AI vào cuộc, ngân hàng bước sang chuẩn ESG toàn cầu

21/05/2025 - 15:09
(Bankviet.com) Trí tuệ nhân tạo (AI) giúp ngân hàng số hóa báo cáo ESG, nâng chuẩn minh bạch và chạm ngưỡng phát triển bền vững theo tiêu chí toàn cầu.
Ngân hàng ồ ạt tăng vốn điều lệ để đón chuẩn Basel III Khi ngân hàng không chỉ làm tín dụng ESG ngân hàng: AI là ‘trợ thủ’ chiến lược

Cú hích mới cho báo cáo phát triển bền vững ngành ngân hàng

Chia sẻ tại tọa đàm “Thực hành Báo cáo Phát triển bền vững trong lĩnh vực ngân hàng với giải pháp AI” do Thời báo Ngân hàng phối hợp với Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh quốc (ACCA) tổ chức ngày 21/5, ông Mike Suffield, Giám đốc Chính sách và Nghiên cứu chuyên sâu của ACCA toàn cầu, cho rằng, AI không chỉ là công cụ nâng cao hiệu suất mà còn là yếu tố chiến lược giúp nâng tầm chất lượng và độ tin cậy của báo cáo trong ngành tài chính.

AI vào cuộc, ngân hàng bước sang chuẩn ESG toàn cầu
Tọa đàm “Thực hành Báo cáo Phát triển bền vững trong lĩnh vực ngân hàng với giải pháp AI”. Ảnh: Hoàng Giáp

Theo ông, AI được ứng dụng rộng rãi trong ngành tài chính từ học máy, thị giác máy tính (Computer Vision), xử lý ngôn ngữ tự nhiên cho đến các thế hệ mới như AI tạo sinh (Generative AI) và AI tác vụ (Agentic AI). Các ứng dụng trải dài từ phân tích dự báo doanh thu, phát hiện gian lận đến lập báo cáo, điều phối quy trình hay hỗ trợ khách hàng… Dù vậy, ông Mike cũng lưu ý rằng các công nghệ này vẫn đang trong quá trình hoàn thiện và chưa thể thay thế hoàn toàn các quy trình truyền thống.

“ACCA đã xây dựng mô hình tám giai đoạn cho chu trình báo cáo phát triển bền vững, từ phân công trách nhiệm, thiết lập bối cảnh, xác định thông tin trọng yếu, cho đến xác minh và cải tiến liên tục. Mỗi bước đều có thể khai thác sức mạnh của AI. Ở bước thiết lập bối cảnh, AI giúp đọc hiểu nhanh và tổng hợp yêu cầu báo cáo. Khi đánh giá rủi ro khí hậu, AI có thể mô phỏng kịch bản, phân tích dữ liệu vệ tinh như Google Flood Hub hay Climate TRACE. Giai đoạn trình bày báo cáo cũng có thể được cá nhân hóa bằng AI, phù hợp với từng nhóm đối tượng khác nhau”, ông Mike Suffield thông tin.

AI vào cuộc, ngân hàng bước sang chuẩn ESG toàn cầu
Ông Mike Suffield, Giám đốc Chính sách và Nghiên cứu chuyên sâu của ACCA toàn cầu phát biểu. Ảnh: Hoàng Giáp

Tuy nhiên, vị chuyên gia cũng cảnh báo rằng nhiều tổ chức chưa có hệ thống dữ liệu hoặc hạ tầng phù hợp để tận dụng AI một cách hiệu quả. Dữ liệu rời rạc, thiếu tiêu chuẩn, hoặc thiếu liên kết nội bộ giữa các bộ phận tài chính, công nghệ và dữ liệu đang là rào cản lớn. Ông khuyến nghị cách tiếp cận từng bước, từ cải thiện quản trị nội bộ cho đến tăng cường kết nối tổ chức.

Một điểm nhấn đáng chú ý mà ông Mike Suffield chia sẻ là khía cạnh đạo đức và trách nhiệm trong sử dụng AI. Ông nhấn mạnh, bất kỳ ứng dụng AI nào cũng cần được đánh giá dựa trên năm nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp do ACCA xác lập: chính trực, khách quan, năng lực và thận trọng chuyên môn, bảo mật và ứng xử chuyên nghiệp.

“Nếu AI được huấn luyện từ dữ liệu thiên lệch, không cập nhật hoặc thiếu đại diện, các báo cáo tạo ra có thể sai lệch, đe dọa nghiêm trọng đến tính chính trực và giá trị cốt lõi của tổ chức. Khi AI tạo ra nội dung báo cáo một cách tự động mà thiếu kết nối giữa thông tin tài chính và phi tài chính, tính minh bạch sẽ bị xói mòn”, ông nói.

Một trong những rủi ro phổ biến là việc phụ thuộc mù quáng vào đầu ra của AI mà không thực hiện các bước kiểm chứng, xác thực. Đó là lý do tại sao ông Mike cho rằng các kỹ năng nghề nghiệp truyền thống như kiểm toán nội bộ, phân tích dữ liệu và kiểm tra nguồn thông tin vẫn giữ vai trò không thể thay thế. Ngoài ra, ông còn đề cập đến “dấu chân môi trường”, một tác động ít được nhắc tới của AI hiện nay.

Theo Viện Nghiên cứu Điện lực Hoa Kỳ, mỗi truy vấn đến ChatGPT tiêu tốn lượng điện gấp 10 lần Google. Chỉ riêng ChatGPT đã có 200 triệu người dùng hằng tuần, chưa kể các nền tảng như Claude, Gemini, LLaMA… Sự bùng nổ này đẩy nhu cầu điện tăng mạnh. Theo Goldman Sachs, tiêu thụ điện của các trung tâm dữ liệu toàn cầu có thể tăng đến 160% vào năm 2030, chiếm tới 4% tổng cầu điện toàn cầu và có nguy cơ nhân đôi lượng phát thải khí nhà kính so với năm 2022.

