Hãng thông tấn RIA Novosti đăng tải, lãnh đạo phe cánh ôn hòa của phong trào Hamas, Musa Abu Marzuk tuyên bố, Nga nên đóng vai trò chính trong việc giải quyết xung đột Palestine-Israel thay vì Mỹ như hiện tại.
“Chúng tôi muốn Nga trở thành nước đóng vai trò chính trong việc đối trọng với Mỹ và Israel”, đại diện Hamas nêu rõ.
Theo đó, Hamas đề xuất Nga nên được một số quốc gia ủng hộ quan điểm của nước này trong quá trình giải quyết xung đột tại Dải Gaza. Ông Musa Abu Marzuk nhấn mạnh rằng, Hamas đang cố gắng đạt được sự cân bằng trong vấn đề giải quyết xung đột.
Hamas muốn Nga tham gia vào quá trình giải quyết xung đột thay vì Mỹ như hiện tại. Ảnh: Getty |
Hiện tại, Israel đã nhượng bộ trong các cuộc đàm phán với Hamas về việc thả con tin. Tel Aviv đang xem xét khả năng thả tự do những người Palestine bị kết tội khủng bố để đổi lấy một số con tin đang bị giam giữ ở Dải Gaza.
Liên quan tới cuojc xung đột, Lebanon nắm được thông tin về việc Israel sẽ sớm phá bỏ lệnh ngừng bắn đã tồn tại giữa hai nước
Tại một phiên họp của Diễn đàn Ngoại giao ở Antalya, Bộ trưởng Ngoại giao Lebanon Abdalla Bu Habib tuyên bố: “Chúng tôi đã gửi rất nhiều thông điệp thông qua các cường quốc phương Tây… Chúng tôi đã yêu cầu ngừng bắn, nhưng Israel trả lời rằng họ không muốn điều này”.
Ông Abdalla Bu Habib nhấn mạnh, vấn đề hòa giải với phong trào Hezbollah của Lebanon là gần như không thể và Israel biết điều này: “Chúng tôi hiện đang ở ngã ba đường. Vâng, chúng tôi sợ hãi, nhưng đừng để Israel nghĩ rằng họ có thể đến Lebanon như một chuyến dã ngoại và bắt đầu cuộc chiến của họ. Cuộc chiến này nếu nổ ra sẽ lan rộng ra toàn bộ khu vực”
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Lebanon chỉ ra rằng Israel đã bày tỏ mong muốn thảo luận về tình hình biên giới trong các cuộc đàm phán mới đây.
Giới chức Mỹ hiện lo ngại về khả năng có Lực lượng phòng vệ Israel có thể vượt biên giới Lebanon một lần nữa. Động thái quân sự như vậy được dự kiến có thể bắt đầu vào cuối mùa xuân hoặc đầu mùa hè 2024.
Trong khi đó, Quân đội Mỹ bắt đầu thả hàng viện trợ xuống Dải Gaza trong bối cảnh khu vực cận kề thảm họa nhân đạo do chiến sự Israel – Hamas kéo dài nhiều tháng qua.
Máy bay vận tải quân sự C-130 của Mỹ đã thả hơn 38.000 suất ăn dọc theo bờ Địa Trung Hải ở Dải Gaza. Lực lượng quân sự Jordan cũng tham gia hoạt động này. "Chúng tôi đang lên kế hoạch cho các nhiệm vụ thả hàng viện trợ tiếp theo nếu có thể triển khai", thông tin từ Quân đội Mỹ cho biết.
Một quan chức Bộ tư lệnh Trung tâm Mỹ (CENTCOM) nói động thái diễn ra ở miền Nam Dải Gaza với 3 chiếc C-130 tham gia hoạt động. Quân đội Mỹ cũng khẳng định, các suất ăn đều tính tới yếu tố tôn giáo khi không chứa thành phần thịt lợn vốn bị cấm theo quy định của đạo Hồi.
Kế hoạch thả hàng hóa xuống Gaza được Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo ngày 1/3, sau vụ binh sĩ Israel bị tố nổ súng vào dân thường Palestine chờ viện trợ tại Dải Gaza. Hiện tại, các tuyến cứu trợ đường bộ được coi là “nguồn sống” chính cho người tị nạn Palestine đang bị kẹt lại trong Dải Gaza. Jordan và Pháp đang hỗ trợ người dân Palestine theo cách này.
Israel có khả năng sẽ mở đợt tấn công sang lãnh thổ Lebanon nếu xung đột tiếp tục kéo dài. Ảnh: Reuters |
Một số quan chức Mỹ bày tỏ hoài nghi về hiệu quả của phương pháp, cho rằng hàng hóa có thể rơi vào tay Hamas thay vì người dân do Quân đội Mỹ không có binh sĩ tại thực địa để kiểm soát việc phân phối hàng cứu trợ.
Phương pháp này sẽ chỉ mang lại hiệu quả hạn chế và không giải quyết được "cốt lõi vấn đề" xung đột tại Dải Gaza. Chỉ có việc mở cửa biên giới ở Dải Gaza mới có thể ngăn chặn tình trạng khủng hoảng nhân đạo ở dải đất này tiếp diễn.
Theo số liệu của cơ quan y tế Dải Gaza, xung đột và các hoạt động quân sự của Quân đội Israel đã khiến 30.320 người Palestine thiệt mạng và 71.533 người bị thương, trong đó phần lớn là phụ nữ và trẻ em. Còn theo thống kê của Liên hợp quốc, chiến sự khiến 85% dân số Dải Gaza phải di tản trong bối cảnh thiếu thực phẩm, nước sạch và thuốc men. Khoảng 60% hạ tầng tại khu vực bị hư hại hoặc phá hủy.
Kim Ngân