Phát triển logistics xanh, chìa khoá tăng cạnh tranh cho doanh nghiệp vận tải Gia Lai tăng cường liên kết để dịch vụ logistics ‘cất cánh’ Doanh nghiệp logistics buộc phải xanh hóa để tồn tại |
Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng và chuỗi cung ứng toàn cầu không ngừng biến động, ngành dịch vụ logistics Việt Nam đang đứng trước cả thách thức và cơ hội lớn.
Để logistics không chỉ là mắt xích hỗ trợ, mà trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng thương mại và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, rất cần những định hướng chiến lược rõ ràng và kịp thời từ các cơ quan quản lý nhà nước.
Tại hội thảo “Cơ hội để logistics phát triển bền vững trong kỷ nguyên 4.0” diễn ra chiều 24/4, TS Bùi Bá Nghiêm, Chuyên viên cao cấp thuộc Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương đã làm rõ một số định hướng phát triển ngành dịch vụ logistics trong thời gian tới.
Động lực tăng trưởng và điều kiện tiên quyết cho vị thế kinh tế quốc gia
Theo TS Bùi Bá Nghiêm, ngành dịch vụ logistics Việt Nam đang đứng trước một bước ngoặt quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế và phát triển bền vững. Trong bối cảnh thương mại toàn cầu ngày càng mở rộng, logistics không chỉ là một mắt xích trong chuỗi cung ứng mà còn là động lực tăng trưởng và nhân tố cốt lõi thúc đẩy năng lực cạnh tranh quốc gia.
Với vai trò đầu mối điều phối và quản lý nhà nước, Bộ Công Thương đã chủ động triển khai hàng loạt giải pháp từ hoàn thiện chính sách pháp luật đến đầu tư hạ tầng, góp phần định hình nền tảng cho một hệ sinh thái logistics hiện đại, hiệu quả.
Nhìn từ góc độ thể chế, những nỗ lực xây dựng khung pháp lý đã mang lại bước tiến đáng kể. Các Nghị quyết của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội XIII, đã xác định logistics là ngành dịch vụ giá trị gia tăng cao cần được ưu tiên phát triển dựa trên khoa học công nghệ.
![]() |
TS Bùi Bá Nghiêm, Chuyên viên cao cấp thuộc Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Cấn Dũng |
Trên cơ sở đó, Chính phủ đã ban hành nhiều quyết định, nghị định và chỉ thị tạo hành lang pháp lý vững chắc, như Quyết định 200/QĐ-TTg, Nghị định 163/2017/NĐ-CP, hay gần đây là Nghị định 40/2025/NĐ-CP. Những văn bản này không chỉ khẳng định vai trò điều phối của Bộ Công Thương mà còn đặt nền móng cho việc giảm chi phí logistics, nâng cao kết nối hạ tầng và thúc đẩy năng lực cạnh tranh.
Song song với hoàn thiện chính sách, phát triển hạ tầng logistics được xem là nhân tố then chốt tạo đột phá. Hạ tầng đường bộ, với mạng lưới đường cao tốc được mở rộng nhanh chóng, đang giữ vai trò chủ lực trong vận tải nội địa và xuyên biên giới. Đường sắt, dù tiềm năng lớn nhưng vẫn chưa phát huy đầy đủ do hạn chế đầu tư và kết nối.
TS Bùi Bá Nghiêm cho rằng, đường thủy nội địa đang trỗi dậy mạnh mẽ ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ nhờ đầu tư cải tạo tuyến vận tải và cảng container. Hệ thống cảng biển ghi nhận bước tiến vượt bậc, đặc biệt ở các cảng cửa ngõ quốc tế, đưa Việt Nam vào bản đồ hàng hải toàn cầu.
“Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng hàng hóa qua cảng đang gây áp lực lớn về năng lực tiếp nhận. Về hàng không, mặc dù có 22 sân bay đang hoạt động, hạ tầng phục vụ logistics hàng không vẫn còn hạn chế, đặc biệt là trong xử lý hàng hóa chuyên dụng”, TS Bùi Bá Nghiêm nhận định.
Ở cấp độ doanh nghiệp, thị trường logistics hiện nay đang chứng kiến sự tham gia của hơn 5.000 công ty, chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước. Dù chiếm đa số, các doanh nghiệp nội địa chỉ nắm giữ khoảng 30% thị phần, phần lớn còn hạn chế về vốn, công nghệ và năng lực quản trị chuỗi.
![]() |
Đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: Cấn Dũng |
TS Bùi Bá Nghiêm nhấn mạnh, đã có những điểm sáng như Transimex, Gemadept hay Tân Cảng Sài Gòn - các doanh nghiệp có khả năng cạnh tranh quốc tế và từng bước vươn ra thị trường toàn cầu.
