Chiến sự Israel-Hamas ngày 18/6/2024: Israel tuyên bố ''phá hủy'' Hamas ở Rafah

20/06/2024 - 00:06
(Bankviet.com) Chiến sự Israel-Hamas ngày 18/6/2024: Israel tuyên bố ''phá hủy'' Hamas ở Rafah khi IDF tuyên bố đã vô hiệu hóa 50% các tay súng của phong trào trong thành phố.
Chiến sự Israel-Hamas ngày 15/6/2024: Giải pháp 2 nhà nước sẽ giúp giải quyết xung đột tại Dải Gaza Chiến sự Israel-Hamas ngày 16/6/2024: Israel bất ngờ tuyên bố “tạm dừng chiến dịch” ở miền Nam Dải Gaza Chiến sự Israel-Hamas ngày 17/6/2024: Thủ tướng Israel không ủng hộ ngừng bắn tạm thời tại Dải Gaza

Theo tờ The Times of Israel, Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) tuyên bố đánh bại khoảng một nửa lực lượng của Hamas ở thành phố cực Nam Dải Gaza, hạ ít nhất 550 tay súng của phong trào này tại đây.

IDF ngày 17/6 thông báo 2 trong số 4 tiểu đoàn của phong trào vũ trang Hamas tại Rafah, thành phố cực Nam ở Dải Gaza, đã bị "tiêu diệt" gần như hoàn toàn, số còn lại bị suy giảm phần nào năng lực chiến đấu.

Chiến sự Israel-Hamas ngày 18/6/2024: Israel tuyên bố ''phá hủy'' Hamas ở Rafah
IDF tuyên bố đã vô hiệu hóa 50% các chiến binh Hamas ở thành phố Rafah. Ảnh: Getty

Từ khi mở chiến dịch ở Rafah cách đây hơn một tháng, IDF đã vô hiệu hóa ít nhất 550 tay súng Hamas, nhiều thành viên thiệt mạng sau các cuộc tập kích vào các tòa nhà và đường hầm trong thành phố. Một số lượng chưa xác định chiến binh đã chạy trốn khỏi Rafah trước khi quân đội Israel mở chiến dịch tại đây.

Dọc theo Hành lang Philadelphi, vùng đệm dài khoảng 14 km ngăn cách Dải Gaza với Ai Cập, IDF đã phát hiện hàng trăm đạn rocket, bao gồm hàng chục quả đạn tầm xa nhắm tiêu vào lãnh thổ Israel, cùng hơn 200 lối vào các hệ thống hầm rộng lớn dưới lòng đất. Ít nhất có 25 đường hầm dài hướng về biên giới với Ai Cập, một số nhiều khả năng dẫn đến bán đảo Sinai và được Hamas sử dụng để vận chuyển vũ khí vào Dải Gaza.

Ngoài Hành lang Philadelphi, IDF cũng tuyên bố đã kiểm soát hoàn toàn khu Brazil và NPK bên trong thành phố Rafah, gần hai trại tị nạn Shaboura và Yabna. NPK được coi là thành trì quan trọng của Hamas. IDF thông báo đã phá hủy hệ thống chiến đấu của Hamas và hạ hàng chục tay súng của phong trào này dưới các đường hầm chằng chịt ở đây. Sư đoàn 162 của IDF chính là đơn vị chủ công trong các hoạt động tác chiến tại Rafah thời gian qua. Hiện tại, Hamas chưa có bình luận về các thông tin do IDF công bố.

Cộng đồng quốc tế nhiều lần kêu gọi Israel không mở chiến dịch quân sự trên bộ nhằm vào Rafah, thành phố này có hơn một triệu người tị nạn trú ngụ. Tuy nhiên, quân đội Israel hồi đầu tháng 5/2024 vẫn tiến vào đô thị này và gây ra nhiều thương vong cho dân thường.

Chiến sự Israel-Hamas ngày 18/6/2024: Israel tuyên bố ''phá hủy'' Hamas ở Rafah
Xung đột tại Dải Gaza đang gây thương vong lớn cho thường dân Palestine. Ảnh: AP

Truyền thông Israel cho biết, Sư đoàn 162 đã chiến đấu ở Rafah trong hơn 40 ngày. Đầu tiên, lực lượng này kiểm soát vùng ngoại ô ở phía Đông thành phố và cửa khẩu Rafah nối giữa Dải Gaza và Ai Cập, sau đó hơn một tuần thì chiếm khu Brazil. Trong giai đoạn 3 của chiến dịch, IDF kiểm soát toàn bộ biên giới Gaza - Ai Cập, đồng thời tiến sâu vào khu Tel Sultan ở phía Tây Bắc Rafah.

Liên quan tới cuộc xung đột tại Dải Gaza, nhiều chuyên gia nhận định, quan điểm của Tổng thống Mỹ Joe Biden về xung đột Israel - Hamas được cho là một trong những điểm gây lo ngại nhất. Ông chủ Nhà Trắng đến nay vẫn bảo vệ chiến dịch tấn công Dải Gaza của Israel để tiêu diệt Hamas.

Tổng thống Mỹ gần đây tăng chỉ trích Thủ tướng Netanyahu vì thương vong dân thường trong cuộc chiến và cố gắng vạch ra "lằn ranh đỏ" đối với Israel, nhưng Mỹ vẫn cản trở các nỗ lực của Liên hợp quốc nhằm kêu gọi chấm dứt giao tranh nhanh chóng.

Khi chiến sự Dải Gaza kéo dài, cựu tổng thống Donalp Trump càng có thêm động lực quảng bá chính sách "Nước Mỹ trên hết" trong cuộc đua vào Nhà Trắng, phá vỡ nền tảng ngoại giao rộng rãi mà Tổng thống Joe Biden đã nỗ lực thiết lập trong suốt nhiệm kỳ qua.

Ở châu Âu, bất đồng với Mỹ trong vấn đề Israel đã gia tăng, với việc một số quốc gia thậm chí còn chọc giận Tel Aviv bằng cách công nhận nhà nước Palestine.

Giới chức Nhà Trắng đến nay vẫn cố gắng giảm bớt rủi ro chính trị với Tổng thống Joe Biden bằng cách nhấn mạnh vào những nỗ lực của ông nhằm thúc đẩy một khuôn khổ hòa bình cho cuộc xung đột. Thực tế, phần lớn châu Âu đã công khai ủng hộ Mỹ trong việc đàm phán lệnh ngừng bắn giữa Israel và Hamas và coi đây là yếu tố tối quan trọng để giúp ổn định khu vực.

Kim Ngân

Theo: Báo Công Thương