“Canh bạc” 10 tỷ USD của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đang đứng trước những thách thức nào?

09/11/2023 - 23:37
(Bankviet.com) Mới đây, tạp chí Forbes đã có một bài phân tích dài với tựa đề “Người giàu nhất Việt Nam đặt cược 10 tỷ USD để thâm nhập thị trường xe điện toàn cầu”, chỉ ra những thách thức mà tỷ phú Phạm Nhật Vượng phải đối diện trong quá trình thực hiện tham vọng đưa VinFast trở thành một tên tuổi tầm cỡ thế giới.
“Canh bạc” 10 tỷ USD của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đang đứng trước những thách thức nào?
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã “đặt cược” hơn 10 tỷ USD vào VinFast với tham vọng biến hãng xe điện đầu tiên của Việt Nam trở thành một thương hiệu tầm cỡ trên thị trường xe điện toàn cầu

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng có lẽ đã không thể sở hữu khối tài sản lên tới hơn 4 tỷ USD nếu không chấp nhận rủi ro và hiện tại, người giàu nhất Việt Nam lại dấn thân vào một cuộc phiêu lưu mạo hiểm khác. Ông Vượng đã “đặt cược” hơn 10 tỷ USD vào VinFast với tham vọng biến hãng xe điện đầu tiên của Việt Nam trở thành một thương hiệu tầm cỡ trên thị trường xe điện toàn cầu, Forbes viết.

Tuy nhiên, hành trình này lại khá gập ghềnh và bị bủa vây bởi những hoài nghi về khả năng cạnh tranh của VinFast ở bên ngoài Việt Nam. Dù vậy, CEO VinFast, bà Lê Thị Thu Thuỷ vẫn tràn đầy tự tin: “Nhiệm vụ của chúng tôi là làm cho xe điện có thể tiếp cận được với mọi người.

VinFast đã đặt ra những mục tiêu vô cùng táo bạo, trong đó có việc bán được 1 triệu xe điện trên toàn thế giới trong vòng 6 năm - điều mà Tesla phải mất tới 17 năm mới có thể hoàn thành.

Sau khi đầu tư gần 10 tỷ USD để tung ra một số mẫu xe điện, phát triển cơ sở hạ tầng trạm sạc và xây dựng một nhà máy hoàn toàn tự động tại Việt Nam, VinFast dự định đầu tư thêm 1,8 tỷ USD trong 3 năm tới để đưa nhà máy tại Mỹ đi vào hoạt động vào năm 2025 và các nhà máy tại Indonesia, Ấn Độ đi vào hoạt động vào năm 2026. Trong đó, 1,4 tỷ USD sẽ được rót vào giai đoạn 1 của dự án xây dựng nhà máy tại Bắc Carolina. Mục đích của việc xây dựng nhà máy này là nhằm tận dụng các khoản trợ cấp và lợi ích về thuế của chính phủ Mỹ, cùng với đó là tăng công suất sản xuất hàng năm từ mức 300.000 xe ở thời điệm hiện tại lên mức 550.000 xe vào năm 2026.

Theo Forbes, VinFast hiện chỉ là một tay chơi nhỏ bé trên thị trường rộng lớn ở Mỹ. Hãng tin này trích dẫn dữ liệu từ website công nghiệp ô tô Mark Lines cho hay, trong 9 tháng đầu năm 2023, VinFast chỉ bán được 2.000 chiếc xe điện ở Mỹ. Trong 3 quý, hãng xe điện Việt Nam đã giao được 21.000 chiếc xe nhưng hơn 60% số đó, tức là gần 13.000 chiếc xe là dành cho Green and Smart Mobility (GSM), một công ty taxi điện thuộc sở hữu của Phạm Nhật Vượng và Tập đoàn Vingroup. GSM đã đặt hàng 30.000 xe điện để triển khai dịch vụ taxi điện trên khắp Việt Nam. Dịch vụ này đang được mở rộng sang Lào, Campuchia và GSM cũng đã tính đến việc thâm nhập thị trường taxi ở Mỹ.

