Cách nhà đầu tư kiểm tra sức "chịu đòn" của doanh nghiệp

15/04/2025 - 05:21
(Bankviet.com) Hệ số khả năng trả lãi không phải chỉ số phổ biến nhất trên các bản tin tài chính, nhưng lại là một trong những chỉ số thể hiện rõ nhất “sức khỏe thật” của doanh nghiệp.
Chiến lược - Kỹ năng

Cách nhà đầu tư kiểm tra sức "chịu đòn" của doanh nghiệp

Thu Hà 14/04/2025 08:41

Hệ số khả năng trả lãi không phải chỉ số phổ biến nhất trên các bản tin tài chính, nhưng lại là một trong những chỉ số thể hiện rõ nhất “sức khỏe thật” của doanh nghiệp.

Chỉ số tưởng nhỏ, nhưng sức nặng lớn

Trong thế giới đầu tư tài chính, các con số không chỉ là những dữ kiện khô khan – chúng là những tín hiệu về sức khỏe của doanh nghiệp.

doanh nghiệp
doanh nghiệp

Một trong những chỉ số được giới đầu tư đặc biệt quan tâm khi “soi” báo cáo tài chính là hệ số khả năng trả lãi (Interest Coverage Ratio). Bởi lẽ, doanh nghiệp có thể lãi ròng hay tăng trưởng doanh thu chưa chắc đã là tín hiệu tốt nếu họ phải “còng lưng” trả lãi vay trong mỗi kỳ báo cáo.

Hệ số khả năng trả lãi được tính bằng công thức:
EBIT / Chi phí lãi vay

Trong đó, EBIT là lợi nhuận trước lãi vay và thuế – phản ánh thu nhập cốt lõi từ hoạt động kinh doanh. Chi phí lãi vay là tổng số tiền lãi mà doanh nghiệp phải trả cho các khoản nợ tài chính.

Nói một cách dễ hiểu, chỉ số này cho biết doanh nghiệp kiếm được bao nhiêu đồng từ hoạt động kinh doanh để trả một đồng tiền lãi vay. Nếu hệ số này là 4, có nghĩa công ty tạo ra thu nhập gấp 4 lần số tiền họ cần để trả lãi. Đây là một con số có thể khiến nhà đầu tư yên tâm rằng công ty đủ năng lực tài chính để duy trì hoạt động mà không lo khủng hoảng thanh khoản.

Ngược lại, nếu hệ số này xuống gần mức 1 – tức là vừa đủ trả lãi – hoặc tệ hơn là thấp hơn 1, thì doanh nghiệp đang báo động đỏ. Tức là phần lợi nhuận không đủ bù lãi vay, và họ sẽ phải xoay sở từ những nguồn khác (vay tiếp, bán tài sản, thậm chí “cắt lương, bán hàng tồn”) để trả nợ.

Bao nhiêu là "đủ"? Con số không tuyệt đối

Không có một ngưỡng cố định nào áp dụng cho mọi ngành, mọi doanh nghiệp. Tuy nhiên, một số nguyên tắc chung vẫn được thị trường sử dụng để tham chiếu:

  • Hệ số trên 5: Rất mạnh, gần như không gặp khó khăn trong việc thanh toán lãi vay.
  • Từ 2 đến 5: Ổn định, tương đối an toàn.
  • Từ 1 đến dưới 2: Bắt đầu có dấu hiệu rủi ro, dễ tổn thương nếu lãi suất tăng.
  • Dưới 1: Doanh nghiệp đang “thua lỗ” tính theo dòng tiền trả lãi – có thể dẫn đến mất khả năng chi trả nếu kéo dài.

Tuy nhiên, cần nhớ rằng hệ số này không thể nhìn riêng lẻ. Một doanh nghiệp công nghệ ít vay nợ có thể có hệ số cao ngất, nhưng doanh nghiệp bất động sản – vốn quen thuộc với đòn bẩy tài chính – thì hệ số 2–3 đã là khá ổn. Việc so sánh chỉ nên thực hiện trong cùng ngành hoặc giữa các doanh nghiệp có mô hình kinh doanh tương đồng.

Đằng sau những con số: Điều gì nhà đầu tư cần hiểu?

Nhiều nhà đầu tư mới thường tập trung vào doanh thu, lợi nhuận sau thuế hoặc EPS. Nhưng nếu bỏ qua hệ số khả năng trả lãi, họ sẽ khó nhận biết được liệu doanh nghiệp đó có đang “sống khỏe” hay đang “sống mòn” vì nợ.

Một công ty có thể đang báo lãi nhờ các khoản thu nhập tài chính hoặc lợi nhuận bất thường từ bán tài sản. Tuy nhiên, dòng tiền hoạt động kinh doanh lại yếu, trong khi lãi vay ngày càng nặng. Đó là lý do nhà đầu tư nên nhìn vào EBIT – để biết doanh nghiệp kiếm được bao nhiêu từ cốt lõi kinh doanh, và hệ số khả năng trả lãi – để biết số tiền đó có “chịu nổi” lãi vay hay không.

Ví dụ thực tế:

Một doanh nghiệp bất động sản niêm yết có EBIT là 300 tỷ đồng, chi phí lãi vay là 150 tỷ. Hệ số khả năng trả lãi là 2 – tức doanh nghiệp vẫn còn dư dả để trả lãi. Tuy nhiên, nếu năm trước hệ số này là 4, thì rõ ràng tình hình đang xấu đi. Đây là dấu hiệu nhà đầu tư cần đặc biệt chú ý – vì chi phí tài chính tăng, hiệu quả kinh doanh giảm, hoặc cả hai.

Ngược lại, một công ty ngành điện, nhờ chính sách giá tốt và dòng tiền ổn định, có hệ số trả lãi đều trên 6 trong 5 năm liên tiếp – dù quy mô không lớn, nhưng là dấu hiệu đáng tin cậy với nhà đầu tư theo đuổi chiến lược dài hạn, đề cao sự bền vững.

Góc nhìn nhà đầu tư: Không chỉ là bài toán hiện tại

Hệ số khả năng trả lãi còn là một chiếc kính viễn vọng giúp dự đoán tương lai tài chính doanh nghiệp. Khi lãi suất thị trường biến động – như thời điểm lãi suất tăng cao năm 2022 – những doanh nghiệp có hệ số thấp thường bị ảnh hưởng nặng nề. Ngược lại, những đơn vị “phòng thủ tốt”, giữ hệ số ổn định hoặc cải thiện qua thời gian thường là nơi dòng vốn “trú ẩn” an toàn hơn.

Không chỉ vậy, đây còn là chỉ số được các ngân hàng, tổ chức tín dụng xem xét kỹ khi cho vay hoặc tái cấu trúc nợ. Với các nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp – vốn đã trải qua nhiều bài học lớn từ làn sóng vỡ nợ – thì hệ số khả năng trả lãi là chỉ báo không thể bỏ qua.

Thu Hà

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán