Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đang nóng dần: Lợi thế đặc biệt của Việt Nam là gì?

27/05/2024 - 01:26
(Bankviet.com) Hàng xuất khẩu của Việt Nam đang có lợi thế tại Mỹ, trong bối cảnh nước này chủ trương giảm thương mại với Trung Quốc bằng các biện pháp tăng thuế quan vừa qua.
Hai năm thực thi thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung và lựa chọn trong ngắn hạn Mỹ - Trung thống nhất giải phóng dự trữ dầu thô Lo sợ Trung Quốc xuất siêu, Bộ trưởng Ngân khố Hoa Kỳ kêu gọi EU vào cuộc

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang "nóng" hơn bao giờ hết. Vừa qua, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã quyết định nâng thuế quan với các mặt hàng chất bán dẫn, pin và xe điện từ Trung Quốc, với mặt hàng xe điện thậm chí sẽ phải chịu mức thuế là 100%. Với cuộc bầu cử Tổng thống đang đến gần, cả ông Joe Biden và đối thủ ông Donald Trump đều quyết tâm sẽ có những chính sách cứng rắn hơn với hàng hóa Trung Quốc.

Mặc dù cuộc chiến trên chưa phân thắng bại, nước đang có lợi thế đặc biệt lại là Việt Nam. Năm ngoái, Việt Nam ghi nhận tổng kim ngạch thương mại gần 105 tỷ đôla với Mỹ - tăng gấp 2,5 lần so với năm 2018, khi cựu Tổng thống Donald Trump lần đầu tiên áp đặt thuế nặng lên hàng hóa Trung Quốc.

Mỹ tăng thuế quan lên Trung Quốc, hàng xuất khẩu Việt Nam được lợi gì?
Cả hai ứng cử viên Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và Donald Trump đều quyết tâm sẽ "cứng rắn hơn" với Trung Quốc. Nguồn ảnh: ABC News

Mỹ cũng đã nhập khẩu số hàng hóa có trị giá trên 114 tỷ USD từ Việt Nam vào năm ngoái, tăng hơn gấp đôi so với năm 2018 khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung bắt đầu. Điều này đã góp phần gia tăng sức hấp dẫn của Việt Nam đối với các nhà sản xuất và thương nhân Mỹ, khi họ đang tìm cách giảm thiểu rủi ro kinh tế liên quan đến căng thẳng Mỹ - Trung. Trong các đối tác của Mỹ, hiện nay, Việt Nam là nước có tổng kim ngạch cao thứ 4, chỉ đứng sau Trung Quốc, Mexico, và Liên minh châu Âu.

Tuy vậy, Việt Nam cũng là đối tác đầu tư lớn từ Trung Quốc, khi nước này đã đẩy mạnh dòng vốn đầu tư vào Việt Nam. Năm 2023, Trung Quốc trở thành nước có vốn đấu tư FDI lớn thứ 4 vào Việt Nam, với tổng vốn trong năm là hơn 8,8 tỷ USD. Được biết, các nhà đầu tư Trung Quốc đã đầu tư vào Việt Nam tổng cộng 4.161 dự án, với tổng vốn đăng ký trên 27 tỷ USD, đứng thứ 6 trong tổng số 144 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Riêng 11 tháng năm 2023, Trung Quốc dẫn đầu về số dự án cấp mới vào Việt Nam – 632 dự án, tổng vốn hơn 3 tỷ USD (cao thứ 2 về vốn đăng ký).

Theo các chuyên gia, điều này cho thấy sự "bùng nổ" của hàng xuất khẩu Việt Nam sang Mỹ đang được thúc đẩy bởi sự đầu tư của Trung Quốc, với dòng vốn FDI chảy từ Trung Quốc gần như trùng khớp với sự tăng trưởng xuất khẩu sang Mỹ trong những năm gần đây. Ngân hàng Thế giới (WB) tính toán mối tương quan giữa hai dòng chảy lên đến 96%, tăng từ mức 84% trước nhiệm kỳ tổng thống của ông Donald Trump.

Theo Reuters, sự đột biến trong quan hệ thương mại Việt - Mỹ - Trung phản ánh sự gia tăng đầu tư vào Việt Nam khi các công ty chuyển một số hoạt động trong chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc. Nhiều công ty, nhà sản xuất Trung Quốc đã gia tăng đầu tư vào các nhà máy mới ở Việt Nam nhưng vẫn phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu đầu vào từ quê nhà.

Được biết, 33% số hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam đến từ Trung Quốc, trong đó, chủ yếu là hàng điện tử và linh kiện. Ngược lại, các mặt hàng chủ lực xuất khẩu của Việt Nam như máy móc hay và các sản phẩm điện tử được làm phần lớn từ các bộ phận và linh kiện được nhập khẩu tại Trung Quốc. Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), những sản phẩm chứa linh kiện nhập khẩu chiếm khoảng 80% giá trị xuất khẩu điện tử của Việt Nam năm 2022.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng là nguồn cung cấp bông và polysilicon, với bông là nguyên liệu cho mặt hàng chủ lực từ Việt Nam là đồ may mặc, và polysilicon là nguyên liệu cho mặt hàng tiềm năng là pin điện mặt trời. Được biết, hai mặt hàng này đã chiếm khoảng 9% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Mỹ vào năm ngoái.

Mỹ tăng thuế quan lên Trung Quốc, hàng xuất khẩu Việt Nam được lợi gì?
Công nhân nhà máy của Foxconn, một trong những công ty Trung Quốc lớn đang đầu tư tại Việt Nam. Nguồn ảnh: AFP

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), khoảng 90% hàng hóa trung gian mà ngành điện tử và dệt may của Việt Nam nhập khẩu vào năm 2020 đã sau đó được tích hợp vào quá trình xuất khẩu tới các quốc gia công nghiệp hóa, trong đó có Mỹ là thị trường hàng đầu.

Tuy vậy, tương lai thương mại Mỹ - Việt Nam có thể thay đổi, đặc biệt là sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11. Ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia kinh tế Việt Nam hàng đầu tại ADB, cho biết: “Một kịch bản có thể xảy ra là sau cuộc bầu cử, người thắng có thể thay đổi chính sách đối với Việt Nam”. Được biết, cựu Tổng thống Donald Trump đã từng đe dọa sẽ tăng mức thuế quan với hàng hóa Trung Quốc, và điều đó cũng có thể bao gồm hàng hóa từ các công ty Trung Quốc có nhà máy tại Việt Nam.

Mặc dù thế, quyết định này cũng có thể sinh ra hậu quả khôn lường. Nếu chi phí nhập khẩu các mặt hàng giá rẻ từ Việt Nam tăng, thì người tiêu dùng Mỹ sẽ là người chịu ảnh hưởng lớn. Hiện nay, lạm phát tại quốc gia này đang đẩy hàng hóa lên mức cao kỷ lục, và chính điều này đã khiến nhiều người không hài lòng với các chính sách của Tổng thống Biden. Nếu người thắng cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sắp tới quyết định tăng mức thuế nhập khẩu, thì ông có thể hứng chịu “làn sóng phản đối” từ chính những cử tri đã bầu cho mình.

Nhật Ánh (theo Reuters)

Theo: Báo Công Thương