Chân dung “trùm” than cốc Việt Phát – doanh nghiệp đứng đầu liên danh trúng gói thầu cung cấp than 6.000 tỷ của NMNĐ Sông Hậu 1

17/08/2023 - 17:36
(Bankviet.com) Mới đây, Liên danh nhà thầu VPG và Partners do Công ty CP Đầu tư Thương mại Xuất nhập khẩu Việt Phát (HOSE: VPG) đứng đầu đã ký hợp đồng cung cấp nhiên liệu than cho Nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) Sông Hậu 1.
Chân dung “trùm” than cốc Việt Phát – doanh nghiệp đứng đầu liên danh trúng gói thầu cung cấp than 6.000 tỷ của NMNĐ Sông Hậu 1
Việt Phát và liên danh trúng thầu dự án cung cấp than cho Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1

Cụ thể, Liên danh VPG & Partners gồm có Việt Phát và hai doanh nghiệp buôn than đến từ Indonesia là Pt Sumber Global Energy Tbk và Pt Bintang Mitra Semestaraya Tbk. Theo hợp đồng ký kết với Ban Quản lý Dự án Điện lực Dầu khí Sông Hậu 1, Liên danh này sẽ cung cấp nhiên liệu than cho quá trình vận hành thương mại Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1 năm 2023-2024. Giá trị gói thầu tạm tính là hơn 6.023 tỷ đồng, thực hiện trong thời gian 365 ngày kể từ ngày hợp đồng có hiệu lực.

Đặc biệt, giá trị hợp đồng lần này giúp tiết kiệm so với dự toán giá gói thầu được duyệt là 55%.

Đáng chú ý, trước đó, hồi đầu năm 2022, Việt Phát cũng nằm trong Liên danh trúng thầu cung cấp than cho Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1 trong vòng một năm. Cụ thể, Việt Phát cùng Công ty CP Khoáng sản Đan Ka và Công ty SUEK AG đã loại 2 đối thủ tại vòng kỹ thuật và 1 đối thủ tại vòng tài chính và trúng thầu với giá 11.965 tỷ đồng, giảm hơn 18% so với dự toán.

Theo tìm hiểu, Dự án Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1 có tổng vốn đầu tư 43.000 tỷ đồng, do Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) làm chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án Điện lực Dầu khí Sông Hậu 1 làm đại diện chủ đầu tư, Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (LILAMA) làm tổng thầu EPC.

Đây là dự án trọng điểm trong Quy hoạch điện VII, có ý nghĩa quan trọng, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và phát triển kinh tế khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, tỉnh Hậu Giang nói riêng.

Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1 có công suất 1.200 MW, số giờ vận hành cực đại (Tmax) là 6.500 giờ/năm, điện năng sản xuất 7.800 GWh/năm. Khi đi vào hoạt động, nhà máy sẽ đóng góp cho lưới điện quốc gia khoảng 7,2 tỉ kWh/năm.

“Ông trùm” than cốc Việt Phát thử sức với mảng than nhiệt

Theo tìm hiểu, Việt Pháp được thành lập từ năm 2008 với lĩnh vực kinh doanh chính chủ yếu là vận tải nội địa và nhanh chóng khẳng định được vị thế với hệ thống vận chuyển hàng rộng khắp cả nước. Đáng chú ý, năm 2010 được coi là bước ngoặt trong hành trình phát triển của Việt Phát khi doanh nghiệp này chuyển sang định hướng mới, không chỉ kinh doanh về mặt dịch vụ mà còn mở rộng sang các lĩnh vực khác như kinh doanh thương mại, đầu tư, sản xuất…

Năm 2014, doanh nghiệp này đã vươn lên thành một trong những đơn vị “có tiếng tăm” trong lĩnh vực khoáng sản như quặng sắt, than, titan… tại Việt Nam khi xác lập mức doanh thu lên tới hơn 700 tỷ đồng

Hiện nay, trên thị trường kinh doanh khoáng sản, Việt Phát đang là nhà cung cấp đầu vào quan trọng quặng sắt, than cốc luyện kim cho các nhà máy lớn như Công ty CP Thép Hòa Phát Hải Dương, Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất, Công ty CP Luyện Kim Đen Thái Nguyên, Công ty CP Xây lắp điện I; đồng thời là nhà cung cấp than nhiệt cho các nhà máy nhiệt điện, nhà máy thép lớn như Công ty CP Gang thép Thái Nguyên, Công ty CP Thép Hòa Phát Hải Dương,...

Đồng thời, Hoà Phát cũng mở rộng thị trường nhập khẩu than cốc, quặng sang Nhật Bản, Thụy Sỹ, Singapore với một số đối tác như: Công ty Daichu Corporation, Công ty Glencore International AG, Công ty Noble Resources International PTE LTD...

Mỗi năm, mảng khoáng sản mà cụ thể là than cốc đóng góp hàng ngàn tỷ đồng vào doanh thu của Việt Phát.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2023, doanh thu từ khoáng sản (quặng sắt, than cốc, than nhiệt) chiếm tới 83% tổng doanh thu của Việt Phát. Trong đó, doanh thu từ than nhiệt đóng góp nhiều nhất với gần 902 tỷ đồng, theo sau là than cốc với 576 tỷ đồng và cuối cùng quặng sắt với 256 tỷ đồng. Tính thêm doanh thu bán hàng hoá thương mại, dịch vụ vận chuyển và kho bãi, tổng doanh thu quý II/2023 của Việt Phát đạt 1.774 tỷ đồng, tăng 20% so với năm trước. Tuy nhiên, do giá vốn tăng cao khiến lợi nhuận ròng của doanh nghiệp giảm 72% còn 25,5 tỷ đồng.

Đáng chú ý, theo thuyết minh báo cáo tài chính và giải trình về biến động lợi nhuận, Việt Phát cho biết, kể từ năm 2023, doanh nghiệp này mới bắt đầu kinh doanh thêm mặt hàng than nhiệt. Mặc dù đóng góp một khoản doanh thu lớn nhưng mặt hàng này cần huy động nhiều vốn, dẫn đến chi phí tài chính tăng đột biến so với quý II/2022.

Chân dung “trùm” than cốc Việt Phát – doanh nghiệp đứng đầu liên danh trúng gói thầu cung cấp than 6.000 tỷ của NMNĐ Sông Hậu 1
Than nhiệt thay thế than cốc trở thành động lực tăng trưởng doanh thu quý II/2023 của Việt Phát

Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2023, Việt Phát ghi nhận doanh thu thuần đạt 3.569 tỷ đồng, tăng 46% so với cùng kỳ, tuy nhiên lợi nhuận sau thuế sụt giảm 56%, xuống còn 62 tỷ đồng. Dù vậy, so với kế hoạch kinh doanh năm 2023 với mục tiêu đạt 5.500 tỷ đồng doanh thu thuần và 110 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, “ông trùm” than cốc vẫn đang bám rất sát mục tiêu khi đã hoàn thành 64% chỉ tiêu doanh thu và 56% chỉ tiêu lợi nhuận.

Tham vọng lấn sân bất động sản, nắm trong tay nhiều khu đất “vàng”

Kể từ năm 2017, Việt Phát bắt đầu “lấn sân” sang lĩnh vực bất động sản với việc ký kết hợp tác với nhiều đơn vị lớn cùng phát triển dự án. Một trong những dấu ấn đầu tiên của doanh nghiệp này là việc trúng gói thầu 3.23 “San nền phía ngoài đê tả sông Cấm và san nền từ đê tả sông Cấm đến đường trục chính Đông Tây” trị giá 219 tỷ đồng. Cũng trong thời gian đó, đơn vị liên kết của Việt Phát là Công ty CP xây dựng Bất động sản Việt Phát đã ký kết hợp đồng nguyên tắc với AEON Mall Việt Nam về việc đầu tư Dự án Trung tâm mua sắm AEON Mall Hải Phòng với tổng vốn đầu tư 4.000 tỷ đồng.

Đến năm 2022, doanh nghiệp này nắm trong tay 5 dự án “vàng” tại thành phố Hải Phòng và Hà Nội. Trong đó, Việt Phát đã cùng Công ty CP Kosy (HOSE: KOS) hợp tác đầu tư Khu nhà ở thương mại tại phường Vĩnh Niệm, quận Lê Chân mang tên Việt Phát South City với quy mô hơn 2,4 ha. Tổng mức đầu tư dự án là 450 tỷ đồng. Tại Hải Phòng, doanh nghiệp này cũng là chủ đầu tư của các dự án Bắc Sông Cấm (76,5 ha); Cụm công nghiệp Đò Nống tại An Dương, Hải Phòng (47 ha, 660 tỷ đồng); Dự án phát triển nhà ở, chỉnh trang đô thị tại 80 Hạ Lý, quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng (800 tỷ đồng). Ngoài ra, Việt Phát còn một số dự án khác như: Toà nhà số 2 Trần Hưng Đạo tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, dự án Cảng thủy nội địa Việt Phát tại xã Kim Liên, huyện Kim Thành, Hải Dương (10 ha, 257 tỷ đồng).

Đáng chú ý, Việt Phát cũng là doanh nghiệp đứng sau Công ty CP Đầu tư Khu công nghiệp Tiên Thanh, chủ đầu tư dự án Khu công nghiệp Tiên Thanh. Được biết, khu công nghiệp này có quy mô khoảng 410,5 ha, tổng mức đầu tư là 4.597 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư là 919 tỷ đồng và vốn huy động là 3.678 tỷ đồng.

Chân dung “trùm” than cốc Việt Phát – doanh nghiệp đứng đầu liên danh trúng gói thầu cung cấp than 6.000 tỷ của NMNĐ Sông Hậu 1
Việt Phát là doanh nghiệp đứng sau Công ty CP Đầu tư Khu công nghiệp Tiên Thanh, chủ đầu tư dự án Khu công nghiệp Tiên Thanh trị giá gần 4.600 tỷ đồng

Ngoài ra, Việt Phát còn thể hiện mối quan tâm tới các dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp Đồng Hoá và Cụm công nghiệp Lê Hồ có tổng diện tích 150ha tại huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam.

Việt Phát (VPG): Tổng nợ gấp 3 lần vốn tự có, muốn vay tiếp ngân hàng tối đa 450 tỷ đồng

Thời điểm 31/12/2022, nợ phải trả của Việt Phát (VPG) tăng gấp 3 lần so với đầu năm, lên gần 4.500 tỷ đồng, gấp 3 ...

Cổ phiếu VPG (Việt Phát) “lao dốc”, Chủ tịch nhanh tay “bắt đáy”

Ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Thương mại Xuất nhập khẩu Việt Phát (HOSE - Mã: VPG) báo cáo kết quả ...

Việt Phát (VPG) sắp chi hàng chục tỷ đồng trả cổ tức đợt 1/2021

Công ty CP Đầu tư Thương mại Xuất nhập khẩu Việt Phát (HOSE – Mã: VPG) sẽ chốt quyền trả cổ tức đợt 1/2021 và ...

Hà Lê

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán