Chiều 22/2, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về tổng kết Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, Kỳ họp bất thường lần thứ 5 mặc dù diễn ra trong 2,5 ngày vào thời điểm ngay sau Tết Dương lịch và sát Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 nhưng với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, khoa học, dân chủ, trách nhiệm và thống nhất, đồng thuận rất cao, Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra với những kết quả đạt được rất quan trọng; Quốc hội đã xem xét, thông qua 2 Luật, 2 Nghị quyết.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường |
Các nội dung được Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5 nhằm giải quyết kịp thời một số bất cập, hạn chế trong thực tiễn triển khai, có ý nghĩa rất quan trọng không chỉ đối với việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của năm 2024 mà còn có ý nghĩa căn cơ, chiến lược, lâu dài, qua đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cả nhiệm kỳ và thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Về một số kết quả chủ yếu của Kỳ họp liên quan đến dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường nêu rõ, đây là dự án Luật lớn, rất khó và phức tạp, có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt trong đời sống chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường của đất nước; có tác động sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp.
Việc Quốc hội thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) tại Kỳ họp này là thành quả của quá trình phối hợp chặt chẽ, chuẩn bị thận trọng, kỹ lưỡng, khoa học, từ sớm, từ xa, với nỗ lực và quyết tâm rất cao của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan; huy động mọi nguồn lực với tinh thần cầu thị, dân chủ; tranh thủ tối đa trí tuệ, đóng góp của các chuyên gia, các nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp, cử tri và Nhân dân cả nước.
Dự thảo Luật trình tại Kỳ họp được chuẩn bị chu đáo, thảo luận qua nhiều vòng, nhiều bước; Quốc hội đã dành tối đa thời gian để thảo luận, tranh luận kỹ lưỡng, đi đến cùng đối với các vấn đề còn có ý kiến khác nhau.
"Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo sát sao các cơ quan có liên quan nghiên cứu giải trình thuyết phục, tiếp thu đầy đủ ý kiến các vị đại biểu Quốc hội. Do đó, dự thảo Luật đã đạt được tỷ lệ tán thành cao khi Quốc hội biểu quyết thông qua" - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội khẳng định.
Luật Đất đai (sửa đổi) được ban hành đáp ứng yêu cầu hoàn thiện đồng bộ chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng đất, phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, để nguồn lực đất đai được quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, bền vững, hiệu quả; đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, công bằng và ổn định xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao...
Về Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Tổng Thư ký Quốc hội nêu, việc Quốc hội ban hành Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) góp phần thể chế hóa kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng trong lĩnh vực ngân hàng phù hợp với nguyên tắc thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đáp ứng yêu cầu cơ cấu lại hệ thống ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng, bảo đảm sự an toàn, lành mạnh, ổn định và bền vững.
Đồng thời, tăng cường tính công khai, minh bạch, phù hợp với các chuẩn mực và thông lệ quốc tế phổ biến; hoàn thiện cơ sở pháp lý về xử lý nợ xấu, tình trạng sở hữu chéo, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ số trong lĩnh vực ngân hàng và phát triển những sản phẩm, dịch vụ ngân hàng hiện đại có giá trị gia tăng cao; tăng cường năng lực tài chính, quản trị và chất lượng hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng; phân định rõ thẩm quyền, tăng cường trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước các cấp; nâng cao năng lực, chất lượng và hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của các tổ chức tín dụng...
Về Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, ông Bùi Văn Cường cho hay, việc Quốc hội ban hành Nghị quyết với 08 cơ chế đặc thù để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, giúp đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia đã được Quốc hội phê duyệt, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, sự mong đợi của cử tri và nhân dân cả nước.
Các quy định trong Nghị quyết nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn các chương trình mục tiêu quốc gia; đồng thời, quy định một số cơ chế đặc thù với các quy định, chính sách về tăng cường phân cấp, trao quyền, tạo điều kiện thuận lợi cho các bộ, ngành, địa phương trong quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025, đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện.
Về Nghị quyết về việc sử dụng dự phòng chung, dự phòng nguồn ngân sách trung ương của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 cho các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Dự thảo Nghị quyết được chuẩn bị kỹ lưỡng, chất lượng, số liệu cụ thể, chi tiết, rõ ràng, xác thực với tình hình thực tiễn, đảm bảo cung cấp đầy đủ thông tin để các vị đại biểu Quốc hội xem xét, quyết định.
Sau khi xem xét, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về các nội dung này để đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án, công trình trọng điểm, thúc đẩy phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, phù hợp với quy định của Luật Ngân sách nhà nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, bảo đảm an ninh, quốc phòng, chủ quyền biển đảo quốc gia, đáp ứng sự mong mỏi của cử tri, Nhân dân huyện đảo và cả nước.
Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường nhấn mạnh, chương trình kỳ họp được bố trí phù hợp, đúng quy trình, thủ tục, bảo đảm thời gian để hoàn thành toàn bộ các nội dung của kỳ họp. Công tác điều hành các phiên họp khoa học, linh hoạt, quyết liệt, hiệu quả, bảo đảm các đại biểu Quốc hội đăng ký đều được phát biểu thảo luận, tranh luận, phát huy được tinh thần trách nhiệm của các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho rằng, Kỳ họp bất thường diễn ra trong ba ngày, thời gian giữa hai đợt họp chỉ là một ngày, với khối lượng công việc lớn, việc đảm bảo chất lượng công việc là một thách thức và cũng là thành công lớn.
"Thành công của Kỳ họp bất thường lần này có dấu ấn lớn của sự chỉ đạo sát sao của các lãnh đạo Quốc hội, sự nhập cuộc tích cực của các Ủy ban của Quốc hội" - ông Hoàng Thanh Tùng nói.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, những thách thức từ thực tế đã đòi hỏi rất nhiều sự chủ động, linh hoạt trong phối hợp giữa các Ủy ban, các cơ quan khi phải tiến hành khối lượng công việc nhiều trong thời gian rất ngắn. Các Ủy ban buộc phải kịp thời tiến hành công tác, nhanh chóng trao đổi, nếu thực hiện cách thức triển khai công việc thông thường thì sẽ không thể đạt được tiến độ đề ra. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các Ủy ban tập trung làm thật tốt, rà soát, hoàn thiện thật kỹ các dự án luật.
Đồng tình với báo cáo đánh giá kết quả Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, trong 4 nội dung cụ thể của Kỳ họp, có 2 nội dung do Ủy ban Kinh tế chủ trì thẩm tra. Đây đều là những nội dung khó, phức tạp, nhưng nhờ có sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, đúng hướng của lãnh đạo Quốc hội, đặc biệt là Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Kinh tế có thể phối hợp với các cơ quan hữu quan, trong thời gian ngắn xử lý khối lượng công việc rất lớn.
Quỳnh Nga