Kỳ thi kép, áp lực kép
Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 không chỉ mang ý nghĩa quyết định với từng học sinh, mà còn là “bài kiểm tra năng lực tổ chức” đối với ngành giáo dục trong bối cảnh chuyển giao chương trình giáo dục. Lần đầu tiên, hai thế hệ học sinh thi cùng một kỳ thi với hai chương trình giáo dục khác nhau: Chương trình giáo dục phổ thông 2006 và Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Với hơn 1,1 triệu thí sinh học chương trình mới và khoảng 25.000 thí sinh học chương trình cũ, kỳ thi năm nay trở thành một thử thách về tổ chức, vận hành, giám sát và đảm bảo công bằng, minh bạch.
Trong Hội nghị tập huấn nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2025 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức ngày 27/5 tại Hà Nội, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đã nhấn mạnh: “Đây là kỳ thi có tính chất đặc biệt, đòi hỏi các địa phương phải chuẩn bị kỹ lưỡng, không để xảy ra bất kỳ sơ suất nào, dù là nhỏ nhất”.
![]() |
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Hà Linh |
Tính chất “kép” của kỳ thi không chỉ nằm ở số lượng thí sinh thi theo hai chương trình khác nhau, mà còn ở hàng loạt khác biệt về quy trình in sao đề thi, sắp xếp phòng thi, thời gian dự thi từng môn, cách thức thu bài và xử lý bài thi. Từ việc thí sinh chương trình cũ được mang Atlat vào thi môn Địa lý, trong khi thí sinh chương trình mới không được phép; đến việc bố trí túi bài thi theo từng ca thi thay vì theo từng môn..., tất cả đều đòi hỏi cán bộ coi thi phải nắm chắc quy chế, vận hành linh hoạt và chính xác tuyệt đối.
Không chỉ phức tạp hơn về chuyên môn, kỳ thi năm nay còn diễn ra trong bối cảnh bộ máy chính quyền địa phương đã tinh gọn lại theo hướng hai cấp. Những hỗ trợ từ Ban Chỉ đạo thi cấp huyện, các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương như các năm trước sẽ không còn. Điều đó buộc các Sở Giáo dục và Đào tạo phải chủ động phối hợp với UBND tỉnh, thành phố để đảm bảo mọi khâu từ cơ sở vật chất, an ninh cho tới tâm lý thí sinh đều được chuẩn bị tốt nhất.
Giám sát cả nhà vệ sinh
Một điểm nhấn đáng chú ý trong chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo năm nay là vấn đề chống gian lận thi cử với sự hỗ trợ của công nghệ cao. Theo Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo (AI), nguy cơ gian lận thi cử bằng thiết bị công nghệ ngày càng tinh vi, thậm chí có thể xảy ra ở những nơi “khó ngờ nhất” như... nhà vệ sinh.
“Trong kỳ thi, nếu cán bộ giám sát không kiểm tra kỹ, rất có thể thí sinh cố tình giấu thiết bị tại khu vệ sinh để lén lút sử dụng. Một hành động cố ý nhỏ thôi cũng có thể dẫn đến nguy cơ lọt đề ra ngoài”, Thứ trưởng cảnh báo.
Lần đầu tiên, khu vực vệ sinh trong các điểm thi được yêu cầu phải giám sát chặt chẽ như một phần chính thức của quy trình chống gian lận. Không chỉ là cảnh báo suông, lãnh đạo Bộ nhấn mạnh yêu cầu các Sở Giáo dục và Đào tạo cần xây dựng kế hoạch phân công người cụ thể cho từng vị trí, kể cả khu vực nhà vệ sinh. Giám thị có thể phải thực hiện nhiệm vụ giám sát liên tục trong suốt thời gian diễn ra kỳ thi tại các vị trí “tưởng như bên lề” này.
Bên cạnh đó, để không xảy ra sự cố ảnh hưởng đến tâm lý thí sinh, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu tập huấn kỹ lưỡng cho toàn bộ cán bộ, giáo viên tham gia kỳ thi. Việc thuộc bài không chỉ dừng lại ở quy chế thi, mà còn phải hiểu sâu sắc tinh thần chủ động, phòng ngừa, nhận diện sớm các dấu hiệu bất thường để có biện pháp xử lý đúng lúc, đúng mực.
Theo ông Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các phương án tổ chức thi theo từng chương trình đã được chuẩn bị chi tiết. Điển hình như việc in đề, nếu phòng thi theo chương trình cũ sẽ in đủ 24 mã đề (thường 4-5 tờ giấy A4), thì phòng thi theo chương trình mới chỉ in đúng số lượng thí sinh. Ví dụ, phòng có 10 thí sinh thi Vật lý thì in từ mã 01 đến mã 10; có thể in trên 1 tờ A3 (in 2 mặt). Điều này giúp tiết kiệm nhưng cũng đòi hỏi kiểm soát chặt chẽ tránh sai sót.
Về quy trình thi tổ hợp, trong khi thí sinh chương trình cũ được vào phòng thi 10 phút trước giờ thi môn thứ 2, thì với thí sinh chương trình mới, các em phải có mặt từ đầu buổi thi và chờ tại phòng riêng, quy định này đặt ra yêu cầu quản lý học sinh chặt hơn và tránh hiện tượng di chuyển không kiểm soát trong khu vực thi.
Trong khi kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông luôn là cột mốc quan trọng của học sinh phổ thông, thì kỳ thi năm 2025 lại càng đặc biệt hơn, không chỉ vì số lượng lớn thí sinh tăng, mà còn vì bối cảnh chuyển giao chương trình, cùng các thách thức xã hội như công nghệ, hành vi gian lận tinh vi. Giám sát nhà vệ sinh có thể từng là “vùng cấm” trong tư duy truyền thống, nhưng giờ đây lại là sự cảnh giác tuyệt đối trong một kỳ thi quốc gia. Sự thay đổi đó không chỉ phản ánh tinh thần trách nhiệm của ngành Giáo dục, mà còn là lời nhắc rằng: Sự tử tế, nghiêm túc và công bằng trong giáo dục bắt đầu từ những chi tiết tưởng như nhỏ nhất.
Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 diễn ra ngày 26 - 27/6 tới với gần 1,17 triệu thí sinh đăng ký dự thi. Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ ngày 1 - 6/6, sẽ thực hiện rà soát kết quả học tập đồng bộ từ cơ sở dữ liệu ngành; đến ngày 11/6, sẽ hoàn thành đánh số báo danh và sắp xếp phòng thi cho thí sinh. |