Cần bổ sung chế tài xử lý hành vi đặt hàng ảo, “bom hàng” trên sàn thương mại điện tử

23/03/2024 - 23:54
(Bankviet.com) Các sàn thương mại điện tử xuất hiện ngày càng nhiều và mở rộng hoạt động chuyển phát bưu gửi đến tận người nhận thay vì phụ thuộc vào các doanh nghiệp bưu chính. Vì vậy, Luật Bưu chính sửa đổi cần bổ sung các quy định đối với hoạt động bưu chính phục vụ thương mại điện tử…

Những năm trở lại đây, nhằm bắt kịp với xu hướng mới, các doanh nghiệp bưu chính có bước đổi mới từ giao hàng truyền thống (thư, báo) sang phát triển dịch vụ hậu cần (chuyển phát và kho vận).

Vụ trưởng Vụ Bưu chính (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, hoạt động bưu chính tiếp tục có bước chuyển dịch mạnh mẽ với sự bùng nổ của thương mại điện tử góp phần thúc đẩy kinh tế số. Trong giai đoạn 2019-2023, thị trường bưu chính Việt Nam có sự tăng trưởng mạnh mẽ (từ 28.300 - 59.000 tỷ đồng), trong đó ước tính doanh thu dịch vụ gói, kiện thương mại điện tử đạt hơn 38.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 64%.

Cần bổ sung chế tài xử lý hành vi đặt hàng ảo, “bom hàng” trên sàn thương mại điện tử

Kiến nghị có biện pháp quản lý hoạt động bưu chính phục vụ thương mại điện tử

Về sản lượng, năm 2019, các doanh nghiệp bưu chính đã chuyển phát 715 triệu bưu gửi gồm thư và gói, kiện. Đến năm 2023, sản lượng toàn thị trường đạt gần 2,5 tỷ bưu gửi, trong đó, sản lượng gói, kiện thương mại điện tử là 1,84 tỷ đạt khoảng 75%.

Cùng với sự tăng trưởng nhanh chóng các sàn thương mại điện tử, từ năm 2020 trở lại đây đang có xu hướng các sàn thương mại điện tử xây dựng hệ sinh thái khép kín, bao gồm doanh nghiệp sàn thương mại điện tử, doanh nghiệp bưu chính để vận chuyển hàng hóa trên sàn, nền tảng thanh toán... Ngay sau khi thành lập và đi vào hoạt động, các doanh nghiệp bưu chính của các sàn thương mại điện tử đã tăng trưởng nhanh chóng, chỉ trong 2 - 3 năm đã thuộc top 10 doanh nghiệp bưu chính có thị phần sản lượng lớn nhất trên thị trường.

Tại hội nghị tổng kết thi hành Luật Bưu chính, ông Lê Quốc Anh- Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) cho biết, cùng với sự bùng nổ hoạt động thương mại điện tử, cơ cấu thị phần bưu chính chuyển phát đã có sự dịch chuyển mạnh mẽ với dung lượng thị trường bưu chính phục vụ thương mại điện tử chiếm đến 70% - 80% toàn bộ thị trường bưu chính chuyển phát. Đồng thời xuất hiện nhiều chuỗi giá trị liên quan như lưu kho, chuyển hoàn, thu hộ, chi hộ...

Mặt khác, các sàn thương mại điện tử xuất hiện ngày càng nhiều và mở rộng hoạt động chuyển phát bưu gửi đến tận người nhận thay vì phụ thuộc vào các doanh nghiệp bưu chính. Vì vậy, Luật Bưu chính sửa đổi cần bổ sung các quy định đối với hoạt động bưu chính phục vụ thương mại điện tử (bao gồm thương mại điện tử xuyên biên giới), hoạt động cung cấp dịch vụ bưu chính của các sàn thương mại điện tử.

Tương tự, ông Đinh Thanh Sơn- Phó Tổng giám đốc Tổng công ty CP Bưu chính Viettel đề nghị xem xét bổ sung điều kiện kinh doanh đối với doanh nghiệp bưu chính có hoạt động chuyển phát hàng hóa thương mại điện tử và thu hộ COD, tương tự như các điều kiện cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán, bao gồm: vốn điều lệ tối thiểu, biện pháp đảm bảo khả năng thanh toán, điều kiện về nhân sự, điều kiện về hạ tầng kỹ thuật để tạo khuôn khổ pháp lý, hạn chế trường hợp người sử dụng dịch vụ bưu chính bị chiếm dụng hoặc chiếm đoạt tiền COD.