“Sự hiện diện của hơn 800 hội viên trong Hiệp hội VLA cho thấy xu hướng liên kết và nâng cao năng lực nội tại đang dần hình thành. Bộ Công Thương cũng đã tích cực tổ chức đào tạo, hội thảo nhằm hỗ trợ doanh nghiệp cải thiện chất lượng dịch vụ và phát triển thương hiệu”, TS Bùi Bá Nghiêm khẳng định.
Thị trường dịch vụ logistics đang trở thành động lực tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế. Với vai trò gắn kết sản xuất – phân phối – tiêu dùng trong chuỗi giá trị, logistics góp phần giảm chi phí xã hội, tăng tính linh hoạt cho doanh nghiệp và nâng cao hiệu quả thương mại.
Trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, việc phát triển một ngành logistics hiện đại, bền vững sẽ là điều kiện tiên quyết để nâng tầm vị thế kinh tế quốc gia trên trường quốc tế.
Định hình tương lai bằng tầm nhìn dài hạn và giải pháp đồng bộ
Ngành dịch vụ logistics Việt Nam trong thời gian qua đã có những bước phát triển đáng kể, song vẫn còn nhiều tiềm năng chưa được khai thác hết, trong khi các biến động kinh tế toàn cầu tiếp tục đặt ra không ít thách thức.
Trước yêu cầu nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững, việc định hình rõ chiến lược dài hạn cùng triển khai các giải pháp đồng bộ là nhiệm vụ cấp thiết. Những định hướng dưới đây phản ánh tầm nhìn chiến lược, đồng thời chỉ ra các giải pháp then chốt nhằm đưa ngành logistics Việt Nam lên một tầm cao mới trong tương lai.
Trước tiên, việc phát triển hệ thống hạ tầng logistics hiện đại và đồng bộ trên cả nước là yếu tố nền tảng. Đây không chỉ là vấn đề đầu tư mà còn là câu chuyện quy hoạch tổng thể, trong đó các phương thức vận tải cần được kết nối hiệu quả: từ cao tốc, đường sắt tốc độ cao, cảng biển nước sâu, đến hệ thống cảng cạn, trung tâm logistics tích hợp.
Mỗi lĩnh vực vận tải như đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải và hàng không đều cần được chú trọng đầu tư, từ cơ sở hạ tầng đến năng lực vận hành, để tạo thành mạng lưới logistics liên hoàn và hiệu quả.
Theo TS Bùi Bá Nghiêm, bên cạnh hạ tầng, năng lực của doanh nghiệp logistics là yếu tố quyết định khả năng cạnh tranh. Việc đầu tư vào công nghệ, chuyển đổi số, hình thành các chuỗi dịch vụ tích hợp, ứng dụng các giải pháp hiện đại như IoT, AI hay Big Data đang trở thành yêu cầu bắt buộc.
![]() |
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Cấn Dũng |
“Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ thiết thực, từ tín dụng, đào tạo đến xúc tiến thương mại để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp logistics Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, nâng cao năng lực và vươn ra thị trường khu vực”, TS Bùi Bá Nghiêm cho biết.
Phát triển logistics xanh và bền vững cũng đang trở thành một xu thế tất yếu trong bối cảnh toàn cầu chú trọng bảo vệ môi trường. Các doanh nghiệp cần hướng đến việc sử dụng phương tiện thân thiện với môi trường, tối ưu hóa vận tải, tiết kiệm năng lượng và giảm khí thải. Về phía Nhà nước, cần sớm có chính sách hỗ trợ cụ thể như ưu đãi thuế, hỗ trợ đầu tư xanh, và xây dựng hệ thống tiêu chuẩn về logistics bền vững.
Cùng với đó, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số cần được xem là động lực cốt lõi cho đổi mới và phát triển. Việc triển khai các hệ thống quản lý hiện đại, nền tảng số quốc gia về logistics, và cơ sở dữ liệu kết nối trong chuỗi cung ứng sẽ tạo nền tảng cho một hệ sinh thái logistics thông minh, minh bạch và hiệu quả.
Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, TS Bùi Bá Nghiêm cho rằng, tăng cường hợp tác quốc tế là chìa khóa mở rộng không gian phát triển.
“Việt Nam cần tích cực tham gia các diễn đàn, tổ chức logistics quốc tế, tận dụng hiệu quả các cam kết trong các FTA, đồng thời chủ động đàm phán, ký kết các thỏa thuận hợp tác mới để mở rộng mạng lưới và thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này”, TS Bùi Bá Nghiêm nhấn mạnh.
Ngành dịch vụ logistics Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để chuyển mình mạnh mẽ. Với định hướng chiến lược đúng đắn, sự đồng hành của Nhà nước, nỗ lực của doanh nghiệp và sự phối hợp hiệu quả của các bên liên quan, Việt Nam hoàn toàn có thể xây dựng một ngành logistics hiện đại, hội nhập và bền vững, đủ sức vươn lên trở thành trung tâm logistics năng động của khu vực và thế giới. |