“Canh bạc” 10 tỷ USD của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đang đứng trước những thách thức nào?
Tesla vẫn là công ty dẫn đầu về vốn hóa thị trường trong số các nhà sản xuất ô tô

Forbes cũng dẫn lại đánh giá của bà Fathima Shifara Samsudeen, một nhà phân tích thuộc LightStream Research rằng, việc bán hàng cho công ty con thuộc Tập đoàn là dấu hiệu cho nhu cầu mua xe trên thị trường có xu hướng giảm sút. Vị chuyên gia này cũng nói thêm, VinFast sẽ gặp khó khăn để bán các mẫu xe điện của mình trên thị trường toàn cầu.

Tại Mỹ, doanh số bán hàng của mẫu xe SUV hạng trung VF8, cũng là mẫu xe đầu tiên và duy nhất hiện có tại thị trường này của VinFast, đã bị ảnh hưởng không nhỏ bởi đợt thu hồi diễn ra vào tháng 5 - hai tháng sau khi đợt bán hàng bắt đầu. Trong thông cáo báo chí cuối tháng 10, VinFast cho biết: “Trong vài tháng qua, hãng đã tiến hành một loạt cải tiến cho chiếc SUV điện VF8, nhằm nâng cao trải nghiệm lái cho khách hàng”.

CEO VinFast tự tin hãng xe điện Việt Nam có thể đạt được mục tiêu cung cấp tới 50.000 chiếc trong năm nay, với doanh số dự kiến sẽ tăng tốc trong quý IV, giai đoạn mà bà đánh giá là cao điểm. Bà Lê Thị Thuy Thuỷ cũng cho biết thêm, VinFast có vài mẫu xe sẵn sàng ra mắt thị trường toàn cầu trong vài tháng tới. Dự kiến, hãng sẽ bắt đầu bán mẫu VF8 ở Pháp, Đức và Hà Lan và cuối năm nay. VinFast cũng đang vận chuyển mẫu SUV 7 chỗ mang tến VF9 và mẫu SUV nhỏ gọn VF6 tới Bắc Mỹ.

Chia sẻ với Forbes, ông David Byrne, chuyên gia phân tích của công ty tư vấn Third Bridge có trụ sở tại Hồng Kông cho rằng, sẽ cần thời gian để VinFast tạo ra sức hút tại Bắc Mỹ và châu Âu, sau những vấn đề gặp phải khi ra mắt VF8.

Theo vị chuyên gia này, những chiếc ô tô của VinFast sở hữu thế mạnh về mẫu mã, bởi lẽ chúng được thiết kế bởi nhà thiết kế người Ý Pininfarina - người đã tạo nên những chiếc xe thể thao mang tính biểu tượng như Ferrari 458 Spider. Tuy nhiên, VinFast chưa thực sự cạnh tranh về giá.

Ông David Byrne chỉ ra rằng, giá khởi điểm cho một chiếc VF8 là 46.000 USD, ngang với một chiếc Tesla Model Y, Ford Mustang Mach E hoặc Hyundai Ioniq 6. Tuy nhiên, với một lần sạc đầy, VF8 chạy được 425km, kém hơn so với quãng đường 482km của 3 đối thủ còn lại.

“Canh bạc” 10 tỷ USD của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đang đứng trước những thách thức nào?
Một số nhà phân tích cho rằng, các mẫu xe của VinFast sở hữu lợi thế là mẫu mã đẹp nhưng giá cả lại chưa cạnh tranh

Liên quan đến vấn đề giá cả, bà Lê Thị Thu Thuỷ cho hay: “Giá xe của chúng tôi không cao hơn đối thủ. Nó bao gồm các tính năng công nghệ tiên tiến.” Chẳng hạn, ô tô VinFast được trang bị hệ thống hỗ trợ người lái hiện đại, có thể hướng dẫn tài xế khi chuyển làn và giúp đỗ xe tự động.

Theo quan điểm của Byrne, VinFast tạo ra được nhiều sức hút hơn tại Mỹ nếu hãng có thể khai thác kiến thức của các chuyên gia am hiểu thị trường này. Vị chuyên gia này nói: “VinFast đã thuê chuyên gia nước ngoài nhưng chưa hẳn đã lắng nghe”.

Trong khi đó, CEO VinFast cho rằng, hãng không phụ thuộc vào bất kỳ cá nhân nào.

“VinFast là một công ty khởi nghiệp. Điều đó đòi hỏi khả năng và tốc độ triển khai mà không phải ai cũng có thể thích ứng. Chúng tôi thường xuyên tinh chỉnh cơ cấu tổ chức của mình để đảm bảo hiệu quả hoạt động”, bà Thuỷ chia sẻ.

Trên thực tế, theo hồ sơ LinkedIn của VinFast, thời điểm mới thành lập, hãng xe điện Việt Nam đã tuyển dụng những chuyên gia kỳ cựu. Tuy nhiên, một số người đã không gắn bó lâu dài. Chẳng hạn như người tiền nhiệm của bà Lê Thị Thu Thuỷ là ông Michael Lohscheller, cựu CEO của Opel, người có hơn hai thập kỷ kinh nghiệm trong ngành, đã gia nhập VinFast hồi tháng 9/2021 nhưng rời đi 6 tháng sau đó. Ông Lohscheller không phản hồi yêu cầu bình luận của Forbes về vấn đề này.

Một lãnh đạo cấp cao khác ông Jeremy Snyder, người từng đảm nhiệm những vai trò quan trọng tại Tesla trong hơn 10 năm, cũng được tuyển dụng cho vị trí Giám đốc Phát triển vào tháng 5/2020 với trọng trách đưa VinFast “đổ bộ” và chinh phục đất Mỹ, cũng rời đi khá sớm, vào tháng 12/2021, trước khi những chiếc VinFast đầu tiên tới Mỹ.

Ông Jeremy Snyder, chia sẻ: “VinFast đã làm rất tốt một số việc. Họ sở hữu cơ sở sản xuất hiện đại, học nhanh và thích nghi nhanh. VinFast thực sự có cơ hội làm mọi người ngạc nhiên theo hướng tích cực”. Đáng nói, mặc dù tin rằng VinFast có thể trở thành một thương hiệu toàn cầu, ông vẫn quyết định rời đi sau chưa đầy hai năm kể từ khi chiến lược và cơ cấu lãnh đạo được hình thành.

Thách thức mà VinFast phải đối mặt được “người cũ” của hãng này tóm lược như sau: “Nếu bạn đang sản xuất một chiếc SUV và nó không tốt hơn Tesla về mọi mặt hoặc rẻ hơn đáng kể, thì người tiêu dùng sẽ mua một chiếc Tesla”.

Bất chấp những thách thức nói trên, tỷ phú Phạm Nhật Vượng vẫn tiếp tục rót vốn cho sự phát triển và mở rộng của VinFast. Hồi tháng 4, ông Vượng và Tập đoàn VinGroup đã cam kết đầu tư thêm 2,5 tỷ USD cho hãng xe điện này. Tháng 10 vừa qua, VinFast sáp nhập với VinES Energy Solutions, hướng tới việc tự chủ nguồn cung về pin, hiện vẫn chủ yếu là nhập khẩu từ Trung Quốc.

“Canh bạc” 10 tỷ USD của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đang đứng trước những thách thức nào?
Màn ra mắt của VinFast trên sàn Nasdaq từng thu hút sự chú ý của không ít nhà đầu tư

Một hoạt động huy động vốn khác thu hút sự chú ý của VinFast là màn ra mắt sàn Nasdaq. Thời điểm mới IPO, mặc dù có tỷ lệ thả nổi nhỏ, ở mức dưới 1%, nhưng cổ phiếu VFS tăng cao một cách đáng ngạc nhiên, đưa VinFast đạt giá trị vốn hoá thị trường lên tới 190 tỷ USD vào ngày 28/8. Tuy nhiên, mã này sau đó đã lao dốc hơn 90%. Đến thời điểm hiện tại, cổ phiếu này dường như đã ổn định trở lại. Trong phiên giao dịch gần nhất là phiên 8/11, cổ phiếu VFS giao dịch quanh mức 7,25 USD/cp.

