Chiến lược gia VCBS nhận định về xu hướng cổ phiếu chứng khoán sau làn sóng tăng vốn

15/06/2023 - 23:30
(Bankviet.com) Làn sóng tăng vốn của các CTCK đang ấm dần lại và nhóm cổ phiếu chứng khoán diễn biến tương đối tích cực trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, khi làn sóng tăng vốn qua đi, cổ phiếu ngành chứng khoán lại bất ngờ quay lại xu hướng giảm điểm...

Các công ty chứng khoán liên tục tăng vốn trong giai đoạn thị trường sôi động như các năm 2020, 2021 và làn sóng đó đang dần quay trở lại trong thời gian gần đây. Đáng chú ý, nhiều công ty chứng khoán lớn đã đưa ra kế hoạch tăng vốn khủng, cụ thể:

Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT (HOSE: VND) vừa thông qua kế hoạch phát hành tổng cộng 499,4 triệu cổ phiếu, nâng vốn điều lệ từ hơn 12.178 tỷ đồng lên 17.800 tỷ đồng.

Công ty Chứng khoán Bản Việt (HOSE: VCI) cũng thông qua kế hoạch phát hành hơn 100 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, với tỷ lệ 30%, để nâng vốn điều lệ lên hơn 4.350 tỷ đồng. Đồng thời, Công ty phát hành 2 triệu cổ phiếu ESOP với giá 12.000 đồng/cổ phiếu (trong khi giá đóng cửa phiên 4/5/2023 là 32.500 đồng/cổ phiếu).

Công ty Chứng khoán MB (HOSE: MBS) dự kiến tăng vốn điều lệ từ 3.806 tỷ đồng lên 4.377 tỷ đồng và thông qua phát hành cổ phiếu để chia cổ tức, tỷ lệ 12%. Ngoài ra, MBS cũng dự định phát hành cổ phiếu thưởng từ nguồn vốn chủ sở hữu với tỷ lệ 3%.

Công ty Chứng khoán BIDV (HOSE: BSI) dự kiến phát hành gần 15 triệu cổ phiếu, tăng vốn điều lệ từ 1.878 tỷ đồng lên gần 2.028 tỷ đồng, trong đó 9,4 triệu cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ 5% và hơn 5,6 triệu cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 3%.

Việc tăng vốn sẽ giúp các công ty chứng khoán đáp ứng các yêu cầu về tài chính và năng lực hoạt động. Điều này có thể là do nhu cầu mở rộng kinh doanh, cải thiện cơ sở hạ tầng và tăng cường hệ thống quản lý rủi ro. Nâng cao vốn cũng có thể giúp các công ty chứng khoán tăng cường khả năng cạnh tranh với các đối thủ khác, đáp ứng các quy định mới nhất của ngành, và thúc đẩy sự phát triển của công ty trong tương lai.

Tuy nhiên, sau nhịp tăng vốn, cổ phiếu chứng khoán thường có xu hướng giảm và diễn biến tương đối tiêu cực. Năm 2022, khi tăng vốn thành công, các cổ phiếu chứng khoán như VND, SSI, HCM,... bắt đầu bước vào nhịp giảm khá sâu.

Để tìm ra nguyên nhân dẫn tới xu hướng trên, Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam đã có cuộc trao đổi ngắn với ông Nguyễn Hoàng Tuấn Minh, Chiến lược gia thị trường, Trung tâm Nghiên cứu Phân tích tại CTCK VCBS.

Chiến lược gia VCBS nhận định về xu hướng cổ phiếu chứng khoán sau làn sóng tăng vốn
Ông Tuấn Minh, Chiến lược gia Thị trường CTCK VCBS.

Theo quan điểm của ông Tuấn Minh:

"Xu hướng của thị trường chứng khoán luôn được thể hiện qua xu hướng vận động của các cổ phiếu chứng khoán. Các công ty chứng khoán phát hành đều xuất phát từ nhu cầu vốn gia tăng nhằm phục vụ hoạt động hỗ trợ tài chính (cấp margin) và đầu tư chứng khoán (tự doanh). Trong bối cảnh thị trường tăng trưởng tích cực nhưng nguồn lực tài chính lại bị hạn chế vì các rào cản về tỷ lệ an toàn tài chính cũng như điều luật quy định mức trần số dư cho vay margin, việc các công ty chứng khoán tăng vốn được kỳ vọng sẽ là nguồn động lực tăng trưởng lợi nhuận chính. Đây cũng là nguyên nhân mà giá cổ phiếu của các công ty chứng khoán bật tăng ngay khi có những thông tin về tăng vốn.

Sau giai đoạn cổ phiếu ghi nhận mức tăng giá tích cực, tâm lý hiện thực hóa lợi nhuận được kích hoạt đến từ một bộ phận không nhỏ những nhà đầu tư ngắn hạn lướt sóng, thường có xu hướng chốt lời vào ngày công bố thông tin dẫn tới áp lực điều chỉnh ngắn hạn với nhóm cổ phiếu ngành chứng khoán này.

Ngoài ra, thời điểm phát hành xong cũng có thể là lúc thị trường ghi nhận những tín hiệu xấu trên môi trường pháp lý và điều kiện kinh tế vĩ mô. Điều này khiến cho nhà đầu tư thất vọng trong dự báo tỷ suất sinh lời trên đồng vốn phát hành mới. Theo đó, cổ phiếu chứng khoán trở nên đắt đỏ do kết quả kinh doanh tăng trưởng không theo kịp tốc độ pha loãng sau phát hành, thậm chí là giảm. Vì vậy, việc giá cổ phiếu giảm là dễ hiểu."

Trên thị trường, kết thúc phiên giao dịch ngày 15/6, VN-Index giảm 0,45 điểm (-0,04%) xuống 1.116,97 điểm với 151 mã tăng và 261 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch trên HOSE đạt 702.007.879 đơn vị, thanh khoản thị trường giảm mạnh so với phiên hôm qua, tổng giá trị đạt trên 12,8 ngàn tỷ đồng, tính riêng trên HOSE. Nhóm VN30 có 11 mã tăng, 4 mã tham chiếu và 15 mã giảm.

Mặc dù thị trường chung chìm trong sắc đỏ, tuy nhiên nhiều cổ phiếu chứng khoán bất ngờ xanh nhẹ vào cuối phiên, cá biệt có mã cổ phiếu của CTCK Rồng Việt (HOSE: VDS) tăng trần với thanh khoản tương đối lớn.

Cổ phiếu chứng khoán liệu đã "tạo đỉnh"?

Trong vòng một tháng trở lại đây, thị trường chứng khoan diễn biến sôi động với những phiên giao dịch có thanh khoản lên tới ...

Nhà đầu tư có thể “mắc kẹt” tại vùng giá cao khi dòng tiền tăng quá nhanh

Chuyên gia lưu ý, thanh khoản tăng cao đột biến có thể khiến vòng quay tiền tăng mạnh hơn. Thông thường, nhà đầu tư có ...

Thiên Dương

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán