Tờ Al-Araby Al-Jadeed dẫn thông báo của quan chức Ai Cập giấu tên đăng tải, Israel và Hamas đã đạt được thỏa thuận sơ bộ nhằm gia hạn lệnh ngừng bắn ở Dải Gaza thêm 2 ngày nữa thông qua sự hòa giải của Qatar, Ai Cập và Mỹ.
Các điều khoản của thỏa thuận ngừng bắn vẫn được giữ nguyên. Nguồn tin cho biết, Hamas đã liên hệ với các phe phái khác vẫn còn giam giữ các con tin trong Dải Gaza.
Ngày 24/11, thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hamas có hiệu lực. Theo các điều khoản của thỏa thuận, lệnh ngừng bắn có thể kéo dài tối đa 10 ngày.
Dù trong thời gian ngừng bắn, nhưng giới chức Israel vẫn kiên quyết lập trường phải vô hiệu hóa Hamas khỏi Dải Gaza. Ảnh: Reuters. |
Tới ngày 27/11, lệnh ngừng bắn nhân đạo ở Dải Gaza được kéo dài thêm hai ngày. Ban đầu các bên đã ký một thỏa thuận trong 4 ngày để trao đổi tù nhân. Hamas thông báo lệnh ngừng bắn có thể được kéo dài thêm 1 ngày để thả 10 con tin.
Điều phối viên Truyền thông Chiến lược của Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Kirby cho biết, Mỹ sẵn sàng gia hạn lệnh ngừng bắn nhân đạo kéo dài 2 ngày ở Dải Gaza với điều kiện Hamas tiếp tục thả con tin Israel.
Còn theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Qatar Majid al-Ansari, Hamas sẽ thả 20 con tin Israel bị bắt trong hai ngày ngừng bắn bổ sung.
“Danh sách những người sẽ được trả tự do vào thứ Ba đã được bàn giao cho các bên trong cuộc xung đột”, đồng thời lưu ý rằng hiện chưa rõ tổng số những người bị giam giữ.
Ông Majid al-Ansari cho biết, trong 4 ngày qua, 69 người đã được thả, trong đó có 50 con tin Israel. Ngoài ra, như một phần của thỏa thuận trao đổi, 150 tù nhân Palestine đã được thả khỏi các nhà tù của Israel.
Nhà ngoại giao này cũng giải thích rằng các nhà hòa giải đã chia việc thả con tin thành ba giai đoạn. Đầu tiên là thả phụ nữ và trẻ em, thứ hai là thả dân thường, và thứ ba là thả quân nhân.
Israel hiện có ý định thả 50 tù nhân Palestine để đổi lấy những người Israel bị giam giữ ở Dải Gaza. Chính phủ nước này đã phê duyệt danh sách những phụ nữ sẽ được trả tự do sớm. Đổi lại, phong trào Hamas của Palestine sẽ phải thả những người Israel bị bắt.
Tuyên bố với kênh truyền hình Die Welt của Đức, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu khẳng định chính phủ nước này đang nỗ lực hết sức để giảm thiểu thương vong cho dân thường ở Dải Gaza.
“Chúng tôi đang làm mọi thứ có thể để giảm thiểu thương vong cho dân thường. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm điều này”, ông Benjamin Netanyahu cho biết và nói thêm rằng nỗ lực của một số chính trị gia nhằm buộc Israel phải chịu trách nhiệm về thương vong dân sự là hoàn toàn không thể chấp nhận được.
Ông Netanyahu nhấn mạnh: “Chúng ta phải làm những gì cần thiết để tiêu diệt Hamas, bằng mọi giá, nhằm tránh thương vong cho dân thường”.
Vào cuối tháng 10/2023, Bộ Y tế Palestine báo cáo số dân thường thương vong ở Gaza ít nhất là 8.000 người, một nửa trong số đó là trẻ em.
Tại buổi họp báo kết quả của ngày đầu tiên của cuộc họp cấp Bộ trưởng NATO ở Brussels, Tổng thư ký của khối Jens Stoltenberg tuyên bố, Ngoại trưởng các nước thành viên NATO bày tỏ hy vọng xung đột giữa Israel và Palestine ở Dải Gaza sẽ không lan sang các nước khác.
“Các đồng minh hoan nghênh việc gia hạn thời gian tạm dừng chiến sự, thả con tin, cũng như cơ hội cung cấp thêm viện trợ nhân đạo cho Dải Gaza”, ông Jens Stoltenberg nói
Theo đó, NATO với tư cách là tổ chức không trực tiếp tham gia giải quyết xung đột ở Trung Đông, nhưng nhiều đồng minh liên minh đóng vai trò tích cực trong quá trình này. Đồng thời, NATO hợp tác với một số nước trong khu vực.
Tổng thư ký cũng cho biết ông có kế hoạch tới thăm khu vực Vịnh Ba Tư trong thời gian tới “để gặp gỡ các đối tác”.
Theo thông tin mới nhất, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết kêu gọi Israel rút khỏi Cao nguyên Golan.
Hamas và Israel có thể sẽ kéo dài thêm lệnh ngừng bắn tạm thời tại Dải Gaza. Ảnh: AP. |
Nghị quyết được đồng tài trợ bởi Ai Cập, Jordan, Iraq, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Syria và các quốc gia khác. 91 quốc gia đã bỏ phiếu tán thành nghị quyết này, bao gồm Nga, Brazil, Ấn Độ, Trung Quốc, 8 quốc gia bỏ phiếu chống lại nghị quyết, bao gồm Mỹ và Anh; 62 quốc gia khác bỏ phiếu trắng.
Cao nguyên Golan là vùng lãnh thổ tranh chấp được Israel và Syria tuyên bố chủ quyền. Từ năm 1944 - 1967, nó thuộc về Syria, nhưng sau đó bị Israel chiếm giữ sau Chiến tranh 6 ngày.
Chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan vẫn chưa được Liên hợp quốc công nhận, nhưng vào tháng 3/2019 đã được cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump công nhận vùng lãnh thổ này thuốc Israel. Từ năm 1967, Israel đã xây dựng một số khu định cư trên cao nguyên này.
Kim Ngân (tổng hợp)