Chi tiết chính sách lương hưu mới cho cán bộ, công chức nghỉ hưu sớm khi tinh gọn, sắp xếp bộ máy

17/01/2025 - 02:05
(Bankviet.com) Theo Nghị định 178/2024/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động nghỉ hưu sớm khi thực hiện tinh gọn bộ máy sẽ được hưởng lương hưu mà không bị giảm phần trăm, đồng thời nhận thêm một khoản hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 178/2024/NĐ-CP về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Chia sẻ về quyền lợi của người lao động khi nghỉ hưu sớm, đại diện BHXH Việt Nam nêu rõ, thay vì nghỉ hưu sớm bị trừ phần trăm lương hưu, tới đây, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nghỉ hưu sớm theo Nghị định 178 sẽ vừa được hưởng lương hưu, vừa được nhận thêm một khoản hỗ trợ. Tiền hỗ trợ cho người lao động từ ngân sách nhà nước chi trả.

Chi trả lương hưu cho người nghỉ hưu sớm khi tinh gọn, sắp xếp bộ máy
Chi trả lương hưu cho người nghỉ hưu sớm khi tinh gọn, sắp xếp bộ máy

Ông Đỗ Ngọc Thọ, Trưởng Ban thực hiện Chính sách Bảo hiểm xã hội (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) cho biết, từ thực tế giải quyết các chế độ nghỉ hưu trước tuổi trước đó, người lao động cần hiểu đúng về chính sách nghỉ hưu trước tuổi không bị trừ tỷ lệ hưởng lương hưu. Luật Bảo hiểm xã hội quy định mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi thì giảm 2% tỷ lệ hưởng lương hưu, trường hợp thời gian nghỉ hưu trước tuổi dưới 6 tháng thì không giảm tỷ lệ phần trăm hưởng lương hưu, từ đủ 6 tháng đến dưới 12 tháng thì giảm 1%.

Các chính sách nghỉ hưu trước tuổi không bị trừ tỷ lệ hưởng lương hưu này thường bị hiểu nhầm là được nghỉ hưu trước tuổi nhưng vẫn hưởng lương hưu hàng tháng với tỷ lệ tối đa 75% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội mà không bị giảm trừ.

Tuy nhiên, mức lương hưu hàng tháng sẽ được tính toán theo thời gian đóng bảo hiểm xã hội tính đến thời điểm nghỉ hưu (đối với lao động nữ bằng 45% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội tương ứng 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 2%; đối với lao động nam bằng 45% mức bình quân tiền tương ứng 20 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 2% và đều có mức tối đa bằng 75%).

Như vậy, nghỉ hưu trước tuổi khi tinh gọn bộ máy sẽ không bị giảm từ 2% cho mỗi năm nghỉ hưu sớm, còn mức hưởng lương hưu hàng tháng sẽ vẫn căn cứ theo thời gian đóng bảo hiểm xã hội. Muốn hưởng lương hưu với tỷ lệ hưởng tối đa 75%, lao động nam phải đóng đủ 35 năm bảo hiểm xã hội, còn lao động nữ thì phải đủ 30 năm đóng bảo hiểm xã hội.

Trước lo ngại rằng chính sách nghỉ hưu sớm có thể ảnh hưởng đến Quỹ Bảo hiểm xã hội, đại diện Bảo hiểm xã hội Việt Nam khẳng định rằng ngân sách nhà nước sẽ đảm bảo toàn bộ khoản kinh phí tương đương với số tiền đóng bảo hiểm xã hội cho các đối tượng nghỉ hưu trước tuổi. Theo khoản 4, điều 16 của Nghị định 178, ngân sách nhà nước sẽ chi trả phần kinh phí này để bù đắp vào Quỹ hưu trí và tử tuất, giúp giảm áp lực tài chính lên Quỹ Bảo hiểm xã hội.

Ngoài ra, khoản 3, điều 21 của Nghị định cũng quy định Bộ Tài chính có trách nhiệm phối hợp với Bảo hiểm xã hội để tính toán kinh phí, đảm bảo nguồn ngân sách chi trả một cách đầy đủ và minh bạch.

Bên cạnh quyền lợi lương hưu, người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp sẽ được hưởng các chế độ như trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ đào tạo nghề và giới thiệu việc làm. Hiện tại, Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp còn kết dư hơn 60.000 tỷ đồng, đủ khả năng chi trả cho các trường hợp nghỉ việc khi thực hiện tinh gọn bộ máy.

Đại diện Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, trong năm 2024, số người rút bảo hiểm xã hội một lần đã giảm gần 1,6% so với năm trước, còn gần 1,1 triệu người. Sự giảm này được lý giải bởi việc người lao động cảm thấy an tâm hơn nhờ các chính sách ổn định và quyền lợi được mở rộng.

Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi cũng đưa ra những quy định có lợi cho người lao động, như giảm điều kiện thời gian tối thiểu tham gia bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống còn 15 năm. Đồng thời, những người sau tuổi nghỉ hưu nhưng không đủ điều kiện hưởng lương hưu sẽ được bổ sung trợ cấp xã hội hàng tháng.

Ngoài ra, tình hình kinh tế - xã hội trong năm qua cũng có những điểm sáng, giúp thu nhập của người lao động ổn định hơn, giảm nhu cầu rút bảo hiểm xã hội một lần. Công tác truyền thông của cơ quan bảo hiểm xã hội đã góp phần nâng cao nhận thức của người lao động về lợi ích lâu dài của việc duy trì bảo hiểm xã hội, giúp họ nhận ra những bất lợi khi lựa chọn rút bảo hiểm xã hội một lần.

Lịch chi trả lương hưu trước Tết Nguyên đán Ất Tỵ tại Hà Nội và các tỉnh thành

Bảo hiểm xã hội nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước đã công bố lịch chi trả gộp lương hưu và trợ cấp bảo hiểm ...

Đề xuất giải pháp hỗ trợ người cao tuổi trong việc rút lương hưu qua ngân hàng

Gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện thông tin về việc người cao tuổi và người khuyết tật gặp khó khăn khi nhận lương ...

Những đề xuất đáng chú ý về thay đổi lương hưu từ 1/7/2025

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hiện đang lấy ý kiến về dự thảo thông tư quy định chi tiết và hướng ...

Sơn Tùng

Sơn Tùng

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán