Tham dự cuộc họp có: ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký VNBA; ông Lê Quốc Ninh, Tổng Giám đốc Mcredit kiêm Chủ nhiệm CLB Tài chính Tiêu dùng; bà Lưu Thị Mai Hồng, đại diện Cục 2, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước; bà Nguyễn Thùy Linh, đại diện Viện Chiến lược Ngân hàng, NHNN; các thành viên Ban Chủ nhiệm CLB, các Hội viên CLB Tài chính Tiêu dùng; đại diện các ban, đơn vị trong cơ quan thường trực VNBA.
Quang cảnh cuộc họp |
Thay mặt Hội đồng Hiệp hội và Cơ quan thường trực, Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng nhận định, đây là buổi họp hết sức quan trọng, thiết thực để bàn về nội dung công tác, triển khai chương trình hoạt động năm 2023.
Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng cho biết, Hiệp hội sẽ cùng Ban Chủ nhiệm CLB và các thành viên đánh giá thực trạng, phản ánh khó khăn, vướng mắc để tìm ra biện pháp giải quyết thống nhất, hiệu quả.
Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng phát biểu tại cuộc họp |
Phát biểu tại cuộc họp, ông Lê Quốc Ninh, Chủ nhiệm CLB Tài chính Tiêu dùng chia sẻ, CLB Tài chính Tiêu dùng được thành lập từ quý III/2022, so với CLB thuộc các ngành nghề khác thì CLB vẫn còn rất non trẻ. Do đó, cuộc họp hôm nay nhằm tạo sự gắn kết giữa các thành viên trong CLB; đồng thời, chia sẻ và phản ánh những khó khăn, vướng mắc mà các công ty tài chính đang gặp phải trong quá trình hoạt động, để bàn các giải pháp tháo gỡ giúp cho các công ty tài chính tiêu dùng chính thống hoạt động lành mạnh và ổn định.
Ông Lê Quốc Ninh, Tổng Giám đốc Mcredit, Chủ nhiệm CLB Tài chính tiêu dùng phát biểu |
Ông Lê Quốc Ninh cho biết, trong quá trình hoạt động, các công ty tài chính tiêu dùng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, liên quan đến hoạt động thu hồi nợ. Điều này đã ảnh hưởng đến chất lượng danh mục và hiệu quả hoạt động của các công ty tài chính tiêu dùng.
Để tháo gỡ những khó khăn cho các công ty tài chính tiêu dùng, các thành viên cho rằng, cần có những chủ trương, định hướng từ các cơ quan quản lý. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động truyền thông, giáo dục tài chính để cộng đồng hiểu về hoạt động của các công ty tài chính tiêu dùng, cũng như trách nhiệm và nghĩa vụ trả nợ của khách hàng.
Các nội dung chương trình triển khai công tác năm 2023 nhằm mục đích giải quyết các vấn đề vướng mắc liên quan đến: Thông tư 43 (tỷ lệ giải ngân tiền mặt...); Nghiên cứu, xây dựng chương trình truyền thông và giáo dục tài chính tiêu dùng, qua đó đề xuất chính sách nhằm phù hợp với vai trò và vị thế của tài chính tiêu dùng trong xã hội đến NHNN; Tổ chức tham quan, học tập một số công ty tài chính tiêu dùng, qua đó góp phần nâng cao uy tín và vị thế của CLB; Thăm và làm việc với một số hội viên/thành viên Fintech để trao đổi chia sẻ kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực cho vay tài chính tiêu dùng....
Qua thảo luận, các thành viên CLB tài chính tiêu dùng chia sẻ, trên thực tế, có 98% khách hàng vay tiêu dùng tại các công ty tài chính đều hài lòng với các sản phẩm dịch vụ và trả nợ vay đúng hạn. Chỉ có 2% còn lại là trây ì hoặc bùng nợ, những thông tin không tích cực về hoạt động của các công ty tài chính cũng bắt nguồn từ nhóm khách hàng này. Do đó, các thành viên kiến nghị cần có chế tài với nhóm khách hàng này, cũng như những rủi ro nếu khách hàng không trả nợ đúng hạn.
Đồng thời, cần cởi mở và chung tay xây dựng hình ảnh, uy tín cho các công ty tài chính tiêu dùng thông qua chiến dịch truyền thông lâu dài, hiệu quả; Cần đẩy mạnh hoạt động truyền thông qua các kênh chính thống, cũng như đẩy mạnh hoạt động giáo dục tài chính để cộng đồng hiểu rõ về hoạt động của các công ty tài chính tiêu dùng chính thống.
