Thông tin chiến sự
Ukraine nói bắn hạ máy bay ném bom tầm xa chiến lược của Nga. Phía Nga cho biết, một máy bay ném bom tầm xa chiến lược Tu-22M3 của nước này đã gặp sự cố và rơi sau một nhiệm vụ chiến đấu, tuy nhiên Ukraine tuyên bố đã bắn hạ.
Bộ Quốc phòng Nga thông báo, Tu-22M3 đã rơi xuống vùng Stavropol ở miền nam Nga trong lúc quay về căn cứ sau một nhiệm vụ chiến đấu. Theo thông báo, máy bay bị rơi do "trục trặc kỹ thuật". Trong khi đó, quân đội Ukraine thông báo lực lượng không quân đã bắn rơi chiếc Tu-22M3 được Nga sử dụng để tấn công các thành phố của Ukraine. Đây là lần đầu tiên Kiev tuyên bố bắn hạ loại máy bay này từ khi chiến sự nổ ra.
Thông tin chiến sự Nga-Ukraine hôm nay ngày 20/4/2024: Ukraine sắp “thất thủ” vì thiếu đạn dược; châu Âu không thừa nhận sai lầm trong chiến lược. Ảnh: AP |
Nga tập kích dồn dập vào Ukraine. Theo Bộ Quốc phòng Nga, lực lượng vũ trang nước này đã tiến hành 34 cuộc tấn công tầm xa vào các mục tiêu ở Ukraine kể từ ngày 13/4.
“Các cuộc tấn công được thực hiện để đáp trả những nỗ lực của chính quyền Kiev nhằm gây thiệt hại cho các cơ sở công nghiệp và năng lượng của Nga. Tên lửa của Nga được phóng từ các bệ phóng trên mặt đất, trên không và trên biển cũng như UAV”, Bộ Quốc phòng Nga thông báo.
Phía Nga cũng xác nhận, các cuộc tấn công của Moscow nhắm mục tiêu vào các cơ sở công nghiệp năng lượng, cơ sở công nghiệp quân sự, cơ sở hạ tầng đường sắt, hệ thống phòng không, kho vũ khí và cơ sở dự trữ nhiên liệu được quân đội Ukraine sử dụng.
Một số diễn biến liên quan
Ukraine sắp “thất thủ” vì thiếu đạn dược. Theo Bloomberg, các nước phương Tây lo ngại Ukraine có thể sớm phải đối mặt với thất bại do thiếu đạn dược.
Một số đồng minh của Ukraine lo ngại Kiev có thể phải chịu thất bại do nguồn dự trữ đạn dược cạn kiệt. Giới chuyên gia cũng chỉ ra rằng vì lý do này, Tổng thống Zelensky trong nhiều tháng đã yêu cầu các đồng minh phương Tây cung cấp cho Kiev các hệ thống phòng không và đạn dược bổ sung.
Châu Âu không thừa nhận sai lầm trong chiến lược với Ukraine. Bộ trưởng Ngoại giao và Kinh tế đối ngoại Hungary Peter Szijjarto cho biết, các nhà lãnh đạo châu Âu không thừa nhận sai lầm trong chiến lược tại cuộc xung đột ở Ukraine, để không phải chịu trách nhiệm về những tính toán sai lầm.
Theo ông Szijjarto, các nhà lãnh đạo châu Âu cảm thấy như thể chính họ đang tham gia vào một cuộc chiến, nhưng không phải vậy vì không ai tấn công châu Âu.
“Các nhà lãnh đạo chính trị châu Âu đã chọn một chiến lược tồi tệ, sai lầm, gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho châu Âu”, ông Szijjarto nói.
Ngoại trưởng Hungary nêu ví dụ về thiệt hại do sai lầm của các nhà lãnh đạo châu Âu gây ra khiến giá năng lượng tăng cao và hậu quả của việc bán phá giá của các nhà cung cấp ngũ cốc Ukraine cho thị trường châu Âu.
Nhà Trắng sẵn sàng nối lại ngay việc cung cấp vũ khí cho Ukraine. Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho biết, Tổng thống Biden sẽ không chậm trễ ký các dự luật hỗ trợ Ukraine và Israel nếu được Quốc hội thông qua và Washington sẽ có thể ngay lập tức tiếp tục cung cấp vũ khí cho Kiev.
Ngoài ra, bà Jean-Pierre cũng xác nhận lực lượng vũ trang Ukraine đang rút lui. Bà nhớ lại về vấn đề này, Giám đốc Cơ quan tình báo Trung ương Mỹ, William Burns, gần đây đã cảnh báo lãnh đạo Quốc hội lực lượng vũ trang Ukraine đang “mất dần lãnh thổ”. Theo chính quyền Mỹ, việc Quốc hội chậm trễ phê duyệt các gói hỗ trợ sẽ gây tổn hại cho những gì Ukraine đang cố gắng làm.
G7 nhất trí tổ chức hội nghị hòa bình về Ukraine vào giữa tháng 6. Ngoại trưởng Italia Antonio Tajani cho biết, Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) đã lên tiếng ủng hộ việc đạt được hòa bình ở Ukraine và ủng hộ tổ chức hội nghị hòa bình vào giữa tháng 6.
“Chúng tôi nhấn mạnh sự cần thiết phải phối hợp hành động khẩn cấp với các đối tác toàn cầu để chuẩn bị cho hội nghị hòa bình về Ukraine vào giữa tháng 6. G7 xác nhận ủng hộ những nỗ lực của Ukraine nhằm thiết lập một nền hòa bình toàn diện, công bằng và lâu dài, phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm cả Hiến chương Liên Hợp Quốc, đồng thời tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Ukraine”, ông Tajani nhấn mạnh.
Nga sẽ không ngừng bắn với Ukraine. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố, nước này không có ý định ngừng bắn với Ukraine ngay cả khi hai bên tiến hành đàm phán hòa bình.
“Chúng tôi đã tuyên bố sẵn sàng đàm phán, nhưng không giống như câu chuyện ở Istanbul, chúng tôi sẽ không tạm dừng giao tranh trong suốt các cuộc hòa đàm. Quá trình này phải tiếp tục”, ông Lavrov nói.
Theo ông Lavrov, trở ngại lớn cho bất kỳ tiến trình hòa bình nào là Tổng thống Zelensky “tự áp lệnh cấm đàm phán” với chính quyền hiện tại ở Moscow. Ngoại trưởng Nga đang đề cập đến một sắc lệnh do ông Zelensky ký vào mùa thu năm 2022, cấm chính phủ của ông tiến hành bất kỳ cuộc thương lượng nào với người đồng cấp Nga Putin.