Không chỉ điện năng, các trung tâm dữ liệu còn tiêu thụ lượng nước làm mát khổng lồ. Năm 2022, Google và Microsoft đã dùng lượng nước tương đương nhu cầu của 700.000 người Mỹ chỉ để làm mát máy chủ. Trong khi nước ngọt đang ngày càng khan hiếm, xu hướng này đặt ra một nghịch lý về “bền vững trong công nghệ bền vững”.

Ông Mike kêu gọi các Giám đốc tài chính nên đánh giá chi phí môi trường bên cạnh chi phí đầu tư và tỷ suất sinh lời khi đầu tư AI. Việc lựa chọn nền tảng công nghệ cần gắn liền với chiến lược phát thải của tổ chức. Đồng thời, ông nhấn mạnh vai trò của giáo dục và thay đổi văn hóa tổ chức. AI chỉ hiệu quả khi được “nuôi” bằng dữ liệu chất lượng, trong khi hiện nay tới 80% dữ liệu trong doanh nghiệp là “dữ liệu tối” (dark data), không còn hữu ích nhưng vẫn tiêu tốn tài nguyên lưu trữ. Vì vậy, nâng cao nhận thức nội bộ, kiểm toán dữ liệu và ứng xử có trách nhiệm với thông tin là nền tảng không thể thiếu cho thành công của báo cáo phát triển bền vững.

AI vào cuộc, ngân hàng bước sang chuẩn ESG toàn cầu
Ông Trần Anh Quý, Trưởng phòng Tín dụng chính sách, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước phát biểu. Ảnh: Hoàng Giáp

Xây dựng hệ sinh thái ESG-AI “Make in Vietnam”

Ở góc độ chính sách trong nước, ông Trần Anh Quý, Trưởng phòng Tín dụng chính sách, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước, cho biết, báo cáo phát triển bền vững (SDGs) đang trở thành xu hướng tất yếu và là định hướng lâu dài của ngành Ngân hàng. Trong năm 2024, số lượng báo cáo SDGs được công bố tăng kỷ lục, đạt 33 tổ chức, trong đó có 6 ngân hàng lần đầu tiên công bố. Hệ thống quy định liên quan cũng ngày càng hoàn thiện, từ Nghị định 155/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán, Thông tư 96/2020/TT-BTC hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán và Thông tư số 116/2020/TT-BTC hướng dẫn một số điều về quản trị công ty áp dụng đối với công ty đại chúng…, đến các chiến lược ngành như Quyết định 986/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 hay các quyết định của Ngân hàng Nhà nước về ngân hàng xanh, tăng trưởng xanh…

Theo thống kê, tính đến ngày 31/3/2025, có 58 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ xanh với tổng giá trị hơn 704.200 tỷ đồng, tăng 3,57% so với cuối năm 2024. Tín dụng xanh chủ yếu tập trung vào năng lượng tái tạo (37%) và nông nghiệp xanh (29%). Dư nợ được đánh giá rủi ro môi trường, xã hội cũng đạt trên 3,62 triệu tỷ đồng tại 57 tổ chức tín dụng.

Tuy nhiên, các tổ chức tín dụng vẫn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là chi phí xây dựng báo cáo cao, thiếu nhân lực chuyên sâu và thiếu khung pháp lý rõ ràng. Giải pháp được đề xuất gồm ban hành sớm Danh mục phân loại xanh quốc gia, tăng cường hợp tác quốc tế, nâng cao chất lượng tư vấn và đẩy mạnh đào tạo. Các tổ chức cũng cần chủ động bố trí nguồn lực cho thực hành ESG và xây dựng khung quản trị phù hợp.

AI vào cuộc, ngân hàng bước sang chuẩn ESG toàn cầu
TS. Lê Hùng Cường, Phó Tổng Giám đốc FPT Digital, Tập đoàn FPT phát biểu. Ảnh: Hoàng Giáp

Đại diện từ khu vực doanh nghiệp, TS. Lê Hùng Cường, Phó Tổng Giám đốc FPT Digital, Tập đoàn FPT, chỉ ra thực trạng 70% doanh nghiệp chưa công bố báo cáo ESG hoặc công bố không đầy đủ, chủ yếu do thiếu kiến thức và khó khăn trong thu thập, phân tích dữ liệu. Giải pháp mà FPT đưa ra là ứng dụng công nghệ số và AI để đơn giản hóa quy trình, tích hợp dữ liệu từ hệ thống ERP, IoT, chuỗi cung ứng…, chuẩn hóa theo khung quốc tế (GRI, ISSB) và tự động hóa quy trình lập báo cáo.

Ông Cường cũng chia sẻ các kinh nghiệm quốc tế như việc Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS) phát triển nền tảng Gprnt để đơn giản hóa báo cáo ESG cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), hay dự án Gaia của Ngân hàng Trung ương châu Âu, Đức và Tây Ban Nha cùng Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) dùng AI phân tích hơn 2.300 báo cáo ESG để giám sát rủi ro khí hậu. Độ chính xác đạt 98% trong việc xác định các tài liệu không chứa thông tin rủi ro khí hậu và 80% trong việc phân loại rủi ro khí hậu từ các tài liệu có liên quan…

Tại Việt Nam, FPT đã triển khai phần mềm VertZero cho một ngân hàng để kiểm kê phát thải khí nhà kính và xây dựng hệ sinh thái ESG-AI “Make in Vietnam” phục vụ doanh nghiệp chuyển đổi và tiếp cận vốn xanh.

Thuỳ Linh

Theo: Báo Công Thương