tình hình vĩ mô như ngân hàng, bất động sản. Bà Trang cũng đánh giá cao nhóm bất động sản KCN với tình hình thu hút FDI khả quan của Việt Nam.
Về chiến lược đầu tư, lựa chọn đầu tư số 1 của ông Trần Hoàng Sơn là ngành ngân hàng, với đánh giá đây vừa là nhóm vốn hoá lớn vừa hút tỷ trọng giao dịch lớn. Trong giai đoạn dẫn sóng vừa qua, nhóm cổ phiếu này chiếm tỷ trọng thanh khoản khoảng 30%.
"Chứng khoán được nhà đầu tư yêu thích vì câu chuyện phục hồi lợi nhuận và nâng hạng. Ngoài ra là các nhóm xây dựng, vật liệu xây dựng, bất động sản khu công nghiệp...," ông Sơn cho biết.
Chuyên gia cũng lưu ý thêm nhóm những cổ phiếu lớn bị nhà đầu tư nước ngoài bán ròng thời gian qua như MWG, GAS, VNM, SAB... Năm 2024, với kỳ vọng Fed hạ lãi suất, có thể dòng vốn ngoại sẽ phân bổ lại vào các mã này.
Chuyên gia đến từ DNSE - ông Hồ Sỹ Hoà thì cho rằng, định giá nhóm bigcap (vốn hoá lớn) đang rẻ hơn nhóm midcap (vốn hoá vừa). Vì vậy, xu hướng đầu tư ông Hoà chọn là bigcap trước, từ đó tiếp tục chọn lọc các nhóm ngành cụ thể.
Theo ông Hoà, trong khi dư địa chính sách tiền tệ không còn nhiều vì lãi suất đã giảm mạnh thì dư địa cho chính sách tài khoá ngược lại, khi Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP là 6-6,5%. Vì vậy, ông Hoà lựa chọn các nhóm ngành được đẩy mạnh đầu tư, đặc biệt là đầu tư công - mũi nhọn để tăng trưởng GDP. Vị chuyên gia cũng đánh giá cao nhóm ngành chứng khoán, được hưởng lợi bởi môi trường lãi suất thấp và câu chuyện nâng hạng thị trường.
Lãi suất tiết kiệm "dò đáy", chứng khoán, bất động sản và vàng "lên ngôi"? Thời điểm hiện tại, lãi suất tiết kiệm vẫn chưa có dấu hiệu sẽ tăng trở lại, khiến nhiều nhà đầu tư băn khoăn chưa ... |
ABS Research công bố báo cáo chiến lược tháng 3/2024: "Đãi cát tìm vàng" Trong báo cáo chiến lược mới đây với chủ đề "Đãi cát tìm vàng", bộ phận phân tích của Công ty Chứng khoán An Bình ... |
Sau phiên giảm kỷ lục 7 tháng, nhà đầu tư nên quan sát kỹ lực cầu tại vùng hỗ trợ 1.230 điểm Thị trường chứng khoán "lao dốc" mạnh trong phiên giao dịch cuối tuần (8/3) khi VN-Index mất tới hơn 21 điểm với 408 mã giảm ... |
Linh Đan