Đại diện Công ty CP Bamboship thông tin, hiện tại có tình trạng người mua hàng và người bán hàng trục lợi bằng các phương thức như đặt hàng ảo, “bom hàng” dẫn đến tổn thất chi phí cho các doanh nghiệp vận chuyển. Trong khi đó, Luật Bưu chính 2010 chưa có chế tài đối với người sử dụng dịch vụ bưu chính trong những trường hợp này. Vì thế, đại diện Bamboship kiến nghị Bộ TT&TT nghiên cứu có thêm nội dung quy định về chế tài xử lý người dùng có hành vi đặt hàng ảo, “bom hàng”.

Theo báo cáo của Allied Market Research, trong năm 2022, tỷ lệ thanh toán COD (Cash On Delivery) tại Việt Nam chiếm tới hơn 80%, trong đó tỷ lệ trả hàng trung bình rơi vào khoảng 15% - 20%, điều này cho thấy người mua hàng lựa chọn phương thức COD chủ yếu vì lý do không tin tưởng vào sản phẩm được quảng cáo trên mạng và phải trực tiếp nhận hàng và kiểm tra thì mới an tâm trả tiền.

Cần bổ sung chế tài xử lý hành vi đặt hàng ảo, “bom hàng” trên sàn thương mại điện tử
Kiến nghị Bộ TT&TT nghiên cứu có thêm nội dung quy định về chế tài xử lý người dùng có hành vi đặt hàng ảo, “bom hàng”.

Trong giai đoạn vừa qua, việc sử dụng COD trong thương mại điện tử tại Việt Nam mang lại tiện lợi cho người tiêu dùng nhưng cũng tiềm ẩn nhiều hạn chế và thách thức cả cho người bán và dịch vụ giao hàng.

Trung tâm Tin học và Công nghệ số - Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho hay, thanh toán bằng COD cũng mang lại nhiều rủi ro. Cụ thể, về quản lý tiền mặt và rủi ro an ninh, việc thu tiền mặt tại điểm giao hàng đòi hỏi phải có một quy trình quản lý tiền mặt chặt chẽ, từ việc thu tiền đến việc chuyển tiền về công ty. Điều này không chỉ tăng chi phí vận hành mà còn tiềm ẩn rủi ro về an ninh tiền mặt và nguy cơ mất mát do gian lận hoặc cướp giật.

Về gian lận và hoàn hàng, COD cũng mở ra cánh cửa cho các hành vi gian lận, như việc đặt hàng giả mạo hoặc không thanh toán khi nhận hàng. Ngoài ra, tỷ lệ hoàn hàng thường cao hơn so với các phương thức thanh toán trực tuyến, gây tổn thất cho người bán và làm tăng chi phí logistics.

Bên cạnh đó, tốc độ giao dịch trong thanh toán bằng tiền mặt khi giao hàng thường kéo dài thời gian giao dịch, từ việc kiểm tra sản phẩm đến việc thu tiền, làm chậm quy trình giao hàng và ảnh hưởng đến trải nghiệm khách hàng. Do đó, Trung tâm này đang triển khai Hệ thống Giải quyết tranh chấp trực tuyến trong thương mại điện tử có tích hợp thanh toán đảm bảo (Escrow).

Ngày 30/5/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 654/QĐ-TTg phê duyệt “Chiến lược phát triển bưu chính đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030”, trong đó khẳng định quan điểm: Phát triển bưu chính thành một trong các hạ tầng quan trọng, thiết yếu của quốc gia. Hạ tầng bưu chính được sử dụng để cung ứng các sản phẩm, dịch vụ bưu chính và các sản phẩm, dịch vụ khác; tham gia phòng, chống thiên tai, dịch bệnh và các trường hợp khẩn cấp, trong đó lấy mạng bưu chính công cộng làm nòng cốt.

Đồng thời, Chiến lược phát triển bưu chính cũng xác định tầm nhìn đến năm 2030: Bưu chính trở thành hạ tầng thiết yếu của quốc gia và của nền kinh tế số, đặc biệt là của thương mại điện tử; mở rộng hệ sinh thái dịch vụ, mở rộng không gian hoạt động mới; thúc đẩy phát triển Chính phủ số, xã hội số.

Thương mại điện tử: Giải pháp ngăn chặn vi phạm, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng

Thương mại điện tử mang lại nhiều lợi ích đáng kể cho người tiêu dùng, doanh nghiệp từ sự tiện lợi, linh hoạt đến cơ ...

Cảnh giác thủ đoạn giả mạo sàn thương mại điện tử, siêu thị điện máy để trục lợi

Trong những năm qua, thương mại điện tử Việt Nam đang không ngừng phát triển mạnh mẽ, là kênh mua sắm trực tuyến hàng đầu ...

Triển khai mô hình gian hàng địa phương trên các sàn thương mại điện tử

Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương đang kết nối các đơn vị liên quan để triển khai mô ...

Đức Anh

Đức Anh

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán