Chất lượng tài sản ngành ngân hàng sẽ ra sao trong năm 2023?

31/01/2023 - 17:57
(Bankviet.com) Năm 2023 sẽ là năm chông gai đối với ngành ngân hàng. Bởi lẽ, khi nhìn ở góc độ trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản, nhóm nghiên cứu chỉ ra rằng, nhiều doanh nghiệp bất động sản bắt đầu gặp khó khăn trong việc huy động vốn và tái cơ cấu cho hoạt động kinh doanh của mình.
Vietcombank sắp trở thành “quán quân” vốn điều lệ ngành ngân hàng

Theo kết quả cuộc điều tra xu hướng tín dụng của các tổ chức tín dụng do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thực hiện, dự báo 6 tháng tới và năm 2023, các tổ chức tín dụng quan ngại mặt bằng rủi ro tín dụng tổng thể tiếp tục tăng nhẹ ở hầu hết các lĩnh vực ngoại trừ một số lĩnh vực cho vay phát triển nông, lâm, thủy sản, cho vay đầu tư ứng dụng công nghệ cao, cho vay đầu tư công nghiệp hỗ trợ, cho vay công nghiệp chế biến chế tạo được kỳ vọng rủi ro giảm.

Hai lĩnh vực được dự báo vẫn tiềm ẩn rủi ro tín dụng cao nhất là cho vay đầu tư kinh doanh bất động sản và cho vay đầu tư kinh doanh chứng khoán.

SSI duy trì quan điểm rằng, các ngân hàng sẽ phải đối mặt với vấn đề chất lượng tài sản trong thời gian tới.
SSI duy trì quan điểm rằng, các ngân hàng sẽ phải đối mặt với vấn đề chất lượng tài sản trong thời gian tới.

Trong 6 tháng đầu năm 2023 và cả năm 2023, 61,6%- 64,6% tổ chức tín dụng dự kiến giữ nguyên tiêu chuẩn tín dụng, chỉ có 19,2%-20,2% tổ chức tín dụng dự kiến “thắt chặt nhẹ” tiêu chuẩn tín dụng tổng thể của đơn vị mình, tuy nhiên mức độ thắt chặt đã giảm so với 6 tháng cuối năm 2022 và cả năm 2022, đồng thời có 16,2-17,2% tổ chức tín dụng dự kiến “nới lỏng”.

Dự kiến “thắt chặt” chủ yếu diễn ra ở lĩnh vực “Cho vay đầu tư kinh doanh bất động sản”, “Cho vay kinh doanh tài chính, ngân hàng và bảo hiểm”, khoản vay trung, dài hạn và khoản vay bằng ngoại tệ. Theo nhận định của các tổ chức tín dụng, nguyên nhân chủ yếu là do “Mức độ rủi ro của thị trường” tăng lên (“Rủi ro từ phía khách hàng”; “Rủi ro ngành nghề”) cùng với những thách thức về triển vọng kinh tế.

Với tỷ trọng dư nợ bất động sản và xây dựng xấp xỉ 30% tổng dư nợ của ngành, sự suy yếu của thị trường bất động sản được giới phân tích tài chính nhận định, không chỉ ảnh hưởng triển vọng tăng trưởng tín dụng mà còn là những khoản nợ tiềm ẩn thành nợ xấu.

VDSC cho rằng, năm 2023, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục hành trình vượt bão trong chu kỳ bất động sản đi xuống cùng với triển vọng kém tích cực của xuất nhập khẩu, nhưng khả năng chống chịu của từng ngân hàng sẽ tùy thuộc vào chất lượng tài sản và mức độ thận trọng của ngân hàng trong những năm qua. Tuy nhiên, quy mô nợ xấu và chi phí tín dụng sẽ khác nhau giữa các ngân hàng, dựa trên mức độ thận trọng của ngân hàng trong việc trích lập dự phòng và khả năng hồi phục tài chính của của khách hàng.

Trong khi đó, VNDirect nhận định, bên cạnh căng thẳng thanh khoản trong hệ thống ngân hàng, một vấn đề nghiêm trọng khác liên quan đến việc các doanh nghiệp Việt Nam đang gặp khó khăn về thanh khoản, nhất là với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Khi các doanh nghiệp đang phải đối mặt với chi phí lãi vay tăng cao, do USDlãi suất tiền đồng tăng, ảnh hưởng lên khả năng trả nợ. Những khó khăn trong việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp và khả năng trả nợ suy giảm sẽ tác động xấu đến chất lượng tài sản của ngân hàng trong năm 2023.

Tuy nhiên, với các ngân hàng đã trích lập đầy đủ cho nợ cơ cấu và không liên quan nhiều đến trái phiếu doanh nghiệp sẽ có khả năng kiểm soát chi phí rủi ro tín dụng tốt hơn các ngân hàng khác. Năm 2023, kinh tế thế giới dự kiến sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Kinh tế trong nước thời gian tới đối mặt với thuận lợi và thách thức đan xen.

Vì thế, NHNN cho biết, tiếp tục điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng kinh tế; tập trung vốn vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực rủi ro, nâng cao chất lượng tín dụng...

Đáng chú ý, Phó thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh, năm 2023, kinh tế thế giới dự kiến sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Kinh tế trong nước thời gian tới đối mặt với thuận lợi và thách thức đan xen.

Một trong những thách thức lớn nhất là lạm phát cao, các ngân hàng trung ương lớn trên giới như Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất chứ không chỉ dừng lại ở đó, do đó, áp lực tăng lãi suất rất cao. Với ngành ngân hàng trong nước, các ngân hàng thương mại sẵn sàng tiếp tục hy sinh lợi nhuận để giảm lãi suất, chia sẻ với doanh nghiệp, với nền kinh tế trong năm 2023.

Dự báo nợ xấu của nền kinh tế năm 2023 sẽ gia tăng cùng với chính sách thắt chặt tiền tệ của NHNN. Trong đó, lãi suất tăng sẽ làm tăng nghĩa vụ trả nợ của bên vay (cá nhân và doanh nghiệp), trong khi kinh tế phục hồi chậm lại, tăng trưởng thấp hơn như nêu trên, dẫn đến nợ xấu tiềm ẩn gia tăng.

Vì vậy, cá chuyên gia kinh tế - tài chính dự báo trong năm 2023, nợ xấu nội bảng ở mức 2%, nợ xấu gộp khoảng 4%. Trong khi đó, mức nợ xấu gộp của hệ thống tổ chức tín dụng Việt Nam khoảng 4,99%, ở mức cao khi so sánh với các nước trong khu vực.

Tương tự, Công ty Chứng khoán SSI đánh giá, năm 2023 sẽ là năm chông gai đối với ngành ngân hàng. Bởi lẽ, khi nhìn ở góc độ trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản, nhóm nghiên cứu chỉ ra rằng, nhiều doanh nghiệp bất động sản bắt đầu gặp khó khăn trong việc huy động vốn và tái cơ cấu cho hoạt động kinh doanh của mình.

Điều này có thể sẽ làm gia tăng rủi ro liên quan đến khả năng trả nợ của những công ty này với ngân hàng. Thêm vào đó, tổng dư nợ toàn bộ các khoản cho vay mua nhà tại các ngân hàng SSI phân tích ở mức khoảng 1,3 triệu tỷ đồng. Thế nhưng, thị trường bất động sản lại đang có xu hướng giảm giá và chưa thấy tín hiệu hồi phục.

SSI duy trì quan điểm rằng, các ngân hàng sẽ phải đối mặt với vấn đề chất lượng tài sản trong thời gian tới. Trừ khi có các quy định đặc biệt về phân loại nợ, trích lập dự phòng cho các khoản vay, trái phiếu đáo hạn vào năm 2023 được thực hiện, nợ xấu và trích lập dự phòng sẽ là những áp lực tương đối lớn.

Hồng Giang

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán