Chậm phong tỏa tài khoản khách hàng thuộc danh sách đen, ngân hàng sẽ bị phạt 500 triệu đồng

09/08/2021 - 18:53
(Bankviet.com) Hàng loạt vi phạm hành chính liên quan đến lĩnh vực phòng chống rửa tiền, phòng, chống tài trợ khủng bố… sắp được Ngân hàng Nhà nước nâng mức phạt lên gấp 3 lần.

Không báo cáo giao dịch lớn, giao dịch đáng ngờ: Tăng mức phạt gấp 3 lần

Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến dự thảo sửa đổi Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, trong đó có sửa đổi các mức xử phạt liên quan đến lĩnh vực phòng, chống rửa tiền; phòng, chống tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt. Dự thảo đã tăng mức phạt tiền lên gấp đôi, gấp 3 lần quy định hiện hành và bổ sung thêm các nội dung mới.

Cụ thể, phạt tiền 60-100 triệu đồng (quy định hiện tại là phạt 20-30 triệu đồng) đối với hành vi không báo cáo đúng thời hạn theo quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền, phòng, chống tài trợ khủng bố và phòng, chống phổ biến vũ khí huỷ diệt hàng loạt.

Phạt tiền 80-120 triệu đồng (hiện tại phạt 30-50 triệu đồng) đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: Không báo cáo các giao dịch có giá trị lớn; Không báo cáo các giao dịch đáng ngờ liên quan đến rửa tiền, tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt; Không báo cáo các giao dịch chuyển tiền điện tử.

Phạt tiền từ 200 - 350 triệu đồng

(hiện tại là phạt 80-100 triệu đồng) đối với hành vi không báo cáo hành vi rửa tiền nhằm tài trợ khủng bố, không báo cáo khi có nghi ngờ khách hàng hoặc giao dịch của khách hàng liên quan đến tài trợ khủng bố hoặc khách hàng nằm trong danh sách đen theo quy định của Luật Phòng, chống khủng bố và pháp luật về phòng, chống phổ biến vũ khí huỷ diệt hàng loạt.

Phạt tiền từ 200 - 350 triệu đồng (hiện tại phạt 150-200 triệu đồng) đối với hành vi không giám sát đặc biệt đối với các giao dịch có giá trị lớn bất thường hoặc phức tạp; giao dịch với tổ chức, cá nhân tại quốc gia, vùng lãnh thổ nằm trong danh sách do Lực lượng đặc nhiệm tài chính công bố nhằm chống rửa tiền hoặc danh sách cảnh báo theo quy định tại Điều 16 Luật Phòng, chống rửa tiền, không thường xuyên kiểm tra, làm rõ ngay khi có nghi ngờ giao dịch của khách hàng có liên quan đến tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí huỷ diệt hàng loạt.

Chậm rà soát khách hàng liên quan đến khủng bố: Bổ sung mức phạt 350 triệu đồng

Với hành vi vi phạm quy định về nhận biết và cập nhật thông tin khách hàng, Nghị định tăng mức xử phạt lên gấp đôi, gấp 3.

Theo đó, phạt tiền từ 60 - 100 triệu đồng (hiện tại phạt 20-30 triệu đồng) với hành vi không cập nhật, cập nhật thông tin nhận biết khách hàng không đúng quy định tại Luật Phòng, chống rửa tiền và Luật Phòng, chống khủng bố.

Phạt tiền từ 80 - 100 triệu đồng với hành vi không bảo đảm bí mật thông tin, tài liệu báo cáo quy định tại Điều 29 Luật Phòng, chống rửa tiền và Luật Phòng, chống khủng bố.

Ngoài ra, còn bổ sung hình thức phạt tiền từ 200 – 350 triệu đồng với hành vi không rà soát hoặc thời gian rà soát chậm trễ thông tin khách hàng và các bên liên quan với danh sách tổ chức, cá nhân liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố, tổ chức, cá nhân bị chỉ định tham gia vào việc phổ biến và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt theo quy định tại Luật phòng, chống rửa tiền, Luật phòng, chống khủng bố và pháp luật phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.”

Với vi phạm quy định về quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền, cũng nâng mức phạt từ 60-100 triệu đồng hiện nay lên 200-350 triệu đồng, áp dụng các hành vi hông ban hành quy trình quản lý rủi ro các giao dịch liên quan tới công nghệ mới, không xây dựng quy định về phân loại khách hàng trên cơ sở rủi ro, không ban hành quy định nội bộ hoặc ban hành quy định nội bộ theo quy định của Luật Phòng, chống rửa tiền.

Ngoài ra, các vi phạm về việc xác định khách hàng nước ngoài là cá nhân có ảnh hưởng chính trị, vi phạm quy định về nhận biết, phân loại khách hàng theo mức độ rủi ro, vi phạm quy định về kiểm toán nội bộ trong phòng, chống rửa tiền, rà soát khách hàng và giao dịch, quan hệ ngân hàng đại lý… đều bị tăng mạnh mức xử phạt.

Trì hoãn phong tỏa tài khoản: Nâng mức phạt lên 500 triệu đồng

Vi phạm quy định về trì hoãn giao dịch, phong tỏa tài khoản; niêm phong hoặc tạm giữ tài sản, mức phạt tăng mạnh lên cao nhất 500 tiệu đồng. Cụ thể, phạt tiền từ 150 - 200 triệu đồng (hiện tại là 40-80 triệu đồng) đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

Thứ nhất, không báo cáo việc trì hoãn giao dịch khi các bên liên quan tới giao dịch thuộc danh sách đen hoặc có lý do để tin rằng giao dịch được yêu cầu thực hiện có liên quan đến hoạt động phạm tội quy định tại khoản 3 Điều 33 Luật Phòng, chống rửa tiền;

Thứ hai, không báo cáo việc thực hiện phong tỏa tài khoản, niêm phong, tạm giữ tài sản khi có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 34 Luật Phòng, chống rửa tiền;

Thứ ba, không báo cáo ngay khi thực hiện việc tạm ngừng lưu thông, phong tỏa toàn bộ tiền, tài sản liên quan đến tài trợ khủng bố và phổ biến vũ khí huỷ diệt hàng loạt.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng nâng mức phạt tiền từ 100-150 triệu hiện nay lên mức 250-500 triệu đồng với 3 hành vi:

Không áp dụng biện pháp trì hoãn giao dịch khi các bên liên quan tới giao dịch thuộc danh sách đen hoặc có lý do để tin rằng giao dịch được yêu cầu thực hiện có liên quan đến hoạt động phạm tội quy định tại khoản 1 Điều 33 Luật Phòng, chống rửa tiền;

Không phong tỏa tài khoản, không áp dụng biện pháp niêm phong hoặc tạm giữ tài sản khi có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 34 Luật Phòng, chống rửa tiền;

Không thực hiện ngay việc tạm ngừng lưu thông, phong tỏa toàn bộ tiền, tài sản liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí huỷ diệt hàng loạt.

Nâng mức xử phạt để phù hợp với thông lệ quốc tế

Ngân hàng Nhà nước giải thích, việc tăng mức độ xử phạt các vi phạm về phòng, chống rửa tiền; phòng, chống tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt là để phù hợp với thông lệ quốc tế.

Theo khuyến nghị của Nhóm châu Á - Thái Bình Dương về chống rửa tiền (APG), các mức xử phạt trong lĩnh vực rửa tiền, chốn tài trợ khủng bố… của Việt Nam còn thấp, chưa đủ răn đe. Cụ thể: mức phạt tiền tối đa đối với cá nhân hiện tại là 250.000.000 đồng (tương đương 10.822 USD) và mức phạt tiền tối đa đối với tổ chức là 500.000.000 (tương đương 21.645 USD).

Hơn nữa, theo thông lệ quốc tế tại một số nước, mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống rửa tiền; phòng, chống tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt khá cao.

Tại Australia, mức phạt tiền tối đa đối với các hành vi này là 3,4 triệu AUD (tương đương 3 triệu USD) đối với cá nhân và 17 triệu AUD (tương đương 15,5 triệu USD) đối với pháp nhân.

Tại Singapore, mức phạt tiền tối đa đối với cá nhân là 100.000 SGD (tương đương 70.210 USD), đối với pháp nhân là 1.000.000 SGD (tương đương 702.100 USD)

Căn cứ theo khuyến nghị của APG tại Báo cáo đánh giá đa phương của APG và tham khảo thông lệ quốc tế về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống rửa tiền tại một số nước, dự thảo Nghị định nâng mức xử phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính về phòng, chống rửa tiền; phòng, chống tài trợ khủng bố, đảm bảo tính răn đe hơn đối với các cá nhân, tổ chức vi phạm trong công tác phòng, chống rửa tiền, phòng, chống tài trợ khủng bố và chống phổ biến vũ khí hủy diệt.

baodautu.vn

Theo Báo Công thương

Theo: Báo Công Thương