Tìm hiểu về "vi khuẩn ăn thịt người" và nguyên nhân nhiễm bệnh Lại xuất hiện ca nhiễm vi khuẩn “ăn thịt người” |
Mới đây, bệnh nhân nam 64 tuổi, trú tại Nam Định được đưa đến Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 trong tình trạng sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng. Tổn thương ban đầu của bệnh nhân ở vùng bàn chân quanh vết thương hở, sau vài giờ lan nhanh lên cẳng chân và đùi trái với triệu chứng đau buốt, phỏng nước, thâm tím vùng da tổn thương, rối loạn cảm giác. Tổn thương được xác định là viêm cân mạc hoại tử gây nhiễm trùng nhiễm độc nặng.
Vi khuẩn ăn thịt người có thể gây tử vong |
Sau khi nhập viện, bệnh nhân được thở máy, lọc máu, rạch mở rộng vùng da, cân tổn thương, cấy dịch vết thương, cấy máu. Kết quả dương tính với vi khuẩn Vibrio vulnificus - một loại vi khuẩn gram âm, được xem là một trong những "vi khuẩn ăn thịt người" bởi độc tố gây phá hủy mô liên kết và các mô trong cơ thể. Vi khuẩn này thường gây ra viêm cân mạc hoại tử lan rộng và nhanh chóng gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Trước đó, một bệnh nhân 60 tuổi, Chí Linh, Hải Dương có tiền sử đái tháo đường nặng. Trước khi vào viện 2 tuần, bệnh nhân ho nhiều, sốt rét run (40 độ) kèm đau vùng cơ thắt lưng. Bệnh nhân đã đến 2 cơ sở y tế khám và điều trị nhưng không đỡ, không tìm được căn nguyên sốt. Khi đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương để điều trị đau cơ vùng thắt lưng và khớp vai phải tăng dần, kèm sốt cao không rõ nguyên nhân, mệt mỏi nhiều, kết quả cấy máu cho ra kết quả là mắc bệnh Whitmore hay được gọi là "vi khuẩn ăn thịt người".
Theo chuyên gia y tế, Vibrio vulnificus còn gọi là V. vulnificus (có cùng họ với loại vi khuẩn gây bệnh tả), là một loài vi khuẩn được tìm thấy ở nước biển ấm. Đây là loại vi khuẩn ăn thịt người có thể dẫn đến hoại tử, có khả năng gây tử vong cao, giết chết 1 trong 5 người nhiễm đôi khi trong vòng 1 - 2 ngày, thường là vi trùng do xâm nhập vào máu và gây nhiễm trùng huyết.
Nhiễm vi khuẩn Vibriosis, trường hợp nhẹ thường bị ớn lạnh, sốt, tiêu chảy, đau dạ dày và có thể nôn, chóng mặt, khó chịu trong người, thấy khát nước liên tục. Thông thường, người bệnh sẽ có triệu chứng ngay trong ngày đầu tiên tiếp xúc với vi khuẩn. Những triệu chứng này thường không xuất hiện riêng lẻ mà xuất hiện cùng nhau. Các vết thương trên da bị nhiễm vi khuẩn Vibrio vulnificus thường phát triển thành mụn nước, áp xe và loét.
Sau 24 giờ có các triệu chứng bị nhiễm vi khuẩn ăn thịt người, nếu người bệnh vẫn chưa được đưa đến cơ sở y tế để cấp cứu có thể khiến tình trạng nhiễm trùng trở nên nghiêm trọng hơn. Kể từ sau 3 – 4 ngày nhiễm vi khuẩn ăn thịt, người bệnh sẽ có thêm triệu chứng như: Vùng da xung quanh vết thương sưng, nóng, đỏ, cảm thấy cứng khi chạm vào hoặc chuyển sang màu tím, sau đó xuất hiện mụn nước chứa dịch sẫm màu có mùi hôi; vùng da xung quanh vết thương mất màu, bong da, tuột da, hoại tử mô. Trong trường hợp để lâu có thể xuất hiện những triệu chứng nguy hiểm như tụt huyết áp; hôn mê; sốc nhiễm độc. Nếu bị hoại tử nặng ở tay hoặc chân có thể bị cắt cụt chi, ở tình trạng nặng hơn ảnh hưởng đến các cơ quan khác, bệnh nhân có thể tử vong.
Tại Việt Nam, bệnh được phát hiện lần đầu tiên năm 1925 sau đó xuất hiện rải rác qua các năm tại một số địa phương và các ca bệnh gần đây nhất được phát hiện tại Đắk Lắk, Thanh Hóa, trong đó đã có trường hợp tử vong.
Bệnh có biểu hiện lâm sàng rất đa dạng, khó chẩn đoán và có thể tử vong do biến chứng viêm phổi nặng, nhiễm trùng huyết và sốc nhiễm trùng. Những người có bệnh nền tiểu đường, bệnh gan, thận, phổi mạn tính, suy giảm miễn dịch... có nguy cơ cao mắc bệnh.
Theo Bộ Y tế, hiện chưa có vaccine phòng bệnh Whitmore. Các biện pháp phòng bệnh chủ yếu là đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, sử dụng bảo hộ lao động khi làm việc có tiếp xúc với đất, bùn, nước bị nhiễm khuẩn hoặc trong môi trường không đảm bảo vệ sinh, vệ sinh diệt khuẩn vết rách da, trầy xước hoặc bỏng bị nhiễm bẩn và thực hiện ăn chín uống chín…
Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần hạn chế tiếp xúc trực tiếp với đất, nước bẩn, đặc biệt tại những nơi bị ô nhiễm nặng. Không tắm gội, bơi, ngụp lặn ở các ao, hồ, sông tại/gần nơi bị ô nhiễm. Sử dụng đồ bảo hộ lao động (giày, ủng, găng tay…) đối với những người thường xuyên việc ngoài trời, tiếp xúc với đất, bùn và nước bẩn.
Đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch, đặc biệt là trước và sau khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi đi làm ruộng. Thực hiện ăn chín, uống chín, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; không giết mổ, ăn thịt động vật, gia súc, gia cầm bị ốm chết.
Khi có vết thương hở, vết loét hoặc vết bỏng cần tránh tiếp xúc với đất hoặc nước có khả năng bị ô nhiễm. Nếu bắt buộc phải tiếp xúc thì sử dụng băng chống thấm và cần được rửa sạch đảm bảo vệ sinh. Những người có bệnh tiểu đường, bệnh gan, thận, phổi mạn tính, suy giảm miễm dịch cần được chăm sóc, bảo vệ các vết thương để ngăn ngừa nhiễm khuẩn. Khi nghi ngờ nhiễm bệnh cần đến cơ sở y tế để được tư vấn, khám phát hiện và điều trị kịp thời.