Cảm nhận của tôi về ngôi nhà thứ hai

19/04/2021 - 17:43
(Bankviet.com) - Cảm ơn ngôi nhà thứ hai của tôi - Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Đồng Tháp, tôi rất tự hào và hạnh phúc khi được là thành viên trong ngôi nhà này, nơi đây không chỉ là nơi tôi làm việc, tận tâm cống hiến mà còn là nơi sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ để tôi lớn lên từng ngày.

Bài dự thi Cuộc thi viết "Ngân hàng tôi yêu" của tác giả Nguyễn Thị Kim Cương, công tác tại Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Đồng Tháp.

Sau giờ làm việc ngày cuối tuần, tôi đón con trai rồi lượn quanh con đường “sen trên phố”- một con đường quen thuộc vào Công viên Văn Miếu của tỉnh Đồng Tháp, tình cờ tôi gặp lại cô bạn thời tiểu học, đã lâu rồi chúng tôi chưa có dịp gặp lại nhau, niềm vui mừng khôn siết, chúng tôi chọn quán nước ven đường để ngồi uống nước và hỏi thăm nhau về nhiều điều trong cuộc sống, trong công việc.

Vì hoàn cảnh nên bạn tôi nghỉ học sớm và làm nghề buôn bán nhỏ, sau khi biết tôi đang công tác tại Ngân hàng Nhà nước, bạn tôi hỏi: “Ngân hàng Nhà nước là Ngân hàng Nông nghiệp hay Ngân hàng Công Thương? Lãi suất gửi tiền, cho vay nghe nói thấp hơn các Ngân hàng khác, hình như có cho đổi tiền rách đúng không?”, vừa nói bạn vừa lấy trong túi xách đưa tôi tờ tiền 50.000 đồng rách. Ngồi bên cạnh là con trai tôi bốn tuổi, tay đang nhấn vào biểu tượng google trên điện thoại và miệng kêu to “các ngôi sao trên trời”, thì ra con đang muốn tìm hiểu về các ngôi sao trên bầu trời, mặc dù chưa biết viết chữ, nhưng con đã có thể tìm kiếm bằng giọng nói. Tôi kề vào tai con và nói khẽ: “tìm giúp mẹ Ngân hàng Nhà nước”, rất nhanh trang thông tin điện tử Ngân hàng Nhà nước đã hiện ra trên màn hình điện thoại. Tôi vào mục chức năng, nhiệm vụ và đưa điện thoại cho bạn tôi xem, sau đó tôi chia sẻ thêm một số hình ảnh có liên quan của chi nhánh để bạn hiểu hơn về hoạt động của cơ quan tôi. Cuối cùng bạn tôi đã có thể tự trả lời câu hỏi mà bạn ấy quan tâm: “À, Ngân hàng Nhà nước là ngân hàng quản lý nên không giống các ngân hàng khác, không nhận tiền gửi, không cho vay. Ngân hàng Nhà nước không phải là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cũng không phải là Ngân hàng Công Thương” và kèm thêm câu nói vui: “nhưng ngân hàng thì đều giống nhau là nơi có rất nhiều tiền, mà tiền của người ta chứ không phải của mình”.

Chợt chuông điện thoại của bạn reo lên, sau khi nghe điện thoại xong, bạn tôi lẩm bẩm: “giờ này ngân hàng đóng cửa hết rồi mà đứa em nó kêu chuyển gấp một triệu đồng, thôi để sáng mai chạy lại ngân hàng chuyển sau”. Tôi vội mở ứng dụng SHB Mobile đã cài trên điện thoại, yêu cầu bạn nhập các thông tin về số tài khoản, tên ngân hàng và họ tên người nhận, số tiền cần chuyển, thế là xong, màn hình đã hiển thị giao dịch thành công. Bạn tôi tròn xoe đôi mắt: “nhanh vậy, sao mà hay quá vậy, ngày mai nhất định phải lại ngân hàng để đăng ký dịch vụ này, điện thoại mình cũng xịn lắm mà chưa cài mấy chức năng này”. Đúng là với thời đại công nghệ 4.0 như hiện nay, muốn tìm hiểu bất cứ nội dung nào hoặc muốn mua hàng hoá, sử dụng các dịch vụ, bao gồm các dịch vụ ngân hàng, chúng ta chỉ cần có tiền trong tài khoản và một chiếc điện thoại thông minh thì mọi khoảng cách về địa lý, không gian, thời gian không còn là vấn đề.

Tiếp tục cuộc trò chuyện, bạn tôi hỏi thêm: “Nếu không nhận tiền gửi, cũng không cho vay, vậy công việc hàng ngày nhân viên ngân hàng sẽ làm gì?”. Để bạn dễ hình dung, tôi đi từ khái quát đến chi tiết một số công việc rất gần gũi, cơ quan quan tôi có 4 phòng với những nhiệm vụ rất riêng, gắn liền với tên gọi của mỗi phòng: Tổng hợp, Nhân sự và Kiểm soát nội bộ; Tiền tệ - Kho quỹ và Hành chính; Thanh tra, giám sát ngân hàng; Kế toán - Thanh toán. Một số nội dung công việc như: tuyên truyền, phổ biến và triển khai thực hiện các văn bản về tiền tệ, hoạt động ngân hàng, ngoại hối đến các tổ chức tín dụng, các tổ chức khác và người dân trên địa bàn; cung ứng tiền mặt và các dịch vụ thanh toán cho các tổ chức tín dụng, Kho bạc Nhà nước trên địa bàn; đầu mối phối hợp với công an địa phương, bộ đội biên phòng, cơ quan hải quan trong đấu tranh, phòng chống tiền giả; thanh tra, giám sát, xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ, hoạt động ngân hàng, ngoại hối; tiếp công dân, xử lý đơn thư, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh…

Nơi tôi làm việc, ngoài nhiệm vụ chuyên môn thì phong trào đoàn thể với nhiều hoạt động văn nghệ, thể thao sôi nổi, có ý nghĩa thiết thực, qua mỗi hoạt động giúp chúng tôi hiểu và gắn kết với nhau hơn, vừa là dịp để chúng tôi giao lưu, học hỏi từ các đơn vị khác. Có rất nhiều hoạt động được tổ chức trong năm nhân các ngày kỷ niệm: Hội thao các ngân hàng trên địa bàn nhân ngày thành lập Ngân hàng 6/5; thi nấu ăn, hát karaoke nhân ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, ngày Gia đình Việt Nam 28/6; giao lưu bóng chuyền, cầu lông nhân ngày thành lập Đoàn thanh niên 26/3, ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam 22/12; tổ chức khen thưởng, vui chơi cho các cháu thiếu nhi nhân ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6; thăm hỏi ba mẹ công chức nhân ngày Quốc tế người cao tuổi 1/10. Hàng năm, gần Tết Nguyên đán, tổ chức buổi họp mặt cán bộ hưu trí Ngân hàng Đồng Tháp, đó không chỉ là dịp để các cán bộ hưu trí gặp gỡ, thăm hỏi nhau, mà còn là dịp để thế hệ chúng tôi bày tỏ tình cảm, lòng biết ơn và thông tin đến thế hệ đi trước về tình hình hoạt động ngân hàng trên địa bàn trong năm qua, mang đậm truyền thống “uống nước nhớ nguồn”.

Như một dòng chảy liên hồi, tôi tiếp tục kể cho bạn tôi nghe về những ngày đầu đi làm, những kỷ niệm đầy ấn tượng qua các lần công tác. Còn nhớ năm 2011, năm đầu tiên đi làm, cũng là lần đầu tiên được tham gia đoàn công tác tại quỹ tín dụng nhân dân Tân Thuận Đông, được đi xác minh thực tế thành viên vay vốn của quỹ tín dụng. Mặc dù trời trưa nắng, nhưng con đường đến nhà thành viên luôn mát rượi bởi hai bên đường là những hàng cây xoài xanh mát và phải qua hai chuyến đò. Đến nhà thành viên, sau khi thăm hỏi về tình hình hiện tại, thành viên còn hào hứng kể về những năm đầu khi quỹ tín dụng mới thành lập năm 1995, vì là thành viên gắn bó lâu năm và nhiều lần tham dự đại hội thành viên quỹ tín dụng, nên không những biết hết nhân viên của quỹ tín dụng Tân Thuận Đông mà còn đọc vanh vách tên lãnh đạo, một số công chức của cơ quan tôi, đối với tôi như thế là “quá siêu”.

Năm 2019, tôi tham gia kiểm quỹ tiền mặt cuối ngày tại phòng giao dịch Hồng Ngự của một ngân hàng, cách xa cơ quan gần 60 km, xong các việc về đến cơ quan để trình báo cáo và gửi tài liệu cho người tổng hợp là hơn 22 giờ đêm, tôi lao nhanh về nhà với con trai hai tuổi, trong lòng thầm nghĩ chắc con đang khóc đòi mẹ lắm đây, nhưng rất may, về đến nhà con đã ngủ rất ngoan. Cứ thế, mỗi chuyến công tác đối với tôi đều có những kỷ niệm rất riêng, dù nắng hay mưa, bất kể ngày đêm, khi có “lệnh” là chúng tôi lên đường. Nhớ lại năm 2012, khi đó tôi tham gia đoàn công tác tại huyện Tân Hồng - đó là huyện bên giới, giáp ranh với nước bạn Campuchia, mùa hè nơi đây nắng “cháy da”, ban ngày tôi theo chân cán bộ ngân hàng để xác minh thực tế, ban đêm vì cách rất xa cơ quan 83 km, nên đoàn chúng tôi ngủ đêm ở đó. Do mới vào nghề nên chưa quen, cứ lạ chỗ là rất khó ngủ, buổi tối hôm sau tôi nóng sốt và phải uống thuốc mới có thể ngủ được.

10 năm trôi qua kể từ khi tôi vào làm việc nơi đây, bên cạnh những buổi chúc mừng, chào đón thêm nhiều đồng nghiệp mới, còn có những buổi lễ chia tay lãnh đạo, đồng nghiệp nghỉ hưu theo chế độ. Trong không khí ấm áp của buổi chia tay, người về hưu, cũng như lớp trẻ ở lại như chúng tôi đều cảm thấy bùi ngùi, lưu luyến và nhiều cảm xúc đan xen không thể tả hết bằng lời, những cái ôm siết chặt không muốn rời, những đôi mắt đỏ hoe vì xúc động và đó cũng là những giây phút mà tôi không thể nào quên.

Những kỷ niệm này chỉ là số ít trong vô số kỷ niệm mà tôi đã có trong 10 năm qua, cảm ơn ngôi nhà thứ hai của tôi - Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Đồng Tháp, tôi rất tự hào và hạnh phúc khi được là thành viên trong ngôi nhà này, nơi đây không chỉ là nơi tôi làm việc, tận tâm cống hiến mà còn là nơi sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ để tôi lớn lên từng ngày.

NGUYỄN THỊ KIM CƯƠNG

Theo Tạp Chí Thị Trường Tài Chính Tiền Tệ

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