Phát biểu tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo Cục 2, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước, ủng hộ giải pháp truyền thông để thị trường hiểu rõ về hoạt động tài chính tiêu dùng chính thống, cũng như các quy định pháp luật về ý thức của người vay. Đối với khách hàng trây ì không trả nợ, cần có giải pháp từ các cơ quan quản lý để đảm bảo sự hài hòa giữa người đi vay và cho vay.
Phát biểu tại cuộc họp, đại diện Viện chiến lược NHNN nhấn mạnh, năm 2022, truyền thông nhằm giúp người dân phân biệt các công ty tài chính tiêu dùng và tín dụng đen đã thành công, đạt được hiệu quả mạnh mẽ. Trong bối cảnh hiện nay, truyền thông sẽ giúp người tiêu dùng nhận ra rằng, hiểu biết hạn chế về tài chính tiêu dùng sẽ dẫn đến lựa chọn sản phẩm không phù hợp, kéo theo nợ xấu. Vì vậy, việc giáo dục, nâng cao kiến thức cho người dân về tài chính tiêu dùng là rất cấp thiết.
Đại diện Viện Chiến lược Ngân hàng cũng cho biết, Viện đang trong quá trình biên soạn cuốn sách về hoạt động của Công ty Tài chính Tiêu dùng. Cuốn sách sẽ đưa ra những phân tích, khuyến nghị để nâng cao chất lượng thẩm định tín dụng, cho vay có trách nhiệm… Đồng thời đưa ra những luận điểm khẳng định tài chính tiêu dùng là tất yếu, đáp ứng nhu cầu của người dân, hướng đến tài chính toàn diện… nên mô hình này cần được tồn tại.
“Viện chiến lược sẵn sàng cung cấp, phối hợp với Hiệp hội và các công ty tài chính để triển khai những chiến lược trọng tâm trong thời gian tới, hỗ trợ công tác hoạt động tài chính tiêu dùng đạt hiệu quả, mang lại lợi ích chung”, đại diện Viện chiến lược NHNN bày tỏ.
Phát biểu tại cuộc họp, Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, những ý kiến phản ánh khó khăn trong năm 2022 liên quan đến công tác thu hồi nợ, nợ xấu tăng cao... cần có biện pháp xử lý phù hợp, đặc biệt là đẩy mạnh truyền thông (tổ chức hội thảo, tọa đàm, phóng sự...) đến người dân và xã hội trong việc phân biệt giữa công ty tài chính tiêu dùng và tín dụng đen; đồng thời cần đẩy mạnh truyền thông tới các cơ quan quản lý Nhà nước, các bộ, ngành, chính quyền địa phương về những vướng mắc trong quá trình thu hồi nợ.
“Để công tác truyền thông hiệu quả, chúng ta cần cởi mở, phối kết hợp với các tổ chức tín dụng để thống nhất chương trình, nội dung phổ cập đến người dân. Hiện nay, dư địa phát triển tài chính tiêu dùng rất mạnh, vấn đề là phải khai thác thế nào cho hiệu quả.".
Bên cạnh đó, Tổng Thư ký cũng yêu cầu các công ty tài chính cần xây dựng chương trình công tác liên quan đến Thông tư 39; xây dựng chương trình hội thảo, tọa đàm cụ thể, rõ ràng; có kế hoach tổ chức tọa đàm ở từng khu vực địa phương, làm việc với chính quyền địa phương để có thể hỗ trợ người dân địa phương tốt hơn...
“Tôi rất mong muốn hội viên Hiệp hội đoàn kết, đồng thuận, nhìn nhận và đưa ra những giải pháp thiết thực. Các công ty tài chính tiêu dùng thực hiện cho vay chặt chẽ, hiệu quả, có trách nhiệm; đồng thời lắng nghe ý kiến của các thành viên và trao đổi thường xuyên để hoạt động cho vay phát triển lành mạnh. Chất lượng cho vay tốt thì chất lượng thu hồi nợ tốt”, Tổng Thư ký bày tỏ mong muốn.
Tiếp thu chỉ đạo của Tổng Thư ký, ý kiến từ cơ quan NHNN và các thành viên CLB, ông Lê Quốc Ninh, Chủ nhiệm CLB cam kết sẽ sẽ cố gắng, nỗ lực thúc đẩy các hoạt động của CLB tích cực, sôi nổi hơn; đồng thời thực hiện nghiêm túc chỉ đạo, mục tiêu của Chính phủ, NHNN, đẩy mạnh hoạt động truyền thông về tài chính tiêu dùng, thúc đẩy tài chính toàn diện, góp phần hạn chế tín dụng đen, thực hiện công bằng xã hội cũng như nâng cao chất lượng đời sống người dân.
Minh Ngọc -