Bộ Công Thương cảnh báo dấu hiệu lừa đảo khi giao dịch xuất nhập khẩu với đối tác tại UAE Ngăn chặn mua bán tài khoản thanh toán của học sinh, sinh viên để lừa đảo Ngân hàng cảnh báo hàng loạt chiêu trò lừa đảo mới |
Ngày 24/8, Trường Đại học Công Thương TP. Hồ Chí Minh (HUIT) phát cảnh báo về việc một số thí sinh nhận được tin nhắn thông báo nhập học có tên được viết theo tên viết tắt của trường là HUIT.
Tin nhắn này có nội dung là: “HUIT - Chúc mừng bạn đã trúng tuyển chính thức. Mời bạn đến HUIT nhập học từ ngày 18/8 đến 17h ngày 27/8/2024. Đồng thời, HUIT tặng ngay ưu đãi 3 triệu đồng dành cho 2.000 thí sinh nhập học sớm nhất”.
Thậm chí, đoạn tin nhắn gửi đến thí sinh còn đính kèm một đường link và 2 số điện thoại để thí sinh liên hệ. Đáng chú ý, sau đó, nhiều người thử tìm số điện thoại được ghi trong nội dung tin nhắn giả mạo thì xác định số điện thoại này là của Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP. Hồ Chí Minh.
Nội dung tin nhắn giả mạo Trường Đại học Công Thương TP. Hồ Chí Minh để lừa đảo |
Liên quan đến vấn đề này, TS. Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông, Trường Đại học Công Thương TP. Hồ Chí Minh khẳng định, đây là tin nhắn lừa đảo trúng tuyển. Năm 2024, thí sinh trúng tuyển vào trường chỉ thực hiện đóng lệ phí nhập học theo hướng dẫn tại trang web chính thức https://nhaphoc.huit.edu.vn từ ngày 20/8 đến 27/8.
Cùng ngày, Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP. Hồ Chí Minh (UEF) lên tiếng khẳng định, trường không gửi tin nhắn cho thí sinh với nội dung như hình ảnh trên và cho biết, đây là thông tin mang tính chất lừa đảo với dụng ý xấu.
Ngày 25/8, trao đổi báo giới, bà Trương Thị Ngọc Bích - Giám đốc Trung tâm Thông tin - Truyền thông Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP. Hồ Chí Minh, cho biết, nhà trường đã có công văn gửi Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao (Bộ Công an) đề nghị điều tra và xử lý người làm và lan truyền thông tin nhập học mang tính chất lừa đảo.
Bà Trương Thị Ngọc Bích giải thích: “Để có một thương hiệu dùng để nhắn tin không hề đơn giản, phải làm nhiều thủ tục để định danh, cho nên không có lý do gì mà UEF phải dùng tên HUIT để mời thí sinh vào nhập học ở UEF. Đây là điều hết sức vô lý. Những link xuất hiện trong tin nhắn nói trên cũng không phải của nhà trường”.
Đại diện của UEF cũng cho biết thêm, thực tế thì nhà trường cũng có gửi tin nhắn đến thí sinh đã trúng tuyển vào trường, với các nội dung tương tự như trong tin nhắn này, mà các link, Zalo, số điện thoại xuất hiện trong tin nhắn trường gửi là chính chủ, số đúng của UEF.
“Như vậy, khả năng là đã có người dùng tin nhắn của UEF rồi sử dụng phần mềm photoshop chỉnh sửa, đổi tên sang cho HUIT với một số mục đích xấu và tung lên mạng xã hội. Đây là hành vi lan truyền thông tin không đúng sự thật, không tích cực và làm ảnh hưởng đến uy tín của nhà trường” - bà Trương Thị Ngọc Bích khẳng định.
Đây phải là lần đầu các nhà trường đưa ra cảnh báo lừa đảo về nhập học và đóng học phí. Trước đó, vào ngày 22/8, Trường Đại học Sài Gòn cũng thông tin về việc một số thí sinh trúng tuyển nhận được tin nhắn yêu cầu đóng lệ phí nhập học năm 2024. Các em bị kẻ gian yêu cầu đóng 6.953.000 đồng vào số tài khoản ngân hàng theo hướng dẫn trong tin nhắn lừa đảo.
Trường Đại học Sài Gòn cũng khẳng định, hiện nay, nhà trường không chủ động gọi điện, gửi tin nhắn hay thư điện tử yêu cầu thí sinh phải đóng lệ phí nhập học năm 2024.
Phụ huynh, thí sinh trúng tuyển chỉ thực hiện việc đóng lệ phí nhập học theo hướng dẫn của nhà trường tại tài khoản cá nhân trên trang https://nhaphoc.sgu.edu.vn/ từ ngày 21/8 đến 27/8.
Thông báo của Trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh |
Vào ngày 21/8, Trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh cũng đăng thông tin cảnh báo giả mạo tài khoản ngân hàng của trường để yêu cầu tân sinh viên chuyển khoản phí nhập học.
Nhà trường nói rằng, trong giai đoạn tân sinh viên nhập học, nhiều đối tượng lừa đảo bằng cách nhắn tin, gọi điện thoại, gửi email... yêu cầu sinh viên chuyển khoản học phí vào một tài khoản mạo danh để hoàn tất thủ tục nhập học.
Hiện, Trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh không nhận thanh toán học phí bằng tiền mặt hoặc qua hình thức chuyển khoản, chỉ thu học phí qua các ứng dụng theo hướng dẫn chính thức hoặc đóng trực tiếp tại quầy ngân hàng Agribank, BIDV, Vietcombank hoặc Viettel trên toàn quốc.
Cũng trong ngày 21/8, Trường Đại học Hàng Hải Việt Nam đăng bài trên trang Facebook chính thức, thông tin một số đối tượng yêu cầu sinh viên chuyển khoản để đặt cọc ký túc xá hoặc sử dụng dịch vụ khác tại trường.
Nhà trưởng khẳng định, đây là hình thức lừa đảo trực tuyến, sinh viên tuyệt đối không được chuyển khoản cho bất kỳ tài khoản cá nhân nào qua mạng.
Từ trước khi công bố điểm chuẩn đại học năm 2024, Trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học TP. Hồ Chí Minh đã ra cảnh báo tin giả để phụ huynh và tân sinh viên cảnh giác.
Nhà trường cho biết, một số đối tượng không phải cán bộ, chuyên viên, sinh viên của trường tham gia nhóm tư vấn tuyển sinh với những mục đích cá nhân. Vì vậy, thí sinh cần lưu ý chỉ truy cập trang web chính thức của trường để tra cứu kết quả trúng tuyển và thực hiện thủ tục nhập học.
Trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học TP. Hồ Chí Minh cũng thông tin rằng một số cá nhân quảng cáo các khóa học tiếng Anh, tin học và công việc đa cấp thông qua việc tư vấn cho sinh viên nên các bạn học sinh cần cẩn trọng với những lời mời gọi này.
“Quý phụ huynh và các em học sinh không tham khảo các nguồn tin công bố không chính thống, tuyệt đối không nhấn vào các đường dẫn nằm ngoài các kênh, nhóm nhà trường liệt kê để tránh bị kẻ xấu lợi dung xâm nhập, đánh cắp tài khoản, thông tin cá nhân” - nhà trường nhắc nhở.