Chi phí quảng cáo bào mòn lợi nhuận Bia Hà Nội (Habeco) 6 tháng đầu năm

30/07/2024 - 14:52
(Bankviet.com) Chi phí bán hàng tăng mạnh đã bào mòn đáng kể phần lợi nhuận tăng thêm của Habeco, Công ty đã chi hơn 570 tỷ đồng cho chi phí bán hàng trong 6 tháng đầu năm,

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2024 vừa được công bố, Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước Giải khát Hà Nội (Habeco, HOSE: BHN) ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.305,5 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ. Sau khi khấu trừ giá vốn, lợi nhuận gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 643,5 tỷ đồng, tăng 21% so với quý 2/2023.

Chi phí quảng cáo bào mòn lợi nhuận Bia Hà Nội (Habeco) 6 tháng đầu năm
Hình minh họa.

Doanh thu hoạt động tài chính kỳ này giảm 32%, xuống còn 39,5 tỷ đồng, chủ yếu đến từ lãi tiền gửi và lãi cho vay. Trong khi đó, chi phí tài chính lại tăng 31%, lên mức 2,1 tỷ đồng, trong đó chi phí lãi vay chiếm gần 1 tỷ đồng.

Chi phí quản lý doanh nghiệp kỳ này đi ngang ở mức gần 130 tỷ đồng, trong khi chi phí bán hàng tăng mạnh tới 43% so với cùng kỳ, lên mức gần 340 tỷ đồng.

Kết quả, Habeco ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt gần 221 tỷ đồng. Sau khi khấu trừ thuế và phí, Công ty mang về gần 172 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 9% so với thời điểm hồi đầu năm. Dù vậy, kết quả này cũng đã giúp Bia Hà Nội ngắt mạch 3 quý liên tiếp lợi nhuận sụt giảm so với quý liền trước, đồng thời kết quả này cũng đã tích cực hơn nhiều so với khoản lỗ 21 tỷ đồng trong quý đầu năm nay.

Giai đoạn quý 2 năm nay là thời điểm bắt đầu mùa hè nắng nóng tại miền Bắc, đặc biệt năm nay có thêm sự kiện thể thao lớn Giải vô địch bóng đá châu Âu EURO. Có thể đây cũng chính là một trong những nguyên nhân giúp Habeco hồi phục mạnh trở lại.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, Habeco đạt hơn 3.600 tỷ đồng doanh thu và gần 151 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tương ứng lần lượt tăng 11,2% và giảm 18% so với cùng kỳ. Đây là mức lợi nhuận bán niên thấp nhất tính từ năm 2021 trở lại đây. Biên lợi nhuận ròng sau nửa đầu năm chỉ đạt gần 4,2%.

Chi phí bán hàng tăng mạnh đã bào mòn đáng kể phần lợi nhuận tăng thêm của Habeco, Công ty đã chi hơn 570 tỷ đồng cho chi phí bán hàng trong 6 tháng đầu năm, tăng 29% so với cùng kỳ.

Trong số này, chi phí quảng cáo, khuyến mãi tăng hơn 100 tỷ đồng lên mức 270 tỷ. Trung bình, công ty phải chi 1,48 tỷ đồng cho khoản mục này mỗi ngày. Các khoản như chi phí nhân viên, chi phí bốc xếp vận chuyển hàng bán cũng tăng đáng kể.

Trong năm 2024, dự báo thị trường đồ uống trong nước còn nhiều tiêu cực do hệ quả của Nghị định 100 nhằm giảm tác hại bia, rượu và đồ uống có cồn, Habeco đặt kế hoạch kinh doanh với mục tiêu doanh thu 6.543 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 202 tỷ đồng, đều thấp hơn kết quả thực hiện năm trước. Sau nửa năm, công ty đã thực hiện được 55% chỉ tiêu doanh thu và đã hoàn thành 75% kế hoạch lợi nhuận cho cả năm 2024.

Tính tới thời điểm 30/6/2024, tổng tài sản hợp nhất của "ông lớn" ngành bia miền Bắc này tăng 125 tỷ so với thời điểm hồi đầu năm, lên mức 7.275 tỷ đồng. Trong đó, lượng tiền và các khoản tương đương tiền giảm mạnh 42% so với đầu năm, xuống 671 tỷ đồng; hàng tồn kho của Habeco cũng giảm 3% xuống còn 695 tỷ đồng.

Ở bên kia bảng cân đối kế toán, tổng nợ phải trả của Habeco tính tới cuối quý 2 tăng 19% so với đầu năm, lên mức 2.188 tỷ đồng. Trong đó, nợ vay và thuê tài chính ở mức chỉ 58 tỷ, phần lớn nợ nằm ở khoản phải trả khác như cổ tức phải trả cho cổ đông (420 tỷ), nhận ký quỹ ký cược ngắn – dài hạn (152 tỷ - 112 tỷ). Vốn chủ sở hữu tính tới cuối kỳ đạt 5.088 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận sau thuế chưa phân phối còn hơn 556 tỷ.

Bia Hà Nội tiền thân là nhà máy bia Hommel được người Pháp xây dựng từ năm 1890. Khôi phục từ một nhà máy bia nhỏ của người Pháp bị phá huỷ sau chiến tranh, Bia Hà Nội đã vươn lên trở thành "ông lớn" dẫn đầu thị phần tiêu thụ bia phía Bắc với thương hiệu huyền thoại như Bia Hà Nội, Bia hơi Hà Nội và Bia Trúc Bạch.

Từng là doanh nghiệp nội được ưa chuộng nhất miền Bắc, tuy nhiên những năm gần đây Bia Hà Nội liên tiếp phải chị sức ép cạnh tranh quyết liệt từ các đối thủ nặng ký như Heineken, Carlberg... Thị phần của bia Hà Nội dần trở nên lu mờ ngay cả tại miền bắc. Cộng thêm hệ quả của Nghị định 100 nhằm giảm tác hại bia, rượu và đồ uống có cồn đã khiến kết quả kinh doanh của Habeco cũng theo đà lao dốc trong những năm qua.

Trên thị trường chứng khoán, chốt phiên giao dịch ngày 29/7, cổ phiếu BHN đang dừng ở mức 38.500 đồng/cp, giảm nhẹ so với thời điểm hồi đầu năm.

Đình Tư

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán