Cần thiết sửa cơ chế tăng vốn cho Big 4 để phát huy vai trò “sếu đầu đàn”

13/11/2024 - 22:07
(Bankviet.com) Trong ngày làm việc đầu tuần này, Quốc hội tiếp tục thảo luận về chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Vietcombank. Hầu hết các đại biểu cũng như giới chuyên môn đều nhất trí bổ sung vốn nhà nước 20.695 tỷ đồng cho Vietcombank nhằm nâng cao năng lực tài chính, đảm bảo các chỉ số an toàn rủi ro cho ngân hàng này, nhất là trong bối cảnh Vietcombank vừa tham gia nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng yếu kém.

Trăn trở bài toán tăng vốn cho Big 4

TS. Võ Trí Thành - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia nhận định, tăng vốn giúp Vietcombank không chỉ tăng năng lực cạnh tranh trong nước mà cả trong khu vực, bởi đây là ngân hàng có tầm ảnh hưởng trong hệ thống. Bên cạnh đó, việc năng lực tài chính được cải thiện sẽ giúp Vietcombank có thêm nguồn lực để xử lý tồn đọng của ngân hàng 0 đồng vừa được chuyển giao cho ngân hàng này.

Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân đồng tình cho rằng, hiện nay Việt Nam vẫn chưa có đại diện nào lọt vào top 100 ngân hàng lớn nhất châu Á. Do đó, việc bổ sung vốn cho Vietcombank sẽ giúp Việt Nam phấn đấu đạt mục tiêu có ngân hàng lọt vào nhóm ngân hàng lớn nhất khu vực. Điều quan trọng nữa, hiện Vietcombank có hiệu quả kinh doanh rất tốt, chỉ số ROE, ROA đều rất cao so với mặt bằng chung hệ thống. Vì vậy, vốn nhà nước được bổ sung cho Vietcombank sẽ được sử dụng hiệu quả.

Không chỉ Vietcombank, 3 NHTM Nhà nước còn lại cũng đang kinh doanh tốt, sử dụng hiệu quả đồng vốn nhà nước, nhưng đều đang gặp nhiều khó khăn, trở ngại trong việc tăng vốn do cơ chế, quy trình thủ tục. Đề cập đến vấn đề này, đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An rất băn khoăn khi các NHTM Nhà nước đang có sự tụt hậu về tỷ lệ vốn, chỉ số an toàn vốn so với NHTMCP. Hiện Vietcombank, BIDV, VietinBank đang đứng nhóm thứ 2 về quy mô vốn so với TechcombankVPBank. “Tại sao các NHTMCP lại làm tốt trong việc tăng vốn, trong khi những NHTM Nhà nước lại khó khăn đối với việc này như vậy”, ông Trịnh Xuân An đặt vấn đề.

Nguyên nhân được nhận diện là do đặc thù hoạt động, quá trình tăng vốn của các ngân hàng này cần phải được các bộ, ngành liên quan, Chính phủ, Quốc hội phê duyệt. Theo trình tự trên, thời gian phê duyệt bị kéo dài.

Đại biểu Quốc hội Phạm Đức Ấn cũng là Chủ tịch HĐTV Agribank rất trăn trở đối với bài toán tăng vốn của Big 4. Ông chia sẻ, hiện 4 NHTM Nhà nước đang chiếm 44,5% tổng dư nợ toàn hệ thống, có vai trò dẫn dắt trong thực hiện chính sách tiền tệ và là công cụ để NHNN điều tiết thị trường tiền tệ. Theo quy định hiện hành, hệ số an toàn vốn (CAR) của các NHTM phải đạt từ 8% trở lên. Hệ số này được đo lường bởi công thức: Vốn tự có/tổng tài sản rủi ro (chủ yếu là dư nợ tín dụng). Điều này đồng nghĩa với việc muốn tăng tín dụng thì vốn tự có phải tăng tương ứng. Theo ông Ấn, mỗi ngân hàng trong nhóm Big 4 nếu muốn tăng trưởng 10%/năm thì phải tăng vốn mỗi năm trên 10.000 tỷ đồng.

1a13420241106095138.jpg
Quốc hội đang thảo luận việc tăng vốn cho Vietcombank

Sẽ nghiên cứu sửa đổi cơ chế chủ động tăng vốn cho Big 4

Theo quy định hiện hành, các NHTM Nhà nước nếu bổ sung vốn nhà nước từ 10.000 tỷ đồng trở lên sẽ phải trình Quốc hội thông qua. “Nếu 4 NHTM Nhà nước năm nào cũng phải xin ý kiến các bộ, ngành trình Chính phủ, rồi Chính phủ trình Quốc hội thông qua thì sẽ tốn rất nhiều thủ tục và mất nhiều thời gian của Quốc hội. Thay vì năm nào cũng phải xem xét phương án tăng vốn cho các ngân hàng thì nên xây dựng một cơ chế cho phép các NHNN được tăng vốn từ nguồn lợi nhuận giữ lại”, ông Phạm Đức Ấn đề xuất.

Đồng quan điểm, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường kiến nghị nên cân nhắc và xem xét lại quy định hiện nay đối với trường hợp ngân hàng nói riêng và doanh nghiệp nhà nước nói chung phải xin tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận tích luỹ. “Tiền của doanh nghiệp làm ăn có lãi thì họ quyết định tăng vốn dựa trên Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông. Tới đây, sửa Luật Đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp phải nghiên cứu sửa đổi quy định này”, đại biểu Hoàng Văn Cường đề xuất, cho rằng việc mỗi lần NHTM Nhà nước tăng vốn trên 10.000 tỷ đồng lại phải làm thủ tục như hiện nay thì quá rườm rà, gây lãng phí thời gian và nguồn lực.

Trong khi đó, những năm qua, 4 NHTM Nhà nước triển khai rất nhiều chương trình, sản phẩm theo chủ trương và chính sách của Chính phủ, NHNN cũng như nhiều chương trình tín dụng lãi suất ưu đãi khác. Thực tế hiện nay, mặt bằng lãi suất cho vay của các NHTM Nhà nước thấp hơn nhiều so với NHTMCP, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn với chi phí hợp lý. Do đó, nếu được tăng vốn kịp thời, các ngân hàng tiếp tục giữ vai trò chủ lực, chủ đạo cấp vốn cho nền kinh tế, nhất là phát huy vai trò “sếu đầu đàn” dẫn dắt hệ thống tài chính - ngân hàng của Việt Nam.

Không chỉ đòi hỏi từ thực tế, mà theo Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025, các NHTM Nhà nước tiếp tục đóng vai trò là lực lượng chủ lực, chủ đạo về quy mô, thị phần, khả năng điều tiết thị trường; đi đầu trong việc triển khai và áp dụng Basel II theo phương pháp nâng cao và hội nhập quốc tế. Mục tiêu cụ thể đặt ra là phấn đấu đến năm 2023, tỷ lệ CAR của các NHTM đạt tối thiểu 10-11%; đến năm 2025, đạt tối thiểu 11 là 12% và hướng tới đáp ứng yêu cầu của Hiệp ước Basel III mức an toàn tối thiểu 13%. Theo quy định của Ủy ban Basel, các ngân hàng có tầm ảnh hưởng trên hệ thống như Big 4 sẽ phải duy trì mức CAR tối thiểu cao hơn 13%. Bởi nhiều ngân hàng trong khu vực đã áp dụng Basel III và luôn duy trì CAR ở mức 16-20%. Trong đó các ngân hàng Indonesia có tỷ lệ CAR còn lên tới 23,27%; Thái Lan là 20,24%...

TS. Võ Trí Thành kiến nghị, trước mắt có thể căn cứ trên một số chỉ số cơ bản của ngân hàng, vào từng thời điểm cơ quan quản lý, giám sát cho phép ngân hàng được chủ động tăng vốn. Việc đáp ứng kịp thời vốn vừa tăng cường năng lực trong bối cảnh cạnh tranh giữa các ngân hàng trong nước và quốc tế vừa nâng cao hiệu quả đầu tư vốn nhà nước.

Đối với đề xuất rà soát tổng thể nhu cầu vốn của các NHTM Nhà nước và có cơ chế chung tạo điều kiện cho các NHTM Nhà nước chủ động tăng vốn, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đánh giá, ý kiến này là rất quan trọng. NHNN tiếp thu và sẽ phối hợp với các bộ, ngành để rà soát, đánh giá nhu cầu vốn tổng thể cho các NHTM Nhà nước và nghiên cứu, tham mưu cho Chính phủ trong quá trình sửa đổi các Luật, Nghị định có liên quan để tạo điều kiện cho các NHTM Nhà nước được chủ động và linh hoạt hơn trong việc tăng vốn điều lệ, đảm bảo nhu cầu mở rộng quy mô hoạt động kinh doanh và theo kịp diễn biến nhanh của thị trường. Đồng thời, khuyến khích các ngân hàng này chủ động thực hiện các giải pháp tăng vốn bền vững khác như phát hành cổ phiếu riêng lẻ...

Trong thời gian tới, NHNN sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại các NHTM Nhà nước (Vietcombank, BIDV, VietinBank) từ nguồn lợi nhuận còn lại sau thuế, sau trích lập các quỹ năm 2022, 2023 theo quy định. “Riêng về lợi nhuận còn lại của Vietcombank năm 2022, 2023 (lần lượt là 21.680 tỷ đồng và 25.009 tỷ đồng), NHNN cho biết, căn cứ các quy định hiện hành, NHNN đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan để thực hiện quy trình bổ sung vốn nhà nước tại Vietcombank theo đúng quy định”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng thông tin thêm.

Nguyễn Vũ

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