Đáng chú ý, tháng trước, VinFast đã đăng ký lưu hành bổ sung khoảng 76 triệu cổ phiếu, nhằm giúp VFS tăng thanh khoản. Bên cạnh đó, hãng xe điện Việt Nam cũng đã ký với Yorkville Advisors một thỏa thuận mua cổ phiếu trị giá 1 tỷ USD. Theo đó, VinFast sẽ có quyền yêu cầu Yorkville mua tới 1 tỷ USD cổ phiếu phổ thông VFS, vào bất kỳ thời điểm nào trong thời hạn 36 tháng.

Forbes cho rằng, không có gì quá ngạc nhiên khi VinFast vẫn chưa thể có lãi khi mà “ông vua” xe điện Tesla phải mất tới 17 năm để đạt được điều này. Ngay cả khi doanh thu quý III của VinFast tăng hơn 2,5 lần, lên mức 25 nghìn tỷ đồng (337 triệu USD), khoản lỗ vẫn chưa được bù đắp mà tăng tới 34%, lên mức 15 nghìn tỷ đồng do chi phí mở rộng toàn cầu cao. Ông Phạm Nhật Vượng cho biết, ông kỳ vọng hãng sẽ hòa vốn vào năm tới và có lãi vào năm 2025. Theo Forbes, nhà sáng lập VinFast không hề bối rối trước sự tốn kém trong quá trình biến VinFast thành một thương hiệu tầm cỡ toàn cầu.

Ông Brian Dobson, nhà phân tích tại Chardan Research, tin rằng VinFast có thể xác lập được chỗ đứng trên thị trường toàn cầu: “Việc chuyển đổi sang xe điện đã tạo ra một cuộc chạy đua chưa từng thấy trên thị trường ô tô vốn đã bão hoà, kể từ cuộc khủng hoảng dầu mỏ những năm 1970. Trong giai đoạn thị hiếu người tiêu dùng thay đổi, các thị trường lâu đời sẽ mở cửa cho những người mới”.

Chardan Research dự báo, số lượng xe điện được nhập khẩu đến Mỹ, Canada, châu Âu và cả Việt Nam có thể sẽ tăng lên 10,8 triệu chiếc vào năm 2028.

Bất chấp những khó khăn trong nỗ lực mở rộng ra toàn cầu, VinFast vẫn giữ sự tập trung của mình trong việc trở thành tên tuổi hàng đầu trong lĩnh vực xe điện.

“Tiềm năng trước mắt là rất lớn. Nếu VinFast có thể hiện thực hóa cơ hội to lớn đó thì chúng tôi hoàn toàn có thể trở thành một thương hiệu ô tô tầm cỡ”, bà Lê Thị Thu Thuỷ khẳng định.

DowJones chấm dứt chuỗi đi lên, cổ phiếu VinFast bất ngờ tỏa sáng

Trong ngày hôm qua, chỉ số DowJones chấm dứt chuỗi đà tăng 7 phiên liên tiếp. Đáng chú ý, đi ngược với thị trường chung, ...

Cổ phiếu Vingroup khởi sắc sau cuộc gặp của ông Phạm Nhật Vượng và tỷ phú Ấn Độ

Trong ngày hôm qua, chủ tịch Vingroup và Tỷ phú Ấn Độ đã có cuộc gặp gỡ, qua đó hé lộ kế hoạch hợp tác ...

“Short” cổ phiếu VinFast: “Canh bạc” hiểm nguy cho đội bán khống

Đà tăng chóng mặt của cổ phiếu VinFast khiến huyền thoại bán khống Jim Chanos gọi mức định giá này là “điên rồ”. Tuy nhiên, ...

Hà Lê

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán