|
Năm 2022, tình hình thế giới, khu vực có nhiều biến động phức tạp, khó lường; nhiều diễn biến chưa từng có tiền lệ, vượt khỏi khả năng dự báo của các tổ chức quốc tế và các nước. Ở trong nước, áp lực lạm phát tăng cao và những diễn biến không thuận lợi của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản,… đã tác động mạnh đến điều hành kinh tế vĩ mô nói chung, hoạt động tiền tệ - ngân hàng nói riêng.
Trong điều kiện khó khăn, thách thức như vậy, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; sự giám sát, đồng hành của Quốc hội; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự ủng hộ của người dân và cộng đồng doanh nghiệp; sự hỗ trợ của bạn bè, đối tác quốc tế, Việt Nam năm 2022 đã đạt được một số kết quả rất đáng ghi nhận.
Trước tiên là sự chỉ đạo, điều hành hết sức quyết liệt và linh hoạt của Chính phủ. Thành công trong công tác phòng chống dịch bệnh hiệu quả (một trong những nước có tỷ lệ bao phủ tiêm vaccine hàng đầu thế giới) giúp Việt Nam tự tin mở cửa toàn bộ nền kinh tế từ tháng 3/2022. Điều này tạo điều kiện cho hoạt động kinh tế trong nước nhanh chóng trở lại trạng thái bình thường mới.
Các chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được Chính phủ ban hành từ đầu năm, cùng với việc liên tục bám sát, nắm bắt tình hình giúp Chính phủ kịp thời có phản ứng chính sách, đưa ra các giải pháp phù hợp. Hàng loạt những quyết định, chỉ thị, công điện, thông báo kết luận, văn bản chỉ đạo, điều hành là cơ sở nền tảng để các bộ, ngành cùng vào cuộc tập trung xử lý, ổn định tình hình.
Tâm lý thị trường, niềm tin thị trường được tăng cường, củng cố. Các vấn đề đột xuất, phức tạp diễn ra được xử lý bình tĩnh, chắc chắn, mang lại hiệu quả.
Kết quả là, tăng trưởng kinh tế năm 2022 đạt 8,02% (vượt chỉ tiêu đề ra là 6-6,5%) - mức cao nhất trong khu vực; Chỉ số giá tiêu dùng CPI cả năm tăng 3,15% so với năm 2021, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra; Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa chính thức đạt kỷ lục mới với 732,5 tỷ USD; Vốn FDI thực hiện đạt hơn 22 tỷ USD - mức tăng cao nhất trong 5 năm qua….
Với kết quả đạt được, các tổ chức, cộng đồng quốc tế đánh giá Việt Nam là một trong những nền kinh tế hoạt động hiệu quả hàng đầu ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đồng thời, đánh giá cao tinh thần, trách nhiệm của Việt Nam trong việc chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, có cam kết để cùng chung tay với thế giới đạt mục tiêu "phát thải ròng bằng 0" vào năm 2050.
Đóng góp vào những thành tựu chung của kinh tế đất nước, không thể không kể tới dấu ấn của ngành Ngân hàng. Trên cơ sở bám sát các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, với mục tiêu xuyên suốt và nhất quán trong định hướng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thể hiện được tính chủ động, chắc chắn, linh hoạt… trong điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá, lãi suất, tín dụng, qua đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát thành công lạm phát theo mục tiêu được Quốc hội đề ra.
Tính đến ngày 28/12/2022, tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 12 triệu tỷ đồng, tăng 13,2% so với cuối năm 2021. Cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát…. Năm 2022 cũng ghi nhận việc Bộ Tài chính Hoa Kỳ đưa Việt Nam ra khỏi Danh sách giám sát về thao túng tiền tệ.
Để giúp người dân và cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, trong năm 2022, ngành Ngân hàng cũng tiếp tục triển khai một số giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 vay vốn tại TCTD. Chủ động và tích cực triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm từ nguồn vốn ngân sách nhà nước. Thực tế cho thấy, chưa có một chính sách nào mà ngành Ngân hàng triển khai đồng bộ với tinh thần quyết liệt và khẩn trương như chính sách hỗ trợ lãi suất này.
Công tác cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu được triển khai quyết liệt và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Về cơ bản sự ổn định, an toàn hoạt động của hệ thống các TCTD được giữ vững.
Đồng hành cùng kết quả chung của ngành Ngân hàng, năm 2022, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế vai trò là một trong những hội nghề nghiệp hoạt động hiệu quả và có nhiều kết quả ấn tượng. Hoạt động của Hiệp hội được củng cố mạnh mẽ, đi vào chiều sâu, phát huy và làm tốt vai trò cầu nối, đồng hành cùng các tổ chức hội viên, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên song cũng kêu gọi hội viên nói chung và các ngân hàng thương mại nói riêng tuân thủ theo quy định của pháp luật và thực hiện nghiêm túc có trách nhiệm theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN, Thống đốc NHNN.
Bám sát tình hình thực tiễn, Hiệp hội đã tổ chức nhiều cuộc họp với các TCTD hội viên để cùng thống nhất các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, kêu gọi các tổ chức hội viên đồng thuận thực hiện nghiêm túc cam kết và thông báo công khai việc điều chỉnh giảm mức lãi suất huy động tối đa không quá 9,5% và giảm lãi suất cho vay.
Hiệp hội Ngân hàng cũng tích cực và có trách nhiệm trong việc tham gia xây dựng cơ chế, chính sách, góp phần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, góp phần đưa các quy định của cơ quan quản lý nhà nước sát hơn với tình hình thực tế, tạo thuận lợi cho các tổ chức hội viên trong quá trình thực hiện. Nhiều ý kiến đóng góp của Hiệp hội được các cơ quan quản lý quan tâm, tiếp thu và chỉnh sửa.
Hiệp hội phối hợp với Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội, Tổng cục Thi hành án dân sự, Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm - Bộ Tư pháp,… tổ chức thành công các Hội thảo trao đổi về vướng mắc xử lý tài sản bảo đảm của các TCTD và tìm ra các giải pháp đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu của các TCTD.
Góp phần truyền thông các mặt hoạt động, định hướng của ngành Ngân hàng, đưa tiếng nói của Hiệp hội, các tổ chức hội viên được lan tỏa rộng rãi để các nhà quản lý, người dân thêm hiểu, thêm tin tưởng, có thông tin chính xác về hoạt động ngân hàng không thể không kể đến vai trò của công tác truyền thông. Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ - cơ quan của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam với các nền tảng tạp chí giấy, tạp chí điện tử, các kênh Fanpage, Youtube online đã thực hiện nhiều đợt truyền thông, đồng thời kết nối, phối hợp với các đơn vị truyền thông/báo chí trong và ngoài ngành đăng tải kịp thời nhiều bài viết chuyên sâu được bạn đọc trong và ngoài ngành quan tâm, đánh giá cao.
Trong năm qua, Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ được giao là đơn vị thực hiện, tổ chức thành công Hội thảo “Tài chính tiêu dùng: Kênh dẫn vốn quan trọng với người yếu thế”. Các thông tin tại hội thảo đã tạo tiếng vang, lan tỏa tốt, giúp người dân hiểu thêm và yên tâm tìm tới những công ty tài chính được Ngân hàng Nhà nước cấp phép để vay vốn, góp phần đẩy lùi nạn tín dụng đen.
Chia tay những thời khắc cuối cùng của năm 2022, chào đón năm 2023 với rất nhiều cảm xúc đặc biệt. Dù các dự báo đều cho thấy khó khăn/thách thức sẽ nhiều hơn nhưng với nền tảng đạt được trong năm 2022, sự quyết liệt và linh hoạt trong điều hành của Chính phủ, NHNN và các bộ, ngành, cùng với sự đồng hành/ủng hộ của cộng đồng quốc tế, tin tưởng rằng năm 2023 kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục gặt hái được nhiều thành công, bản lĩnh Việt Nam lại được khẳng định và tiếp tục tỏa sáng.
Nhân dịp năm mới Quý Mão, Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ kính chúc quý bạn đọc một năm mới An Lành - May Mắn - Hạnh Phúc.
Trân trọng!
Ban Biên tập -