Cấm xe xăng mở ra “cuộc đua mới”, không chỉ Vingroup, loạt ông lớn như Viettel, FPT... âm thầm hưởng lợi

15/07/2025 - 15:36
(Bankviet.com) Lệnh cấm xe xăng tại Hà Nội không chỉ mở đường cho VinFast, mà còn giúp Viettel, FPT cùng loạt ông lớn khác hưởng lợi mạnh từ cuộc đua giao thông xanh.
Chuyển động

Cấm xe xăng mở ra “cuộc đua mới”, không chỉ Vingroup, loạt ông lớn như Viettel, FPT... âm thầm hưởng lợi

Hồng Giang 15/07/2025 07:39

Lệnh cấm xe xăng tại Hà Nội không chỉ mở đường cho VinFast, mà còn giúp Viettel, FPT cùng loạt ông lớn khác hưởng lợi mạnh từ cuộc đua giao thông xanh.

Theo ông Nguyễn Trọng Đình Tâm - Phó Giám đốc Khối Phân tích của Công ty Chứng khoán ASEAN (ASEANSC), chính sách yêu cầu triển khai các giải pháp để bảo vệ môi trường trong lĩnh vực giao thông đô thị sẽ tạo ra tác động tích cực đối với thị trường chứng khoán, đặc biệt là nhóm các doanh nghiệp niêm yết có hoạt động liên quan đến phương tiện giao thông xanh, năng lượng tái tạo và chuỗi giá trị hỗ trợ.

xe.jpg
Hà Nội hướng tới việc cấm xe xăng trong nội đô nhằm cam kết đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050

Xét từ góc độ đầu tư, có 3 nhóm doanh nghiệp niêm yết được đánh giá sẽ hưởng lợi trực tiếp từ chính sách này.

Nhóm đầu tiên là các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và phân phối xe điện. Trong số này, Vingroup (HOSE: VIC) nổi lên là cái tên hưởng lợi lớn nhất nhờ đơn vị thành viên VinFast. Các mẫu xe VF3, VF5 và VF6 của VinFast hiện đang dẫn đầu thị trường ô tô Việt Nam về sản lượng tiêu thụ trong 6 tháng đầu năm 2025, theo số liệu từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA).

Việc Hà Nội đẩy mạnh lộ trình cấm xe xăng trong nội đô sẽ làm gia tăng nhu cầu chuyển đổi phương tiện cá nhân, từ đó mở rộng dư địa tăng trưởng cho VinFast và cổ phiếu VIC.

Ngoài ra, Tasco (HNX: HUT) - nhà phân phối xe điện Geely (Trung Quốc), và TMT Motors (HOSE: TMT) - đơn vị sản xuất và phân phối xe điện Wuling (Trung Quốc), cũng có cơ hội gia tăng doanh thu khi nhu cầu xe điện tăng cao. Tuy nhiên, mức độ hưởng lợi của HUT và TMT được đánh giá hạn chế hơn do danh mục sản phẩm của hai doanh nghiệp này vẫn chủ yếu là ô tô sử dụng xăng dầu.

Nhóm thứ hai là các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất và vận hành phương tiện giao thông không sử dụng nhiên liệu hóa thạch. PV Power (HOSE: POW) là doanh nghiệp tiêu biểu trong nhóm này khi đã khánh thành trạm sạc xe điện đầu tiên vào cuối tháng 10/2024 và đặt mục tiêu phát triển 1.000 trạm sạc vào năm 2035. Việc mở rộng mạng lưới trạm sạc là yếu tố then chốt để thúc đẩy tiêu dùng xe điện, đặc biệt trong bối cảnh hạ tầng hỗ trợ còn hạn chế tại nhiều đô thị.

Một doanh nghiệp khác cũng được kỳ vọng hưởng lợi là Công trình Viettel (HOSE: CTR) - đơn vị thành viên của Tập đoàn Viettel. CTR đang đảm nhận vai trò nhà thầu xây dựng trạm sạc điện cho VinFast trong khuôn khổ thỏa thuận hợp tác toàn diện giữa Viettel và Vingroup. Theo đó, Viettel sẽ nghiên cứu và phát triển công nghệ, cung cấp các linh kiện điện tử, trạm sạc và giải pháp phần mềm cho hệ sinh thái xe điện của VinFast.

Tập đoàn FPT (HOSE: FPT) cũng là doanh nghiệp đáng chú ý trong nhóm này khi đã ký kết hợp tác chiến lược với Vingroup về thúc đẩy chuyển đổi xanh tại Việt Nam. Trong khuôn khổ hợp tác, VinFast sẽ ưu tiên sử dụng dịch vụ phần mềm ô tô, thiết bị và hạ tầng công nghệ thông tin do FPT cung cấp. Đây là tín hiệu tích cực cho triển vọng tăng trưởng mảng giải pháp công nghệ và chuyển đổi số của FPT trong bối cảnh ngành ô tô đang đẩy mạnh số hóa.

Ngược lại, Petrolimex (HOSE: PLX) - doanh nghiệp dẫn đầu thị trường phân phối xăng dầu – lại đối mặt với nhiều thách thức. Mặc dù PLX đã có những động thái chuyển mình bằng cách tích hợp dịch vụ trạm sạc tại hệ thống cửa hàng xăng dầu, song ông Tâm nhận định doanh nghiệp vẫn sẽ chịu tác động tiêu cực do xu hướng tiêu thụ xăng dầu sụt giảm theo lộ trình chuyển đổi phương tiện.

Nhóm thứ 3 được đánh giá hưởng lợi là các doanh nghiệp cung ứng và kinh doanh điện. Khi người dân chuyển đổi sang xe điện, nhu cầu tiêu thụ điện trong khu vực đô thị sẽ tăng trưởng mạnh. Trong khi đó, tốc độ phát triển nguồn cung điện lại không theo kịp nhu cầu, điều này có thể khiến giá điện tăng trong tương lai.

Từ đó, nhóm doanh nghiệp điện như PV Power (POW), EVNGENCO3 (UPCoM: PGV), Nhiệt điện Nhơn Trạch 2 (HOSE: NT2), Điện Gia Lai (HOSE: GEG) sẽ hưởng lợi khi giá điện hợp đồng và giá điện trên thị trường cạnh tranh có khả năng điều chỉnh tăng trong thời gian tới.

Tóm lại, lộ trình loại bỏ phương tiện chạy bằng nhiên liệu hóa thạch tại Hà Nội không chỉ là một biện pháp bảo vệ môi trường mà còn mở ra cơ hội lớn cho nhiều nhóm doanh nghiệp niêm yết. Các nhà đầu tư có thể xem xét nắm giữ hoặc gia tăng tỷ trọng cổ phiếu thuộc các doanh nghiệp sản xuất xe điện, năng lượng sạch, công nghệ hỗ trợ và phát triển hạ tầng trạm sạc nhằm đón đầu xu thế chuyển đổi giao thông xanh tại Việt Nam.

Ngày 12/7/2025, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chỉ thị số 20/CT-TTg, đưa ra nhiều nhiệm vụ cấp bách nhằm ngăn chặn, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, trong đó nhấn mạnh việc kiểm soát khí thải phương tiện giao thông tại các đô thị lớn, đặc biệt là Thủ đô Hà Nội.

Theo chỉ đạo mới, từ ngày 1/7/2026, Hà Nội sẽ cấm xe mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong Vành đai 1. Từ 1/1/2028, sẽ cấm hoàn toàn xe máy và hạn chế ô tô chạy xăng, dầu trong Vành đai 1 và 2. Đến năm 2030, chính sách mở rộng ra toàn khu vực Vành đai 3.

Đây là bước tiến cụ thể nhằm hiện thực hóa cam kết đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050 (Net Zero), đồng thời cải thiện chất lượng không khí, thu hút khách du lịch và thúc đẩy kinh tế xanh.

Hồng Giang

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán