Cẩn trọng với biến động tỷ giá

13/08/2023 - 02:08
(Bankviet.com) Sức ép tỷ giá từ bên ngoài tuy giảm, song chênh lệch lãi suất giữa đô la Mỹ (USD) và tiền Việt (VND) được nới rộng đang kích thích hoạt động đầu cơ.
Linh hoạt ứng phó với biến động tỷ giá Tránh những biến động tỷ giá đến xuất khẩu

Sức ép tỷ giá từ bên ngoài tuy giảm, song chênh lệch lãi suất giữa đô la Mỹ (USD) và tiền Việt (VND) được nới rộng đang kích thích hoạt động đầu cơ, cộng với nhu cầu ngoại tệ tăng lên theo mùa vụ đã tác động không nhỏ tới tỷ giá VND/USD, buộc các cơ quan quản lý, điều hành phải quan tâm nhiều hơn.

Cẩn trọng với biến động tỷ giá

Từ đầu năm đến nay, tỷ giá VND/USD trên thị trường liên ngân hàng chỉ tăng khoảng 0,5%. Điều đó cho thấy, Ngân hàng Nhà nước đã giữ vững được ổn định tỷ giá, nhờ vậy có dư địa nới lỏng chính sách tiền tệ. Ở góc độ khác, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm lộ trình tăng lãi suất khiến Chỉ số USD giảm về ngưỡng ổn định 102 điểm, kiều hối tăng ổn định, cán cân thương mại thực dương, lạm phát giảm, dự trữ ngoại hối tăng trở lại… cũng là những yếu tố giúp giảm bớt áp lực lên tỷ giá VND/USD so với cùng kỳ năm ngoái.

Mặc dù vậy, trong vài tháng qua, vẫn xuất hiện những thời điểm tỷ giá “dậy sóng”, nhất là khi tỷ giá tự do trên thị trường có lúc áp sát mức 24.000 VND/USD, tăng hơn 1% so với đầu năm. Những “cơn sóng” trên tuy ngắn và nhỏ, nhưng buộc nhà điều hành phải cực kỳ cảnh giác, nhất là khi còn nhiều yếu tố khiến tỷ giá tiềm ẩn những cơn sóng ngầm.

Thứ nhất, chênh lệch lãi suất USD và VND trên thị trường liên ngân hàng tại các kỳ hạn chủ chốt đang ở mức cao kỷ lục, cao nhất là kỳ hạn qua đêm (- 4,81%). Chênh lệch lãi suất nới rộng đang kích thích hoạt động kinh doanh chênh lệch lãi suất (carry trade) và tạo áp lực mất giá đối với VND. Trong quá khứ (năm 2017, 2018, 2022), các đợt chênh lệch lãi suất âm thường là chỉ báo cho các đợt tăng của tỷ giá.

Thứ hai, USD tuy đã giảm giá trị so với nhiều đồng tiền khác, song vẫn duy trì sức mạnh, nhất là khi Fed có thể nâng nhẹ lãi suất thêm một lần nữa vào tháng 9/2023.

Thứ ba, đồng nhân dân tệ (CNY) tiếp tục mất giá do kinh tế Trung Quốc không phục hồi như kỳ vọng cũng sẽ tạo áp lực giảm giá lên các đồng tiền châu Á, trong đó có tiền Việt.

Thứ tư, lạm phát trong nước có thể tăng từ cuối quý III/2023.

Nhìn chung, tỷ giá VND/USD có thể biến động mạnh hơn trong nửa cuối năm 2023, nhưng biên độ biến động cả năm khó vượt quá +/- 2%. Như vậy, vẫn còn nhiều dư địa để NHNN giữ vững “tấm khiên” tỷ giá.

Từ đầu năm đến nay, NHNN đã mua vào một lượng đáng kể ngoại tệ để dự trữ ngoại hối, làm dày thêm “tấm nệm” dự phòng tỷ giá. Thặng dư thương mại 7 tháng đầu năm 2023 ở mức cao, dòng vốn FDI và kiều hối ổn định, hàng loạt thương vụ bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài giúp tăng cung ngoại tệ… là những yếu tố tích cực đang hỗ trợ cho các nhà điều hành ổn định tỷ giá. Ngoài ra, các biện pháp chấn chỉnh hoạt động đầu cơ ngoại tệ của NHNN thời gian qua cũng phát huy hiệu quả.

Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế trong quý III/2023 chưa có nhiều dấu hiệu cải thiện, Chính phủ vẫn duy trì mục tiêu tăng trưởng đề ra từ đầu năm, tỷ giá cơ bản ổn định… thì nhiều khả năng, NHNN sẽ phải nghiêng cán cân về tăng trưởng, từ đó giảm tiếp lãi suất điều hành.

Tất nhiên, việc chỉ dựa vào chính sách tiền tệ là chưa đủ. Như nhiều chuyên gia đã kiến nghị, Việt Nam đang sử dụng quá ít chính sách tài khóa để hỗ trợ doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tỷ lệ giải ngân các gói hỗ trợ doanh nghiệp thuộc Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội chưa cao cũng là vấn đề đòi hỏi phải xem xét, giải quyết. Hơn nữa, dù dư địa hạ lãi suất vẫn còn, nhưng không nhiều bởi vẫn phải dè chừng trước những biến động bất lợi về tỷ giá.

Quyết liệt thực hiện chính sách tài khóa hơn là chính sách tiền tệ là khuyến nghị được giới phân tích kinh tế đưa ra trong bối cảnh hiện nay, nhưng quan trọng hơn là phải thúc đẩy hơn nữa cải cách môi trường kinh doanh. Thực tế cũng cho thấy, ngoài chính sách tài khóa, khi hoạt động đầu tư, sản xuất còn nhiều khó khăn, thì nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm chi phí sẽ là giải pháp an toàn, ít rủi ro hơn với cả doanh nghiệp và nền kinh tế.

baodautu.vn

Theo: Báo Công Thương